Thứ Ba, 08/05/2012 23:03

Trần lãi suất cho vay: “thuốc bổ” cho doanh nghiệp

Việc áp trần lãi suất cho vay của NHNN được xem là một “liều thuốc bổ” đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều thiếu vốn, nhưng không thể tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 14/2012/TT-NHNN quy định, từ ngày 8/5/2012, lãi suất cho vay tối đa của các tổ chức tín dụng sẽ được ấn định bằng lãi suất huy động tối đa cộng mức 3%/năm. Thông tin này được xem là một “liều thuốc bổ” đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang thiếu vốn, nhưng không thể tiếp cận vốn vay ngân hàng, do lãi suất ở mức cao.

Trao đổi với ĐTCK, ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Thép Pomina (POM) nhận xét, chủ trương khống chế trần lãi suất cho vay là rất hợp lý và NHNN nên sớm đưa vào áp dụng. Bởi lẽ, việc chỉ khống chế trần lãi suất huy động như hiện tại thì chỉ có ngân hàng là đối tượng được hưởng lợi, còn các doanh nghiệp vô cùng khó khăn, do lãi vay quá cao.

“Một nền kinh tế muốn phát triển bền vững thì phải hài hòa lợi ích giữa các chủ thể, ngân hàng sống thì các doanh nghiệp cũng phải sống”, ông Thái nói và cho biết, hiện tại, các khoản vay của POM chủ yếu là ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu, còn các khoản vay bằng VND của Công ty là rất ít. Tuy nhiên, POM cũng như các doanh nghiệp khác hoàn toàn ủng hộ chính sách áp trần lãi suất cho vay. Bởi nếu chỉ quy định trần lãi suất huy động mà không khống chế trần lãi suất cho vay sẽ dẫn đến tình trạng cung bị giới hạn và không phù hợp với cầu thực sự, điều này hạn chế rất nhiều đến tình hình phát triển của các doanh nghiệp, đồng thời ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền kinh tế.

Nhiều doanh nghiệp đang phải chịu khoản vay với mức lãi suất cao như CTCP Dịch vụ tổng hợp Savico (SVC), 19 - 21%/năm; các doanh nghiệp sản xuất thép như CTCP Đầu tư thương mại SMC (SMC), CTCP Ống thép Việt - Đức (VGS), CTCP Thép Việt Ý (VIS)… phải trả lãi vay phổ biến ở mức 19%/năm.

Theo các doanh nghiệp này, việc ấn định trần lãi suất cho vay là hợp lý và sẽ phần nào gỡ khó cho doanh nghiệp trong thời gian tới. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp tỏ ra e ngại trước nguy cơ “lý thuyết một đằng, thực tiễn một nẻo”. Nghĩa là, về danh nghĩa thì ngân hàng sẽ áp dụng lãi suất cho vay không vượt trần, song thực tế thì doanh nghiệp có thể phải chi thêm các khoản phí bên ngoài. Hiện tại, mặc dù lãi suất huy động quy định trần là 12%/năm, nhưng một số ngân hàng thương mại vẫn đang áp dụng lãi suất huy động đối với một số khách hàng có khoản tiền gửi lớn lên đến 14%/năm, thậm chí 15%/năm. Do vậy, bên cạnh quy định mới, NHNN cũng nên có những biện pháp mạnh để các ngân hàng thương mại không được “vượt rào” lãi suất cho vay.

Đại diện CTCP Đầu tư tài chính quốc tế và Phát triển doanh nghiệp IDJ (IDJ) cho rằng, việc áp dụng trần lãi suất cho vay sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản, kể cả lãi suất cho vay tối đa 18%/năm như quy định sắp tới cũng là thấp hơn so với lãi suất thực tế mà các doanh nghiệp đang phải gánh chịu.

Trong vòng 2 tháng qua, NHNN hiện đã hai lần giảm trần lãi suất huy động xuống còn 12%/năm từ ngày 11/4, nhưng lãnh đạo một số doanh nghiệp cho biết, cơ hội tiếp cận nguồn vốn có mức lãi suất phải chăng vẫn rất khó khăn, mức lãi vay mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu phổ biến từ 19 - 21%/năm. Do vậy, việc NHNN khống chế trần lãi suất cho vay sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí lãi vay, tăng hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Các doanh nghiệp có khoản vay lớn chủ yếu thuộc nhóm ngành đầu tư tài chính, bất động sản, thép…

Theo ông Phùng Tuấn Hà, Tổng giám đốc Tổng CTCP Dịch vụ tổng hợp dầu khí (PET), chủ trương giảm lãi suất cho vay của NHNN sẽ dành cho 4 lĩnh vực, đối tượng cụ thể là lĩnh vực xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, ngành công nghiệp phụ trợ và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là nhóm doanh nghiệp đang phải áp dụng lãi suất thả nổi. Vậy nên, việc áp trần lãi suất cho vay cũng là để hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc nhóm này.

Về phía PET, trong thời gian qua, Công ty được tiếp cận nguồn vốn vay với mức lãi suất dưới 16%/năm, rất “mềm” so với nhiều doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, ông Hà cho rằng, về lý thuyết, việc ấn định trần lãi suất cho vay là rất tốt, song vẫn phải để thực tế diễn ra mới kiểm chứng được.

Đối với nhóm doanh nghiệp thủy sản, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, nên theo quy định tại Thông tư 14, nhóm doanh nghiệp này sẽ nằm trong diện được ưu đãi về lãi suất cho vay không quá 15%/năm. Thời gian qua, một số doanh nghiệp ngành thủy sản đã được vay với lãi suất khá ưu ái.

Ông Võ Thành Thông, Phó tổng giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang Agifish (AGF) cho biết, AGF đang được Vietcombank cho vay với mức lãi suất 15%/năm đối với VND và 4,5%/năm đối với ngoại tệ, đây là mức lãi suất lý tưởng trong điều kiện đa số doanh nghiệp phải chịu mức lãi suất cao 19 - 21%/năm.

Hải Vân

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Phê duyệt kế hoạch sản xuất của tập đoàn cao su (08/05/2012)

>   Có hơn 5.000 doanh nghiệp ở Hà Nội bị giải thể (08/05/2012)

>   Nhập khẩu doanh nghiệp FDI tăng mạnh (08/05/2012)

>   Bỏ trốn còn nợ thuế tiền tỉ (08/05/2012)

>   "Nếu để 29.000 tỷ rơi vào DN lớn sẽ như muối bỏ bể" (08/05/2012)

>   Mong hoàn thuế nhanh hơn là giãn thuế (08/05/2012)

>   “Gỡ” liền một số kiến nghị của DN thủy sản (08/05/2012)

>   Gói giải pháp 29.000 tỷ đồng: Tạo xung lực cho DN (08/05/2012)

>   Người nuôi cá tra bỏ nghề, bán ao để trả nợ (08/05/2012)

>   8,4% doanh nghiệp ngừng sản xuất, giải thể (07/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật