Thứ Ba, 08/05/2012 07:05

Người nuôi cá tra bỏ nghề, bán ao để trả nợ

Những dải đất cù lao, bãi bồi ven sông vùng đồng bằng sông Cửu Long một thời trở thành đất “vàng” khi hầu hết chủ đất ven sông đua nhau bán đất cho các ông chủ mới để đào ao, nuôi cá tra.

Nay rất nhiều chủ ao cá ngồi bó gối, mong bán được ao cá bằng mọi giá để trả nợ nần.

Đại hạ giá, nhưng chẳng ai mua

“Giá cá tra nguyên liệu hiện nay chỉ 22.000 – 23.000 đồng/kg. Với mức giá này, tất cả người nuôi cá đều bị lỗ ít nhất cả triệu đồng cho mỗi tấn cá”, ông Tư Thể, người nuôi cá tra nhiều năm kinh nghiệm ở phường cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt, Cần Thơ) than thở. Theo ông Tư Thể, các ngân hàng đang ráo riết thu hồi nợ, do đó, nhiều người buộc phải bán cá tra với giá rẻ để kịp trả nợ ngân hàng; không ít người còn phải bán cả ao hay làm mọi cách để có tiền trả nợ vay trong lúc khó khăn chồng chất.

Ông Hồ Văn Hành, một đồng nghiệp với Tư Thể cùng ở phường Tân Lộc nói: “Cả cù lao này có hơn 300ha mặt nước ao nuôi cá tra thì bây giờ có hơn phân nửa diện tích ao nuôi, chủ buộc phải treo ao và bỏ nghề”. Trước đây, giá đất ven sông vùng này lên tới 15 – 20 lượng vàng/công (1.000m 2 ), nay giảm chỉ còn bằng 20 – 25% so với trước nhưng không có người mua. Khi đó, các ao nuôi cá tra vây kín bờ sông vùng đất được mệnh danh là cù lao du lịch này và con cá tra đã “xua đuổi” khách du lịch đến đây, bởi chẳng có ai thèm đi du lịch tới vùng nuôi cá mà lúc nào cũng thoang thoảng mùi thức ăn cho cá.

Tương tự, tại Cồn Sơn (phường An Thới, Cần Thơ) hồi năm 2007, từ chỗ là vùng chuyên canh cây ăn trái trên sông Hậu, sau khi các đại gia ở nơi khác đến mua đất để đào ao nuôi cá tra, khiến giá đất bị đẩy lên cao từ ba đến năm lần so với bình thường. Cụ thể, giá đất vườn từ 35 – 38 triệu đồng/công bị đẩy lên đến 130 – 150 triệu đồng/công. Không chỉ vậy, ông Trần Văn Tươi, người dân ở đây cho biết: “Cồn Sơn có 60 hecta vườn cây ăn trái, nhưng giá đất tăng cao đã tiếp sức cho con cá tra quật ngã trên 30 hecta cây ăn trái rồi”.

Thời hoàng kim của con cá tra còn khiến cho cả vùng đất bãi bồi, ven sông chuyên trồng lúa phải nhường chỗ cho con cá tra – vốn là “con nhà giàu” vẫy vùng. Còn bây giờ, các chủ nuôi cá tra lần lượt treo ao cá do bị thua lỗ. “Bỏ ao trống thì lãng phí, nuôi lại thì biết nuôi con gì cho an toàn, vốn liếng đâu ra? Nếu có kêu bán lại ao dù với mức giá bằng 1/5 – 1/4 mức giá lúc mua, nhưng cũng không có ai mua”, ông Lê Chí Bình, phó chủ tịch hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thuỷ sản An Giang lắc đầu ngao ngán.

Tỉnh Đồng Tháp có diện tích nuôi cá tra cũng như số lượng nhà máy sản xuất thức ăn nuôi cá tương đối lớn so với các địa phương khác tại đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên hiện trong số 24 nhà máy sản xuất thức ăn nuôi cá trong tỉnh, chỉ có khoảng phân nửa số nhà máy còn duy trì hoạt động.

Tỉnh Đồng Tháp có diện tích nuôi cá tra cũng như số lượng nhà máy sản xuất thức ăn nuôi cá tương đối lớn so với các địa phương khác tại đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên hiện trong số 24 nhà máy sản xuất thức ăn nuôi cá trong tỉnh, chỉ có khoảng phân nửa số nhà máy còn duy trì hoạt động.

Hệ luỵ dây chuyền

Người nuôi cá tra bị thua lỗ phải treo ao, bỏ nghề đã làm ảnh hưởng dây chuyền đến các doanh nghiệp khác. Điển hình như trường hợp của bà Trần Thị Ánh Nguyệt, chủ nhân của nhà máy chế biến thức ăn thuỷ sản Ngư Long (khu công nghiệp Sông Hậu, huyện Lai Vung, Đồng Tháp) bị vạ lây khi một đối tác là đơn vị nuôi cá gặp nạn.

Bà Nguyệt cho biết năm ngoái, Ngư Long chuyên cung ứng thức ăn nuôi cá tra và cá tra nguyên liệu cho một doanh nghiệp vừa nuôi vừa chế biến cá tra, có nhà máy đặt tại khu chế xuất Cần Thơ. Thế nhưng đùng một cái, doanh nghiệp này vỡ nợ, trong lúc đơn vị này còn nợ bà Nguyệt khoảng 45 tỉ đồng. Do đó, đơn vị này đã gán 40 hecta đất ao nuôi cá tra cho bà Nguyệt để trừ nợ. Bà Nguyệt bấm bụng phải nhận hàng chục hecta ao nước mênh mông vì nghĩ rằng, chẳng qua là hốt lại của đổ.

Nếu đầu tư nuôi cá tra ở các ao này, theo bà Nguyệt, thì cần nguồn vốn trên dưới 320 tỉ đồng. Đây là số tiền quá lớn mà bây giờ khó có thể vay được của ngân hàng khi mục đích sử dụng vốn vay là nuôi cá tra. Cuối cùng, bà quyết định kêu bán đất để thu lại một phần vốn, nhưng “mấy tháng rồi không thấy ai hỏi mua đất của mình gì hết”.

Chế biến cá tra xuất khẩu thoi thóp, người nuôi cá tra thiếu vốn đầu tư, đầu ra sản phẩm không ổn định, làm cho nhiều người nuôi cá tra ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục treo ao, bỏ nghề. Trước tình thế như vậy, các nhà máy sản xuất thức ăn nuôi cá cũng bị vạ lây, giảm công suất, không bán được sản phẩm.

Ngọc Tùng

Sài Gòn Tiếp thị

Các tin tức khác

>   8,4% doanh nghiệp ngừng sản xuất, giải thể (07/05/2012)

>   Làm gì để tiếp cận vốn vay? (07/05/2012)

>   Nhiều doanh nghiệp “chết yểu” (07/05/2012)

>   Xuất khẩu dệt may "sống nhờ" doanh nghiệp FDI (07/05/2012)

>   DN chết không dám "bố cáo" vì sợ ngân hàng xiết nợ (07/05/2012)

>   Hỗ trợ, chứ không phải cứu (07/05/2012)

>   Thanh tra hàng loạt dự án thủy điện (07/05/2012)

>   Kích tiêu dùng là cứu doanh nghiệp (07/05/2012)

>   Đổ 100.000 tỉ vào Vinalines (07/05/2012)

>   Tái cơ cấu Vietnam Airlines: Giảm độc quyền, tăng sức cạnh tranh (07/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật