Thứ Hai, 07/05/2012 06:15

Tái cơ cấu Vietnam Airlines: Giảm độc quyền, tăng sức cạnh tranh

Nếu thực hiện thành công chương trình tái cơ cấu, kết quả sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines-VNA) chắc chắn sẽ được cải thiện đáng kể.

Theo đó, doanh thu vận tải hàng không đến năm 2020 có khả năng đạt 43,5 tỷ USD, lợi nhuận vận tải hàng không đạt khoảng 630 triệu USD, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 1,08 tỷ USD, đồng thời VNA sẽ sớm trở thành hãng hàng không có quy mô thứ 3 khu vực với chất lượng dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế 4 sao.

Sẽ IPO trong năm 2013

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam hiện là Công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu. Công ty mẹ - Tổng Công ty Hàng không Việt Nam chủ yếu tập trung hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng không đồng thời đầu tư tài chính vào các doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật.

Tiếp viên Vietnam Airlines phục vụ hành khách trên 1 chuyến bay

Theo báo cáo của VNA, 3 năm qua, VNA đạt lợi nhuận 686 tỷ đồng trong khi nhiều hãng hàng không trên thế giới đang thua lỗ. Tốc độ tăng trưởng khách bình quân đạt 21%/năm, thị phần khách trung bình khoảng 57%, ghế suất trung bình đạt 75%. Cùng với công tác chuyên môn, những năm qua VNA cũng đã và đang xúc tiến tiến trình cổ phần hóa, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp theo kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, tuy nhiên công tác cổ phần hóa công ty mẹ diễn ra còn chậm chạp.

Theo đó, việc cổ phần hóa Công ty mẹ - VNA được thực hiện theo hướng giảm độc quyền, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp khi Nhà nước chỉ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Và như vậy, sau khi hoàn thành cổ phần hóa công ty mẹ, dự kiến vốn chủ sở hữu của VNA vào năm 2013 sẽ  là 14,4 ngàn tỷ đồng và sẽ đạt 21,3 ngàn tỷ đồng vào năm 2015, tức tăng hơn 2,5 lần so với hiện nay.

Tại buổi thuyết trình “Đề án Tái cơ cấu Vietnam Airlines” với lãnh đạo Bộ GTVT mới đây, ông Phạm Việt Thanh - Chủ tịch Hội đồng thành viên VNA cho biết: VNA sẽ xây dựng phương án bán cổ phần cho các nhà đầu tư theo hình thức phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. VNA hy vọng nguồn thu từ đợt IPO sẽ đạt tối thiểu 200 triệu USD và mức thu này hoàn toàn có thể thực hiện được nếu VNA bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài.

VNA phải đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu để trở thành Tập đoàn Hàng không quốc gia mạnh, trong đó ưu tiên số một là cổ phần hóa công ty mẹ. Theo đó, kế hoạch cổ phần hóa công ty mẹ và phương án tái cơ cấu danh mục đầu tư, định hướng phát triển phải được  triển khai ngay trong năm 2012, thời điểm chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của VNA chậm nhất là cuối năm 2013.

Thoái vốn tại 9 doanh nghiệp

Đối với các danh mục đầu tư, trong đề án tái cơ cấu VNA đề xuất lên Bộ GTVT, VNA dự kiến duy trì Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO), Công ty TNHH MTV Xăng dầu hàng không (VINAPCO) hoạt động theo mô hình công ty TNHH 100% vốn tổng công ty; giữ tỷ lệ góp vốn chi phối đối với 9 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dịch vụ và an toàn hàng không; giữ cổ phần ở mức hiện tại đối với 11 doanh nghiệp vốn là nhà cung ứng sản phẩm truyền thống cho tổng công ty.

Đối với các doanh nghiệp có mức độ ảnh hưởng đến tổng công ty ở mức thấp, bao gồm các đơn vị kinh doanh chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản và các doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả (lợi nhuận trước thuế/vốn điều lệ dưới 10%), VNA sẽ thoái vốn ngay. Dự kiến, chậm nhất đến năm 2015, VNA sẽ thoái vốn tại 9 doanh nghiệp với số vốn thu hồi dự kiến là 530 tỷ đồng.

Theo đề án, quy mô của VNA sau khi tái cơ cấu sẽ gồm có công ty mẹ  là Tổng Công ty Hàng không VN, 15 công ty con và 12 công ty liên kết so với 18 công ty con và 14 công ty liên kết hiện nay. Trong số này có 4 hãng hàng không gồm: Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (công ty mẹ) - hãng hàng không truyền thống hoạt động theo mô hình công ty cổ phần nhà nước với vốn góp chi phối của nhà nước; Công ty bay Dịch vụ hàng không (VASCO); Hãng hàng không Jetstar Pacific - hãng hàng không giá rẻ do tổng công ty góp vốn chi phối; Hãng hàng không Cambodia Angkor Air (công ty liên kết). Ngoài ra, VNA sẽ nghiên cứu thành lập các công ty thuộc lĩnh vực vận tải hàng không và dịch vụ đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển.

Nguyễn Thu Tuyết

sggp

Các tin tức khác

>   Cứu DN, nhanh, nhiều và dễ dãi? (07/05/2012)

>   29.000 tỉ đồng cứu DN: Liều thuốc chưa đủ mạnh (06/05/2012)

>   Niềm tin của người tiêu dùng Việt xuống mức thấp (06/05/2012)

>   Năm nhóm giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp (06/05/2012)

>   DN tự cứu mình: Giảm lợi nhuận, giải phóng hàng tồn kho (06/05/2012)

>   Giải cứu DN: Xây dựng gói hỗ trợ từng nhóm đặc thù (06/05/2012)

>   Khi Beeline bỏ “cuộc chơi”... (06/05/2012)

>   Nợ của EVN, trả bằng cách nào? (06/05/2012)

>   Nỗi lo nguồn thu: Khi các "đầu tàu" đều tụt dốc (06/05/2012)

>   Giải cơn khát vốn cho doanh nghiệp: Cần nhưng chưa đủ (06/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật