Thứ Năm, 10/05/2012 20:15

Doanh nghiệp: đói góp no dồn!

Thật khó để tìm điểm cân bằng giữa hai mục tiêu: ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế. Tùy từng giai đoạn, hoàn cảnh cụ thể mà hai mục tiêu này luân phiên nhau trở thành trọng tâm của chính sách điều hành. Doanh nghiệp vì thế mà cũng bị ảnh hưởng.

Nếu như trong năm 2011, doanh nghiệp bị “bỏ đói”, thì hiện nay, doanh nghiệp đang đứng trước một tình thế mới - no dồn về chính sách!

Việt Nam: tăng trưởng vẫn là quan trọng nhất!

Ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế đều là hai mục tiêu quan trọng, nhưng trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, nếu đặt hai mục tiêu đó trong mối tương quan so sánh với nhau, thì tăng trưởng kinh tế luôn được ưu tiên hơn.

Việt Nam vẫn còn là một nước đang phát triển, thu nhập bình quân đầu người (1300USD/người năm 2011) chỉ mới chạm ngưỡng trung bình của thế giới. So với các nước trong khu vực, chúng ta thua kém hàng chục năm về trình độ phát triển, còn so với một số nước bên trời Tây hay Mỹ, ta kém họ hàng trăm năm.

Hơn nữa, dân số Việt Nam khoảng 87 triệu người, đứng thứ 13 trên thế giới, mỗi năm dân số trung bình tăng thêm 1 triệu và cũng khoảng 1 triệu người tham gia vào lực lượng lao động.

Làm sao tạo ra được 1 triệu việc làm trong một năm, để ổn định xã hội, từng bước nâng cao mức sống cho dân chúng? Làm sao để rút ngắn khoảng cách lạc hậu với thế giới, tiến tới xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công?

Trả lời cho các câu hỏi cấp bách này, chỉ có thể là tăng trưởng kinh tế- thậm chí phải tăng trưởng với tốc độ ca từ 6-8%/năm trong một thời kỳ dài.

Đối với Mỹ và các nước Tây Âu, tăng trưởng GDP hàng năm từ 4-5% đã là tăng trưởng nóng, họ ngay lập tức áp chính sách thắt chặt để ổn định vĩ mô. Nhưng nước ta, tăng trưởng 4-5% thì lại là đình đốn sản xuất… Mới đây thôi, hàng loạt các chuyên gia đã cảnh báo về tình trạng kinh tế suy giảm. Vừa rồi, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã lên tiếng: “Tình hình đang rất xấu, suy giảm đã rất rõ rồi, giảm phát đã rất rõ rồi”.

Rõ ràng, áp lực vô hình từ tăng trưởng kinh tế đang đè nặng lên người làm chính sách, nhất là khi họ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, giải trình trước nhân dân. Nên đừng có ngạc nhiên khi sau hơn một năm kiềm chế lạm phát, mới đạt thành quả ổn định vĩ mô được vài tháng thì Chính phủ đã phải tung ra hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp một cách dồn dập như vậy.

Doanh nghiệp: từ đói góp đến no dồn!

Câu chuyện về doanh nghiệp nóng lên từ đầu năm 2011 khi lạm phát hai tháng đầu năm tăng đột biến, Chính phủ phải ra Nghị quyết 11 về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp đó, chi tiêu công bị cắt giảm, NHNN áp trần tăng trưởng tín dụng 20%, rồi siết chặt cho vay đối với lĩnh vực “phi sản xuất” như bất động sản, chứng khoán. Hơn nữa, tình trạng mất thanh khoản trên thị trường ngân hàng làm cho nhà băng ráo riết đòi nợ, thiết cho vay, đẩy lãi suất đầu ra lên cao ngất ngưởng… Đích thân Thống đốc, trả lời chất vấn trước quốc hội, đã khẳng định điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chặt chẽ…

Kinh tế khó khăn, bị chính sách bỏ đói, doanh nghiệp chỉ biết than… báo chí! Khó khăn khi tiếp cận vốn vay ngân hàng, lãi suất cao ngất ngưởng, hàng tồn kho nhiều không tiêu thụ được, lợi nhuận giảm sút, hay số liệu doanh nghiệp phá sản, giải thể …vv được phản ánh dày đặc trên báo chí! Khoảng thời gian gần cận tết cũng là lúc doanh nghiệp, người lao động kêu ca nhiều nhất về mức lương thưởng bèo bọt, ảnh hưởng nhiều đến đời sống hàng ngày…

Doanh nghiệp: Từ “ đói góp” đến “ no dồn”! (Nguồn: Internet)

Nhưng, nhà làm chính sách vẫn kiên định khi nút thắt của tiền tệ và tài khóa ngày càng thêm chặt hơn!

