Đừng huy động vàng!
Trong bài viết này là hững nhận định về tính khả thi của việc phát hành chứng chỉ vàng để huy động vàng trong dân mà NHNN dự kiến sẽ trình Chính phủ thông qua vào quý II này, qua góc nhìn của TS. Phạm Đỗ Chí.
- Trước hết, ông có thể cho biết nhận định của mình về việc Ngân hàng nhà nước (NHNN) dự kiến sẽ đứng ra phát hành chứng chỉ huy động vàng, nhằm hướng tới quản lý thị trường và khơi thông nguồn lực trong dân?
Sáu tháng trước, Tổ xây dựng Đề án sử dụng nguồn lực trong nước để bình ổn thị trường vàng của NHNN được thành lập. Một đề án về việc phát hành chứng chỉ vàng nhằm huy động nguồn lực trong dân đã được đưa ra. Tuy nhiên cho đến nay, đề án vẫn chưa công bố ra thị trường và bên cạnh những ý kiến ủng hộ, cá nhân tôi luôn có sự e ngại về mục tiêu có ý nghĩa quyết định nội dung của đề án này.
- Vì sao lại e ngại trong khi mục tiêu quản lý thị trường và khơi thông nguồn lực trong dân đều rất rõ ràng, hợp lý, thưa ông?
Theo thống kê thì VN nằm trong top 10 quốc gia hàng đầu về việc người dân có thói quen giữ vàng và lượng vàng được lưu giữ trong dân đạt tới hàng trăm tấn. Có người đưa ra thống kê ước lượng con số đó khoảng 300 - 500 ngàn tấn. Tôi cho rằng đó là con số tính trên số lượng vàng đã xuất – nhập của mấy năm qua, không bao gồm tính toán lượng vàng mà người đã tích luỹ, trao đổi từ trăm năm nay. Ước tính của tôi thì số lượng vàng còn trong dân, nếu bao gồm cả tích luỹ qua thời gian, sẽ lên tới cả ngàn tấn. Nguồn lực đó rõ ràng rất lớn. Nhưng không phải cứ thấy nguồn lực lớn thì tính ngay chuyện huy động. Huy động lại là một câu chuyện khác, nhất là trong bối cảnh của hệ thống ngân hàng VN hiện nay.
- Ý ông là không nên huy động, hay là vẫn có thể huy động nguồn lực đó bằng một cách khác?
Ý tôi là không nên huy động vàng, cho dù nguồn lực đó lớn tới đâu. Giả sử ước tính lượng vàng trong dân còn 1.000 tấn. Nếu quy đổi ra giá vàng quốc tế hiện nay, thì khối lượng vàng đó tương đương với khoảng 50 tỉ USD, tức là bằng ½ GDP VN. Thử hỏi, nếu huy động khối lượng vàng giá trị khổng lồ ấy vào nền kinh tế, các nhà hữu trách đã tính đến chuyện làm thế nào để phát huy được giá trị nguồn lực ấy cho gia tăng GDP quốc gia, làm thế nào để bảo đảm được an toàn toàn bộ giá trị lượng tài sản khổng lồ ấy ?
- Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, theo đề án huy động vàng, thời gian tới, NN sẽ đứng ra huy động vàng thông qua các tổ chức tín dụng. Hay nói khác, các tổ chức tín dụng sẽ làm đại lý cho NHNN trong việc huy động vàng... Ông nhận định ra sao về các cách thức đã được tính toán khá cụ thể này?
Tôi chỉ có thể nói ngắn gọn như thế này: Trong hơn 30 năm theo dõi vàng quốc tế tại IMF, tôi chưa thấy quốc gia nào dám… đụng tới vàng. Nói chính xác thì rất ít Chính phủ, Ngân hàng Trung ương của Chính phủ nào đứng ra huy động vàng của dân. Tôi cho rằng, NHNN VN không nên tính đến câu chuyện này, vì rủi ro là rất lớn. Giá vàng hiện nay đang ở mức khoảng 1.600 USD/ounce. Nhiều chuyên gia phân tích và đưa ra dự báo về diễn biến của giá vàng thời gian tới. Các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại căn cứ trên dự báo của các chuyên gia và cả chuyên viên của họ, để sử dụng các công cụ bảo hiểm rủi ro do biến động giá vàng thế giới. NHNN VN khi thực thi, chắc chắn cũng sẽ phải dựa trên các dự báo để bảo hiểm rủi ro do biến động của giá vàng. Nhưng có dự báo nào là 100% chính xác? Bây giờ giá vàng đang thấp như thế, cũng không ai dám nói chắc vàng có lên trên 2.000 USD/ ounce, và thời điểm diễn ra sẽ vào lúc nào. Có thể sẽ rất lâu, nhưng cũng có thể sẽ chỉ sau một đêm. Một biến động tại bất kỳ một khu vực địa kinh tế - chính trị nào đang rất nhạy cảm như Trung Đông, hay châu Âu... đều sẽ tác động khôn lường đến sự bất thường của giá vàng. Chúng ta không thể kiểm soát và cũng không thể trả giá nổi cho chuyện đó. Xin nhắc thêm là dự trữ ngoại hối của VN hiện cũng chỉ mới đạt đến khoảng 20 tỉ USD, chưa bằng một phân nửa giá trị vàng trong dân mà ta tạm ước tính!
- Ông cho rằng NHNN không nên triển khai huy động vàng? Vậy ông có thể đưa ra giải pháp khác?
Tôi cho rằng NHNN hay các NHTM đều không nên đứng ra huy động vàng trong dân. Sờ vào vàng của dân là sờ vào lửa. Sẽ bỏng tay đấy! Và chúng ta đã phần nào được chứng kiến được việc “phải bỏng” của hệ thống ngân hàng hiện nay. Cái căn bản là rủi ro của một vài tổ chức, lây lan sang rủi ro cho cả hệ thống, và nghiêm trọng hơn là đánh mất đạo đức kinh doanh ngân hàng. Khi các chuẩn mực đạo đức kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ không còn thì các NH sẽ rất khó để thực thi bổn phận của mình đối với dân chúng, trong khi đây lại là vấn đề căn bản nhất của hoạt động ngân hàng.
Với các tổ chức, định chế tư nhân, nếu theo cơ chế thị trường thì việc họ vay mượn, huy động vàng của người dân trên cơ sở thoả thuận và tự nguyện của các bên là bình thường. Nhưng kể cả cá nhân và tư nhân cũng không nên đụng vào vàng, vì cũng khó tránh rủi ro. Nói ngắn gọn là riêng với vàng, chúng ta nên tránh can thiệp cũng như tránh huy động. Nếu cần thiết phải hạn chế về mặt thanh toán, để nâng cao sự ổn định và vị thế cho đồng tiền VN, thì chỉ nên ra các quy định hạn chế dùng vàng làm phương tiện thanh toán, như điều mà NHNN VN đã làm rất tốt với việc ổn định ngoại tệ, chống đô la hoá trên thị trường thời gian vừa qua.
- Xin cảm ơn ông!
Lê Mỹ thực hiện
diễn đàn doanh nghiệp
|