Thứ Tư, 16/05/2012 16:12

Ngân hàng nỗ lực giải tỏa "hàng tồn kho" 

Theo số liệu thống kê của NHNN, quý I/2012 tăng trưởng tín dụng âm 1,96%. Tín dụng không tăng như dự kiến sẽ không chỉ ảnh hưởng lớn mục tiêu hỗ trợ cho nền kinh tế mà còn khiến kế hoạch kinh doanh của các ngân hàng có nguy cơ khó thành hiện thực. Vì thế, các NHTM đang  tìm cách tăng cung tín dụng.

Tín dụng giảm, nhưng huy động vốn lại tăng 1,39% trong quý I/2012, khiến nhiều ngân hàng đang tạm thời dư thừa vốn khả dụng khá lớn. Minh chứng rõ ràng đầu tháng 5 là lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục giảm mạnh, có thời điểm lãi suất qua đêm ở mức 2,5-3%/năm, giảm khoảng 2% so với thời điểm đầu tháng 4/2012, xuyên thủng đáy lãi suất 3%/năm, được lập ngày 23/7/2007. Theo số liệu từ NHTM, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần về 3,5 - 4%/năm; kỳ hạn 1 tháng về 6 - 6,5%/năm. Trên thị trường mở (OMO), lãi suất tín phiếu cũng đã xuống 5,8% - 10,23%/năm. Bình luận về vấn đề này, Phòng kinh doanh ngoại tệ của VietinBank cho rằng, việc lãi suất liên ngân hàng giảm thì  đương nhiên lãi suất tín phiếu cũng phải giảm theo. "Dù tính đại diện của những mức lãi suất trên chỉ là tương đối, nhưng qua đó cho thấy một thực tế là lượng vốn khả dụng của các ngân hàng đang dồi dào", bộ phận chuyên trách của VietinBank nhấn mạnh. Nhiều NHTM vẫn liên tục mua tín phiếu với khối lượng khoảng 3.000 tỷ đồng/ngày. Nếu tính từ ngày 15/3 đến nay, lượng vốn NHTM bỏ ra mua tín phiếu đã lên hơn 80.000 tỷ đồng. Lý giải hiện tượng này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thanh khoản của các NHTM khá tốt nhưng cho vay ra hạn chế nên các ngân hàng đẩy mạnh đầu tư mua các loại giấy tờ có giá (GTCG). Tuy nhiên, kênh đầu tư GTCG chỉ là tạm thời và chỉ có thể chiếm tỷ lệ nhất định trong các kênh sử dụng vốn của ngân hàng.

Lãi suất không phải là vấn đề chính đối với khách hàng vay vốn lúc này. Nhưng dù vì lý do gì đi nữa, vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để giải phóng "hàng tồn kho" cho chính các ngân hàng?

Trưởng phòng chế độ tín dụng VietinBank Nguyễn Thị Thu Hằng cho rằng, nút thắt ở đây không phải là lãi suất cao hay thấp mà quan trọng là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Hay nói ví von ngân hàng như người nấu cháo ra làm thế nào để bán hết cháo phải phụ thuộc vào sức của người ăn cháo. Vấn đề họ đang đầy bụng (hàng tồn kho lớn), hoặc nếu bán được chưa chắc thu được tiền ngay. Chính vì vậy, các ngân hàng lại phải tìm đến nơi nào có nhu cầu thực, nhưng đây không phải là việc đơn giản. Vì nơi có nhu cầu thực thì chưa chắc họ đã mặn mà vay vốn. Còn những khách hàng muốn vay bằng mọi giá nhưng điều kiện vay vốn không đáp ứng yêu cầu thì ngân hàng cũng không dám cho vay. Chị Hằng cho biết, thời điểm này, VietinBank đang cố gắng giải ngân vốn ngắn hạn cho các khách hàng DN xăng dầu, bưu chính viễn thông, xuất khẩu... với mức lãi suất khá mềm. Nhưng ngân hàng cũng không đặt kỳ vọng nhiều bởi sức hút vốn vẫn chưa thể cải thiện được trong bối cảnh này. Như vậy lợi nhuận giảm là điều tất yếu đối với các ngân hàng trong năm 2012 dù muốn hay không.

ACB lại "gỡ" ở góc khác. Qua khảo sát của ACB, có tới 70% DN khi được hỏi đều cho rằng, thủ tục nhiêu khê là cản trở lớn trong việc tiếp cận vốn của họ. Do đó, ngân hàng phải sát sao hơn với DN. Hai bên phải cùng bàn để tháo gỡ khó khăn. Nếu ngân hàng xét thấy DN nào có thể cho vay được tiến hành cho vay luôn, giảm thiểu thủ tục hành chính.

Đồng quan điểm này TS. Nguyễn Đức Hưởng - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị NHTMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho rằng, nếu cứ để DN "chết" thì đến lúc nào đó các ngân hàng cũng sẽ "chết" theo. Chính vì vậy, đã qua thời trâu đi tìm cọc mà là cọc đi tìm trâu. Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực lưu ý  ngân  hàng cũng là DN và vay tiền để cho vay nên yếu tố an toàn vốn rất quan trọng. Do vậy, điều kiện chặt chẽ và đúng quy định của pháp luật khi cho vay. "Theo kinh nghiệm quốc tế như ở Trung Quốc, Mỹ... thời điểm kinh tế càng khó khăn thì càng phải thận trọng hơn trong việc đánh giá và phán quyết cho vay".

Huyền Thanh

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Dòng chảy tín dụng gặp nút chặn (16/05/2012)

>   Giám đốc Fitch Ratings: “VN hạ lãi suất quyết liệt là thích hợp” (16/05/2012)

>   Đừng huy động vàng! (16/05/2012)

>   Thủ tướng bổ nhiệm mới Phó Thống đốc NHNN (16/05/2012)

>   SeABank giảm lãi suất: Quảng bá một đằng, thực hiện một nẻo (16/05/2012)

>   Không được báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại hối (16/05/2012)

>   Ngân hàng lại ồ ạt huy động vàng (16/05/2012)

>   “Dị bản” tăng trưởng tín dụng? (16/05/2012)

>   Lãi suất 15%: Khó tìm được tiếng nói chung (15/05/2012)

>   Có thể mở rộng diện áp trần lãi suất cho vay (15/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật