Đường dài, ngựa chỉ còn 2
EVN Telecom đã thuộc về Viettel, VinaPhone và MobiFone có khả năng sáp nhập trong khi các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông nhỏ hơn, như Beeline, đang ngày càng đuối sức.
Phải chăng đó là những tín hiệu cho thấy phía trước con đường cạnh tranh sẽ chỉ còn bóng dáng 2 hãng lớn là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel)?
MobiFone-VinaPhone sáp nhập?
Tháng 4.2011, Chính phủ đã ban hành nghị định 25 hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông, trong đó quy định rõ, một tổ chức, cá nhân không được sở hữu quá 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong 2 doanh nghiệp viễn thông kinh doanh trong cùng một lĩnh vực. Thực hiện quy định đó, tháng 6.2011, VNPT đã đề xuất 3 phương án tái cấu trúc là sáp nhập Vinaphone và Mobifone; cổ phần hóa 1 trong 2 mạng di động trên hoặc cổ phần hóa toàn bộ tập đoàn. Tuy nhiên, trong phương án mới nhất trình Bộ Thông tin và Truyền thông, VNPT chỉ đề xuất duy nhất phương án sáp nhập. Phương án này chặn luôn cơ hội tiến vào thị trường viễn thông Việt Nam của những đối tác nước ngoài như France Telecom, vốn đã chờ cổ phần hóa Mobifone từ lâu.
Sách Trắng Công nghệ Thông tin năm 2011 cho thấy, Mobifone chiếm 29,11%, Vinaphone chiếm 28,71% thị trường. Như vậy, với việc nắm giữ đến hơn 55% thị trường viễn thông hậu sáp nhập Mobifone-Vinaphone, đề án tái cơ cấu này có thể vướng Luật Cạnh tranh.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành hồi năm ngoái đã nói: “Thị trường thông tin di động đang ở thế chân vạc Viettel - Mobifone - Vinaphone. Việc hợp nhất sẽ có hại cho cạnh tranh, kéo theo có hại cho lợi ích của người tiêu dùng”. Ông đề xuất phải có luật để bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy mạnh hơn nữa cạnh tranh.
Câu chuyện của VNPT khá giống với trường hợp của Vietnam Airlines. Hãng này đã chiếm hơn 90% thị trường trong nước sau khi nắm 70% cổ phần của Jetstar Pacific cho dù rất nhiều quan ngại về vấn đề độc quyền đã được nhắc đến vào thời điểm đó. Và theo một số nguồn tin không công khai thì VNPT đang đề xuất cho mình một ngoại lệ của Luật Cạnh tranh để được sáp nhập Vinaphone và Mobifone.
Ngoại dần ra đi
Đặt chân tới Campuchia, tại khu vực biên giới chúng tôi chỉ có lựa chọn duy nhất là mua sim Viettel vì các loại sim khác đều không có. Nhưng càng đi sâu hơn vào bên trong thì càng thấy sim Beeline phổ biến hơn. Và trên thực tế, gọi điện thoại bằng sim Beeline tiết kiệm hơn nhiều so với Viettel. Đây cũng là chiến lược đi bằng giá rẻ của họ. Tại một thị trường mà Viettel đang là số 1 như Campuchia, Beeline vẫn đang trỗi dậy mạnh mẽ và dần chiếm được thị trường với doanh thu trên thuê bao đạt khá cao. Một thị trường tương tự là Việt Nam, trong cùng một khu vực, nhưng Beeline lại chấp nhận ra đi khi đã đầu tư gần nửa tỉ USD, tại sao?
Lý do đơn giản nhất đã được các nhà đầu tư nước ngoài thông báo, đó là do kinh doanh thua lỗ và họ muốn thu gọn các hoạt động kinh doanh để tập trung vào những thị trường trọng điểm. Ông Jo Lunder, Tổng Giám đốc Tập đoàn VimpelCom (Nga) nói: “Giai đoạn 2012-2015, tất cả các hoạt động của Tập đoàn đều hướng tới việc gia tăng giá trị trong tương lai. Quyết định bán lại cổ phần tại Gtel Mobile cũng phục vụ cho mục đích này. Hiện chúng tôi chỉ tập trung vốn cho những thị trường có tiềm năng nhất trong việc gia tăng giá trị cho cổ đông”. Tuy vậy, quyết định này vẫn được xem là quá bất ngờ khi mà mới cách đây chưa đầy năm VimpelCom còn tuyên bố đầu tư mạnh vào Beeline Việt Nam và đã đổ vào đây gần 500 triệu USD, một con số không nhỏ.
Câu chuyện của Beeline khiến người ta nhớ lại những cuộc ra đi trước đây trong ngành này. Năm 1995, Comvik International Việt Nam thuộc Tập đoàn Kinnevik (Thụy Điển) và Mobifone đã hợp tác với nhau và Mobifone được đầu tư đến 200 triệu USD để tiến hành các hoạt động kinh doanh ban đầu (mạng này thành lập năm 1993). Cuộc hợp tác này kéo dài 10 năm và dù đang lãi lớn nhưng Comvik vẫn phải ra đi vì VNPT không muốn hợp tác tiếp.
Một cuộc chia tay cũng tốn không ít giấy mực của giới báo chí Việt Nam là sự ra đi của SK Telecom. Thua lỗ, đối tác này rời S-fone khi hợp đồng hợp tác kinh doanh vẫn chưa kết thúc. Việc mất đi cánh tay đắc lực về tài chính cũng như kinh nghiệm khiến cho S-fone vẫn lặn ngụp ở vị trí chót bảng. Cho dù đã có thông báo về việc chuyển đổi công nghệ từ CDMA sang GSM nhưng nhà mạng này chưa cho thấy dấu hiệu tươi sáng nào.
Đến cuộc đua song mã
Trên thị trường viễn thông các nước trên thế giới, thường có 3-4 hãng lớn chiếm lĩnh thị trường. Chẳng hạn như Trung Quốc có 3 mạng gồm China Mobile, China Unicom, China Telecom; Mỹ có 4 nhà mạng là AT&T, T-Moblie, Verizon, Sprint. Mới đây, Mỹ đã phản đối việc AT&T muốn sáp nhập với T-Mobile với lý do giữ sự cạnh tranh lành mạnh của thị trường. Nhưng ở Việt Nam, phương án sáp nhập Vinaphone và Mobifone đang được đặt ra, nếu có, nó sẽ dẫn đến sự quan ngại về tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Đến lúc đó, sẽ có cuộc đua song mã VNPT và Viettel. Ông Lê Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam băn khoăn: “Nếu 1 trong 3 ông lớn biến mất chỉ còn lại 2 thì tính cạnh tranh của thị trường sẽ giảm. Sẽ có rủi ro là 2 hãng còn lại bắt tay nhau thao túng thị trường”.
Điểm lại thị phần của các hãng năm qua mới thấy Viettel đang chiếm 36,72%, Mobifone chiếm 29,11% và Vinaphone nắm 28,71% thị trường. 3 nhà mạng đã chiếm đến hơn 95% thị trường, số còn lại được chia cho 4 nhà mạng Vietnamobile (3,18%), EVNTelecom (1,59%); S-fone (0,53%) và GTel (0,17%). Các nhà mạng nhỏ chỉ chiếm một thị phần tượng trưng và đang gặp rất nhiều khó khăn khi doanh thu trên thuê bao đang ngày càng thấp. Beeline phải ra đi khi doanh thu trên thuê bao chỉ đạt 0,7 USD.
S-fone gần như chết lâm sàng khi tiền thì không có, khách hàng thì không mặn mà, nhà đầu tư mới thì vắng bóng. Có lẽ nhà mạng này chỉ còn chờ đến một phép màu nào đó mới có thể vực dậy và tiếp tục phát triển.
Nếu như không có tiềm lực kinh tế có thể tham gia cuộc chơi viễn thông di động này thì các nhà mạng nhỏ khó lòng cạnh tranh. Ông Hoàng Mạnh Cường, Tổng Giám đốc CMC Telecom, cho rằng thị trường viễn thông di động Việt Nam còn lâu mới đến ngưỡng bão hòa. Do đó, cơ hội cho các nhà mạng khác nhảy vào thị trường này vẫn còn.
Và độc quyền củng cố?
Chuyện Vietnam Airlines nắm giữ 70% cổ phần của Jetstar Pacific, nâng thị phần của mình lên 90% đã khiến nhiều ý kiến cho rằng ngành hàng không Việt Nam đang là độc quyền, hủy diệt tính cạnh tranh và sẽ gây ảnh hưởng xấu đến lợi ích người tiêu dùng.
Tương tự, ngành viễn thông Việt Nam hiện nay đang có dấu hiệu độc quyền khi Nhà nước nắm đến hơn 95% thị trường. Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện phát biểu với báo giới: “Hiệu quả quản lý và đầu tư viễn thông còn có những hạn chế nhất định khi hầu hết các doanh nghiệp lớn đều là doanh nghiệp nhà nước, hơn 90% tài sản của mạng viễn thông Việt Nam đều của Nhà nước. Như thế chưa thể có sự cạnh tranh thực sự”.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cũng phát triển trong buổi Tọa đàm “Triển vọng viễn thông Việt Nam 2012” rằng, thị trường viễn thông Việt Nam chưa cạnh tranh đúng nghĩa vì lực lượng chủ đạo vẫn là doanh nghiệp Nhà nước.
Lan Ca
nhịp cầu đầu tư
|