Thuế xuất khẩu than: Đâu phải cơ chế xin – cho
Việc ngành than vừa đề nghị giảm thuế xuất khẩu than từ 20% xuống còn 0% có nhiều điều rất bất thường.
Mới đây, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị giảm thuế xuất khẩu than từ 20% xuống 0%, với lý do: tiêu thụ than trong nước chậm, giá than xuất khẩu giảm mạnh, tồn kho tăng cao, trong khi giá than đang bán cho sản xuất điện chỉ bằng một nửa giá thành nhưng vẫn chưa được điều chỉnh giá. Ngành than tính toán, nếu không được điều chỉnh giá than cho điện, sẽ phải chịu thiệt khoảng 8.500 tỷ đồng trong năm 2012 này.
Đối với một mặt hàng chiến lược, thuộc diện nhạy cảm về an ninh năng lượng và tác động chi phối giá cả thị trường, thì câu chuyện không chỉ dừng ở việc giảm thuế - thất thu. Nó là cả một bài toán khó trong quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên của một đất nước từ lâu vẫn tăng trưởng dựa vào tài nguyên khoáng sản.
Cùng chung khó khăn của nhiều ngành kinh tế khác, ngành than đang tồn kho lớn, với hơn 7,5 triệu tấn - tính đến hết quý 1 vừa qua. Và hệ quả là giảm việc làm và thu nhập của hơn 138.000 lao động ngành than; là thiếu tiền cho đầu tư tái sản xuất mở rộng… Trong điều kiện nhà nhà, ngành ngành đang cần hỗ trợ giãn, giảm thậm chí là miễn nhiều loại thuế để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm - thì việc ngành than, với chức năng tạo ra sản phẩm cho thị trường - xin giảm thuế xem ra cũng là chuyện thường, khi mà sản xuất ra không tiêu thụ hết, lượng tồn kho lớn, lại đang còn phải chịu sức ép bù chéo giá cho ngành điện từ nhiều năm nay.
Tuy nhiên, việc ngành than vừa đề nghị giảm thuế xuất khẩu than từ 20% xuống còn 0% lại rất bất thường. Nó bất thường là ở chỗ, than không phải là một sản phẩm hàng hóa thông thường, mà thuộc loại hàng hóa đặc biệt, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển công nghiệp quốc gia.
Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi đầu năm (9/1/2012) đã chỉ rất rõ rằng, sẽ phải giảm dần xuất khẩu và đẩy mạnh nhập khẩu than phục vụ nhu cầu trong nước đang ngày càng tăng nhanh trong những năm tới. Đặc biệt là than cho các dự án nhiệt điện - đã được thiết kế trong Chiến lược phát triển Điện quốc gia nhưng chưa tìm được nguồn than nhập khẩu, dẫn đến chậm tiến độ, gây thiếu điện.
Nó bất thường còn bởi, than là nguồn tài nguyên khoáng sản không tái tạo được, số lượng có hạn, nằm sâu trong lòng đất, khó khai thác nên được ví như “vàng đen” của Tổ quốc. Cùng với mục tiêu thu thuế tài nguyên - giúp tăng thu ngân sách, việc áp thuế xuất khẩu than thời gian qua được điều chỉnh tăng dần, (từ mức 5% lên 10-15% và nay là 20%) còn nhằm hạn chế xuất khẩu, giữ gìn, dành dụm để phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước.
Đó là chưa kể, tại Đề án xuất khẩu giai đoạn 2006-2010, tầm nhìn 2020, Thủ tướng Chính phủ đã quy định cụ thể: kim ngạch xuất khẩu than đá sẽ duy trì ở mức 11 triệu tấn trong các năm 2006-2007; năm 2008 giảm xuống còn 10 triệu tấn; năm 2009 còn 9 triệu tấn và năm 2010 còn 8 triệu tấn, tiến tới chấm dứt xuất khẩu hoàn toàn để phục vụ nhu cầu trong nước.
Tuy nhiên, theo thống kê của chính ngành than thì từ đó đến nay, lượng than xuất khẩu ra nước ngoài vẫn luôn ở mức 2 con số. Và sẽ tiếp tục xuất khẩu - cho dù chưa biết sẽ nhập ở đâu khoảng 30-60 triệu tấn than mỗi năm kể từ sau năm 2015, nghĩa là chỉ còn chưa đầy 3 năm nữa.
Đã có rất nhiều quan ngại về việc thiếu than dẫn đến phá vỡ quy hoạch phát triển nhiều ngành kinh tế khác (như điện, xi măng, sắt thép, phân bón, hóa chất, giấy…). Cũng đã có những nghiên cứu chỉ ra rằng, nguồn thu trước mắt của nhà nước từ than chỉ vào khoảng 20-25% trên tổng lợi ích mà ngành than thu được. Con số này không đủ bù đắp cho hạ tầng giao thông, cũng như giải quyết phục hồi môi trường trong dài hạn.
Vì vậy, hạn chế xuất khẩu than cũng là một giải pháp bức thiết trong thực hiện Nghị quyết Trung ương về việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, từ khai thác, bóc lột tài nguyên, phát triển theo chiều rộng sang tăng trưởng dựa vào chiều sâu.
Khó khăn trước mắt về việc làm, thu nhập của hơn 138.000 lao động ngành than, hay thậm chí là gần nửa triệu người dân Quảng Ninh “ăn theo” hòn than không đủ lý lẽ thuyết phục trước đề nghị giảm thuế xuất khẩu về 0. Càng không thể lấy lý do tái đầu tư mở rộng trong dài hạn, bởi nguồn than là hữu hạn. Cái lý ấy không thuyết phục, còn bởi: chỉ vài ba chục năm nữa, về cơ bản bể than Quảng Ninh sẽ không còn đủ điều kiện để khai thác, cũng như tạo ra việc làm cho người lao động mà ngành than hiện có.
Đối với một tập đoàn kinh tế chủ chốt của Nhà nước, với cả vai trò, trách nhiệm 2 vai: kinh tế và xã hội - chắc hẳn Tập đoàn Công nghiệp than - Khoáng sản Việt Nam hiểu rõ hơn ai hết giá trị của tài nguyên than đối với nền kinh tế của gần 90 triệu dân, chứ không chỉ đơn giản là tìm mọi cách để khai thác, gia tăng xuất khẩu. Càng không thể với thế độc quyền để tạo sức ép hay ra điều kiện - nhằm thực hiện mục tiêu “lợi ích nhóm” của một tập đoàn/một doanh nghiệp./.
Nguyên Long
VOV1
|