Và sau hơn một năm thực hiện nhiều biện pháp (chủ yếu là can thiệp hành chính), mục tiêu ổn định vĩ mô có vẻ đã đạt được, điển hình là lạm phát đang nằm trong xu hướng giảm, tháng 4 vừa rồi chỉ tăng 0.05% so với tháng 3, thấp nhất trong 21 tháng qua. Nhưng, có vẻ đấy chưa phải là thành quả đáng mừng…

Vì GDP quý I/2012 lập kỷ lục thấp thứ 2 trong 10 năm- tăng rất chậm 4%, sản xuất đình đốn, cầu tiêu dùng yếu… Đồng thời, quý I/2012 có lẽ cũng lập kỷ lục về số liệu từ rất nhiều nguồn cùng phản ánh một tình trạng- doanh nghiệp phá sản! Số liệu đáng tin cậy nhất là từ Chính phủ cho biết trong quý I/2012 có 2,200 doanh nghiệp làm thủ tục giải thể, cùng với 9,700 đơn vị đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn và dừng nộp thuế, tức là gần 12,000 “ chết” và “chết lâm sàng”.  Tuy nhiên, trên báo chí, tiếng kêu của doanh nghiệp cũng thưa thớt dần, bởi đơn giản… họ không còn sức để kêu…

Nhưng cũng chính trong lúc này, áp lực từ tăng trưởng kinh tế trở về, buộc các nhà làm chính sách phải thay đổi quan điểm… Dồn dập trong thời gian qua các chính sách cứu doanh nghiệp được tung ra. Mà năng nổ nhất lại chính là… NHNN.

Đầu tiên là đưa một số nhóm bất động sản, xây dựng ra khỏi lĩnh vực “không khuyến khích cho vay”, rồi hai lần liên tiếp hạ trần lãi suất huy động trong vòng chưa đầy… một tháng. Mới đây, có vẻ cảm nhận được tình trạng lãi suất cho vay của các Ngân hàng vẫn cao quá sức chịu đựng của doanh nghiệp, NHNN đã áp trần lãi suất cho vay- bằng trần lãi suất huy động cao nhất cộng thêm 3%... một vấn đề gây tranh cãi trong suốt thời gian qua.

Rồi sắp tới là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về tài chính, thuế… của Chính phủ sẽ chính thức được thực hiện. Con số 29,000 tỷ đồng hỗ trợ thông qua miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT… đối với các đối tượng ưu tiên cũng đã được khẳng định…vv. Thậm chí, sẽ có hẳn một nghị quyết về vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới.

Doanh nghiệp- như người bị bỏ đói cả tháng, nay được dọn trước mặt mâm cỗ thịnh soạn. Người chết đói ăn bát cơm đầu tiên thì thấy lại sức, đến bát thứ hai bắt đầu thấy ngon và khỏe dần, nhưng sang bát thứ 3,4 là bắt đầu no dồn, khó tiêu hóa… Liệu doanh nghiệp có hấp thụ được hết những hỗ trợ từ chính sách hay không? Có biến những hỗ trợ đó thành động lực để vượt qua cơn nguy khó hay không?...

Câu trả lời phải đợi vài tháng nữa khi chính sách ngấm dần, nhưng ta có thể khẳng định… khi mà mâm cỗ soạn còn đang trong giai đoạn chuẩn bị, thì đã có kẻ tiêu hóa hộ doanh nghiệp rồi.

CHÍNH LÀ CHỨNG KHOÁN!

Đoàn Xuân Thạo (Vietstock)

Finfonet

Các tin tức khác

>   Thuế xuất khẩu than: Đâu phải cơ chế xin – cho (10/05/2012)

>   Nợ xấu của doanh nghiệp Nhà nước: Ai muốn hứng? (10/05/2012)

>   Doanh nghiệp mất quyền được...“chết” (10/05/2012)

>   Việt Nam “vô địch” xuất khẩu dăm gỗ: Mừng hay lo? (10/05/2012)

>   Doanh nghiệp ngành điều rao bán nhà máy (10/05/2012)

>   Vinalines nóng vội trong đầu tư đội tàu (10/05/2012)

>   Ngành thủy sản nỗ lực vượt thách thức (10/05/2012)

>   Doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để xuất hàng vào Mỹ? (09/05/2012)

>   Đẩy nhanh tiến độ thị trường phát điện cạnh tranh (09/05/2012)

>   Đường dài, ngựa chỉ còn 2 (09/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật