Thứ Sáu, 11/05/2012 22:03

Cổ phiếu Vận tải biển: Đối mặt với nguy cơ hủy niêm yết

Cổ phiếu VSP (Cty Vận tải biển Việt Hải) chính thức buộc hủy niêm yết trên sàn HoSE bắt đầu từ ngày 1/6/2012 do lỗ 3 năm liên tiếp. Như vậy, sau 5 năm niêm yết giá cổ phiếu VSP đã giảm đúng 100 lần từ 305.000 đồng xuống còn 2.500 đồng/cp trong phiên giao dịch ngày 9/5.

Từ chuyện của VSP nhìn rộng ra CP ngành vận tải biển của VN liên tiếp bị cảnh bảo hủy niêm yết trên sàn, phải chăng ngành vận tải biển đang trên đà thoái trào ?

VSP niêm yết lần đầu 4 triệu cổ phiếu tại HNX ngày 25/12/2006. Giá đóng cửa phiên giao dịch là 70.000 đồng/cp. Ngay sau đó, giá cổ phiếu VSP đã tăng mạnh và đạt đỉnh 190.000 đồng/cp vào ngày 27/2 là do lợi nhuận quý I/2007 đạt 23,5 tỉ đồng, gần bằng kế hoạch kinh doanh cả năm.

Từ chuyện của VSP

Tháng 9/2007, một lần nữa cổ phiếu VSP lại “dậy sóng” với đợt tăng giá mạnh từ 125.000 đ/cp lên 305.000 đ/cp (tăng 105%) vào ngày 25/10/2007 nhờ thông tin phát hành thêm với giá chỉ bằng 30% giá thị trường.

Theo ông Đỗ Như Hảo - nhà đầu tư CP ngành vận tải biển phân tích, sở dĩ VSP lãi như vậy là do giá cho thuê tàu tăng cao trong năm 2007 (có lúc đạt 70.000 USD/ngày) đã mang lại mức tỉ suất lợi nhuận rất cao cho VSP nói riêng và các Cty cho thuê tàu khác nói chung. Năm 2007, VSP đạt EPS (lợi nhuận trên cổ phiếu) cả năm 18.000 đồng/cp và là một trong những cổ phiếu có mức EPS cao nhất trên sàn vào thời điểm lúc bấy giờ.

Tuy nhiên năm 2008, cổ phiếu VSP đã rơi thẳng xuống còn 37.000 đồng/cp vào ngày 6/6/2008, bất chấp lợi nhuận 6 tháng của VSP vẫn đạt hơn 200 tỉ đồng. Mặc dù vậy, nhà đầu tư cũng không phải chờ lâu để chứng kiến sự phục hồi kinh ngạc của cổ phiếu này. Sau đó, VSP tăng chóng mặt với tỉ lệ tăng giá lên đến hơn 400% từ mức 37.000 đ/cp lên 237.000 đ/cp vào ngày 6/8/2008. Cho dù giá cho thuê tàu trong quý 3/2008 đã giảm nhưng VSP vẫn ghi nhận mức lãi kỷ lục 149 tỉ đồng, lũy kế từ đầu năm là 350 tỉ đồng trên quy mô vốn 138 tỉ đồng. EPS 9 tháng đầu năm đạt 25.580 đồng/cp.

Vào thời điểm này VSP chỉ đứng sau Vosco với 6 tàu hàng rời để cho thuê hạn định với trọng tải hơn 310.000 DWT. Tuy nhiên, bi kịch của VSP chính thức xuất hiện từ quý 4/2008 khi giá thuê tàu giảm mạnh. Trong khi đó, VSP lại đầu tư thêm 3 tàu mới để nâng trọng tải lên gấp đôi khiến chi phí lãi vay tăng cao, đạt 56 tỉ đồng, bằng 30% chi phí lãi cả năm. VSP báo lỗ 58,1 tỉ đồng trong quý 4/2008 và giá cổ phiếu này đã giảm đến 80% trong thời gian từ 27/8 đến 27/11. Năm 2009, một lần nữa giá thuê tàu lại “rơi tự do”  chỉ còn 10.000 – 12.000 USD/ngày, giảm đến 80% so với mức đỉnh của năm 2007. Kết quả là VSP lỗ ngay từ hoạt động cho thuê tàu, lợi nhuận gộp âm 246 tỉ đồng, cộng thêm chi phí lãi vay 141 tỉ đồng, chi phí bán hàng và chi phí quản lý DN là 52 tỉ đồng, VSP lỗ ròng 359 tỉ đồng. Cho dù, giá thuê tàu phục hồi trở lại trong năm 2010 nhưng Cty vẫn không thoát lỗ do chi phí lãi vay lớn và không có lợi nhuận từ việc bán tàu.

Cuối năm 2011, VSP lỗ lũy kế 820 tỉ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ là 380 tỉ đồng, tuy nhiên VSP vẫn chưa bị âm vốn chủ sở hữu do khoản thặng dư vốn hơn 1.045 tỉ đồng thu được trong đợt phát  hành CP năm 2007. Nợ vay ngân hàng của VSP là gần 2.000 tỷ đồng, trong đó khoản vay dài hạn là 1.752 tỉ đồng và ngắn hạn là 193 tỉ đồng. Số nợ của VSP gần như không thay đổi trong 3 năm qua và số lãi tăng dần theo các năm do lãi suất thực tế tăng cao. Cụ thể năm 2009, VSP trả 141 tỉ đồng chi phí lãi vay, năm 2010 là 160 tỉ  đồng và năm 2011 là 260 tỉ đồng.

Bi kịch xảy ra với chính VSP đã nhìn thấy rõ, ngoài giá cước thuê tàu giảm thê thảm thì các khoản nợ vay đã nhấn chìm con tàu VSP.

Đến hàng loạt CP vận tải biển “ngã ngựa”

Theo Quyết định 1366 của Thủ tướng Chính phủ ký năm 2006, TCty Hàng hải VN (Vinalines) phải phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các tập đoàn kinh tế lớn trong nước thực hiện tốt “kế hoạch vận chuyển hàng hóa xuất khẩu” đảm bảo lợi ích của đất nước. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, dù việc khai thác đội tàu được thực hiện dưới hai hình thức là cho thuê định hạn và tự tổ chức vận chuyển, nhưng trên thực tế, trong giai đoạn 2005 - 2010, Vinalines chủ yếu cho thuê định hạn. Thậm chí có đơn vị cho thuê định hạn 100%. Trong tổng số 72 đơn vị thành viên của Vinalines chỉ có 1 đơn vị tự khai thác 100% là Vosco.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong ngành, việc khai thác tàu bằng cho thuê định hạn có doanh thu nhưng không ổn định, hiệu quả khai thác thấp, mặt khác đã biến Vinalines từ đơn vị kinh doanh vận tải biển trở thành đơn vị kinh doanh “thuê mua tàu”... Đơn cử như tàu Vinalines Global, cho đối tác Ấn Độ thuê, nhưng đối tác này đã không trả tiền cước, dẫn tới chi nhánh Vinalines TP HCM thông báo giữ hàng lại tàu. Tuy nhiên, chủ hàng đã khởi kiện Vinalines giữ hàng trái phép, dẫn tới tàu Vinalines Global đã bị Trung Quốc giữ, phải chi 800.000 USD tiền bồi thường, cộng thêm thiệt hại gần 240.000 USD chi phí phát sinh.

Việc mua tàu cũ, đã quá đát, cùng với giá nhiên liệu và chi phí khác tăng cao, khiến nhiều Cty vận tải biển kinh doanh thua lỗ. Để đối phó với những khoản lỗ lớn ăn sâu vào vốn chủ sở hữu, vin vào lý do thanh lý tàu cũ để trẻ hóa đội tàu, các Cty này phải bán tàu để điều tiết lại doanh thu, lợi nhuận, nhưng thua lỗ vẫn hoàn thua lỗ.

Nhìn trên sàn chứng khoán, nhóm cổ phiếu trên sàn của ngành vận tải biển hiện nay đang rớt xuống dưới thị giá. Đó là, mã cổ phiếu VNA của Cty cổ phần vận tải biển Vinaship đã bị Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) đưa vào diện cảnh báo từ ngày 3/5/2012. Từ phiên giao dịch đầu tiên 44.000 đồng/cp, đến nay (9/5)  cổ phiếu của  Vinaship chỉ còn 6.100 đồng/cp, lượng giao dịch cầm chừng. Được biết, Vinaship đã từng sở hữu đội tàu 14 chiếc thì có 4 tàu trên 25 tuổi, trọng tải bình quân 14.800 DWT.

Trong khi giá cước vận tải mà các hãng tàu biển nước ngoài chạy tuyến xuất nhập khẩu từ VN đi hầu hết các thị trường đều tăng mạnh từ đầu năm đến nay thì các Cty thành viên của Vinalines liên tục báo lỗ.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự,  Cty CP vận tải biển VN (Vosco) mã cổ phiếu VOS doanh thu tài chính quí 1/2012 giảm mạnh tới 89,82% chỉ còn 460 triệu đồng, sau khi trừ đi các chi phí VOS chịu mức lỗ ròng 59,86 tỉ đồng, trước đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2011 bị lỗ hơn 245 tỉ đồng. Khoản lỗ của Vosco thực tế sẽ còn cao hơn, nếu Cty không bán tàu Đại Việt trọng tải 37.432 DWT đóng năm 2005 tại Hàn Quốc cho một đối tác tại Singapore. Hiện cổ phiếu Vosco trong phiên giao dịch ngày 9/5 là 4.400 đồng/cp (sau khi đã tăng trần 5 phiên liên tiếp),  nhưng giá cổ phiếu của Vos gần như “đội sổ” trên sàn HoSE)

Tiếp đó là mã DDM của Cty CP hàng hải Đông Đô hiện thị giá còn 3.300 đồng/cp. Mã VST của Cty CP vận tải và thuê tàu biển (Vitranschart) hiện chỉ còn 5.100 đồng/cp...

Có một nghịch lý là trong khi giá cước vận tải mà các hãng tàu biển nước ngoài chạy tuyến xuất nhập khẩu từ VN đi hầu hết các thị trường đều tăng mạnh từ đầu năm đến nay thì các Cty thành viên của Vinalines liên tục báo lỗ. Theo các chuyên gia trong ngành hàng hải, sở dĩ DN VN phải chịu cảnh giá cước trái chiều thế giới là vì đội tàu của Vinalines chỉ chạy những tuyến ngắn, tàu già, tải trọng nhỏ, đặc biệt trong khi xu hướng thế giới chạy container thì đội tàu trong nước chỉ chạy hàng rời…

Như vậy, có thể nhận thấy cùng với việc “mua tàu cho thuê” cộng với giá cước vận tải thấp và các khoản chi phí nợ vay ngân hàng đã nhấn chìm những đội tàu vận tải hùng hậu một thời của ngành hàng hải VN. Điều này cũng lý giải vì sao cổ phiếu của ngành vận tải biển liên tiếp bị cảnh báo và sắp tới nguy cơ bắt buộc hủy niêm yết hàng loạt của nhóm này được dự tính là không xa, do kết quả kinh doanh thua lỗ liên tiếp…

Phương Hà

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Tháng 7, bùng nổ CTCK bị kiểm soát đặc biệt? (11/05/2012)

>   Bạn đã đưa ra chiến lược Trading và đầu tư hợp lý cho mình chưa? (14/05/2012)

>   Cổ phiếu chứng khoán: Cẩn thận với bong bóng (11/05/2012)

>   Doanh nghiệp: đói góp no dồn! (10/05/2012)

>   11/05: Bản tin 20 giờ qua (11/05/2012)

>   “Chân gỗ"... ngoại dỏm (10/05/2012)

>   NVC: Cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo (10/05/2012)

>   VinaCapital chuyển lái (10/05/2012)

>   Nhà đầu tư Việt Nam khó mua cổ phiếu ở TTCK ngoại (10/05/2012)

>   Cảm giác mạnh với cổ phiếu khoáng sản (10/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật