Ngân hàng đang xài nhiều thủ thuật
Ngân hàng lớn rình ngân hàng nhỏ như bói cá rình mồi, cục phó cục thuế TP. HCM Nguyễn Trọng Hạnh nhận xét.
. Thưa ông, các ngân hàng (NH) đã dùng cách gì để trả lãi huy động cao hơn quy định mà không bị xử phạt?
+ Ông Nguyễn Trọng Hạnh : Theo đúng quy định thì NH chỉ được trả lãi cho khách hàng ở mức lãi suất trần theo quy định của NHNN. Nếu trả lãi cao hơn thì sai quy định, không được chấp nhận. Do đó, khi NH hứa hẹn lãi 16%-17% thì trên hợp đồng chỉ ghi 12% theo đúng quy định. Khách hàng được nhận thêm khoản tiền khác tương ứng với 4%-5%.
Thủ thuật 1: Giả bộ chậm trả lãi để tự phạt
. Làm cách nào để ra khoản tiền khác đó?
+ Nếu trả thêm cho khách hàng các khoản tiền khác ngoài lãi suất thì NH phải có lý do hợp lý mới được chấp nhận, mới được đưa vào chi phí hợp lý. Lấy lý do gì? Một số NH dùng cách khuyến mãi. Tuy nhiên, việc khuyến mãi phải tuân thủ quy định ràng buộc về xúc tiến thương mại. Chi phí khuyến mãi, quảng cáo… phải tuân thủ đúng mức khống chế nên NH không thể tùy tiện mà vung tiền khuyến mãi.
Theo dõi hồ sơ của một số NH, tôi phát hiện NH dùng thủ thuật “tự phạt mình”. Cụ thể, NH tự lùi thời hạn trả lãi cho khách, xem như NH vi phạm nghĩa vụ trả lãi và bị phạt vì chậm trả lãi. Theo đó, NH bù cho khách phần tiền phạt này tương ứng với lãi suất vượt.
Xét về mặt sổ sách, chứng từ thì chuyện bị phạt là chuyện hợp pháp! Vì vậy mà các NH không bị xem là vi phạm, dù tổng các khoản tiền trả cho khách đã cao hơn mức lãi trần.
|
Khách hàng đang giao dịch tại một ngân hàng. |
Thủ thuật 2: Chuyển tiền cho vay thành tiết kiệm
. Thưa ông, các NH đã xử lý sổ sách thế nào khi tính lãi vay cao hơn mức trần?
+ Ông Nguyễn Trọng Hạnh : Qua theo dõi báo cáo quyết toán của NH, tôi thấy rằng họ dùng thủ thuật vừa vay vừa gửi tiết kiệm, hoặc ký quỹ lại. Ví dụ, khách hàng có nhu cầu vay 100 tỉ đồng, lãi suất trần là 15%/năm. Thế nhưng một khi NH đã huy động tiền gửi vào với lãi suất cao thì không thể cho vay với lãi suất thấp hơn được. Thế nên NH sẽ cho vay ở mức 18%/năm, nôm na vay 100 tỉ đồng phải trả lãi 18 tỉ đồng.
NH không thể ghi trên hợp đồng là 18% được. Do đó, NH làm hợp đồng cho khách vay 150 tỉ đồng, ghi lãi suất 15%/năm. Nghĩa là khách phải trả lãi là 22,5 tỉ đồng (150 tỉ đồng x 15%). Kế đến, NH làm thủ thuật cho khách hàng gửi tiết kiệm lại 50 tỉ đồng với lãi suất 9%/năm. Tiền lãi tiết kiệm là 4,5 tỉ đồng. Lấy 4,5 tỉ đồng này trả nợ cho phần 22,5 tỉ đồng lãi vay.
Như vậy, khách hàng thực nhận tiền vay 100 tỉ đồng và thực trả lãi là 18 tỉ đồng (22,5 tỉ-4,5 tỉ).
. Sẽ rất mâu thuẫn khi một người vừa gửi tiết kiệm lấy lãi thấp, lại vừa đi vay trả lãi cao. Tại sao có thể chấp nhận hiện tượng này được, chúng ta có thể đặt quy định cấm hay không, thưa ông?
+ Ông Nguyễn Trọng Hạnh: Ai cũng thấy bất thường cả nhưng không có quy định nào cấm một người vừa gửi tiết kiệm mà lại vừa đi vay. Thế nên hiện tượng này tồn tại.
Giả sử chúng ta đặt quy định cấm thì sao? Người ta sẽ tìm một ông A, bà B, ông chú, đứa cháu… nào đó rồi cho đứng tên trên hợp đồng gửi tiết kiệm thì cũng vậy thôi!
Thủ thuật 3: Đỡ đầu chạy hạng
. Ông từng nói: “NH thích cho nhau vay chứ không cho DN vay”, nghĩa là thế nào, thưa ông?
+ Ông Nguyễn Trọng Hạnh: Trở lại thời điểm 5-6 năm trước, có những hồ sơ vay mà trong đó, tài sản thế chấp đã được nâng giá lên hàng chục lần, sau đó được cho vay thế chấp. Cho ai vay? Là cho chính những công ty con, nhóm công ty gia đình của những ông chủ NH đó vay.
Họ vay làm gì? Để đổ tiền vào bất động sản. Thế nhưng rủi thay bất động sản hai năm nay bị đình trệ. Vì vậy đến hạn trả tiền NH mà bên vay không có tiền để trả. Khi NH không được người vay trả tiền thì cũng không có tiền để trả cho người dân từng gửi tiền. Cái này gọi là thanh khoản kém.
Nếu thanh khoản kém, NH đó có thể bị xếp vào nhóm 4 (là nhóm phải bị sáp nhập), sẽ bị NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Ai cũng biết bị kiểm soát thì rất khó làm ăn! Thế nên NH phải tìm cách “chạy” xếp hạng. NH sẽ đi vay trên thị trường liên NH để có tiền trả cho khách đúng hạn. Món nợ vay liên NH chưa đến kỳ hạn phải trả. Nhờ đó, NH không bị xếp vào diện phải kiểm soát đặc biệt nữa.
Thế nhưng đâu phải dễ vay trên thị trường liên NH, muốn vay được thì phải có “đỡ đầu”. Cách mà các NH hiện dùng là tìm một NH lớn, có uy tín, đứng ra đỡ đầu cho khoản vay.
Thực tế, có NH thực chất là ở nhóm 4 nhưng đã “chạy” và được xếp vào nhóm 2 (nhóm được tiếp tục tăng trưởng tín dụng). Điều này sẽ tạo ra nguy cơ tiềm ẩn rất xấu cho nền kinh tế.
Rình mồi
. Thưa ông, tại sao NH lớn lại muốn “đỡ đầu” cho NH kia, nếu NH kia cứ yếu kém thì sẽ khiến NH lớn bị “lây nợ”?
+ Ông Nguyễn Trọng Hạnh: Họ cũng có những lợi ích riêng. Một người bạn của tôi ví von bằng hình ảnh con chim bói cá rình con cá dưới hồ, không biết rằng một con diều hâu đậu trên cây đang rình nó. Thế nhưng con diều hâu không biết có một anh thợ săn trong bụi rậm đang rình mình.
. Thưa ông, chẳng lẽ không thể sửa đổi quy định để chấn chỉnh các hiện tượng bất thường trên hay sao?
+ Ông Nguyễn Trọng Hạnh: Tôi cho rằng những vấn đề trong hệ thống NH thì NHNN đều đã biết chứ không phải không biết. Tuy nhiên, để giải quyết các vấn đề này thì phải ở cấp Thanh tra Chính phủ hoặc Kiểm toán Nhà nước mới làm được.
Chuyện thường ngày
Các NH thường huy động và cho vay với lãi suất cao hơn mức lãi suất NHNN quy định. Người gửi tiền, người vay tiền chỉ biết sơ qua là NH tách thành nhiều khoản lãi, nhiều khoản chi, nhiều loại sổ, nhiều tên gọi… khi quy ra tiền thì tương ứng với mức lãi vượt.
Xét về mặt tài chính, các khoản thu, chi của một doanh nghiệp phải phù hợp quy định pháp luật thì mới được chấp nhận là chi phí hợp lý. NHNN đã có quy định về lãi suất trần, tại sao các khoản thu, chi vượt trần của các NH vẫn tồn tại được?
QUỲNH NHƯ
Pháp luật TPHCM
|