Chủ Nhật, 06/05/2012 10:03

Giải cứu DN: Xây dựng gói hỗ trợ từng nhóm đặc thù

Sau những động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính đã có những đề xuất miễn giảm thuế để giải cứu DN. Tuy nhiên, theo các DN, điều cần làm lúc này là phải có những gói hỗ trợ tổng thể phù hợp cho từng nhóm đối tượng.

Gần 70% khó khăn và dừng sản xuất

Tại buổi tọa đàm về "Đánh giá thực trạng hoạt động và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN" ngày 3/5 tại Hà Nội, phản ánh từ chính các hiệp hội và DN một lần nữa cho thấy bức tranh không mấy khả quan về thực trạng sản xuất kinh doanh.

Đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa cho biết, trong số 600 ngàn DN nhỏ và vừa hiện này thì chỉ có 36% là hoạt động bình thường. Còn lại 39% là khó khăn và 25% là giải thể và phá sản.

Trong gần 70% DN khó khăn và phá sản thì nguyên nhân lớn nhất là vốn tự có nhỏ còn vốn đi vay lãi suất quá cao. Đầu vào tăng cao khiến giá thành tăng cao, tồn kho lớn... đẩy DN vào bế tắc. Không còn vốn để sản xuất.

Trong khi đó, Hiệp hội Xi măng cho biết ba DN xi măng lớn là thành viên của các tập đoàn lớn là Cẩm Phả của Vinaconex tình đến cuối 2011 đã lỗ đến hơn 1200 tỷ; xi măng Hạ Long  của Sông Đà  sau hai năm hoạt động đến nay đã lỗ khoảng 982 tỷ; xi măng Đồng Bành của Coma đến tháng 9/2011 đã lỗ 149 tỷ và hiện đã phải dừng sản xuất.

"Hầu hết trong số 70 DN xi măng hiện nay đều gặp khó khăn do tiêu thụ hàng chậm, tồn kho lớn. Hiện nay, nhiều DN đã không còn tiền mua than, trả tiền điện, không vay được vốn lưu động... nên đã buộc phải dừng sản xuất".

Trước tình hình đó, đại điện Tổng công ty Xi măng cũng nhấn mạnh: tình hình này tất cả chúng tôi đều đến mức không chịu đựng được nữa rồi. Nhiều địa phương có DN xi măng thua lỗ muốn giao về cho Tổng công ty nhưng ngay cả chúng tôi cũng đang khó khăn, nhận về thêm thì chỉ có cùng chết".

Ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép cho biết, trong 116 Dn thành viên thì ai cũng khó khăn. Thậm chí có 10% DN bị phá sản nhưng không dám công bố vì sợ ngân hàng sẽ siết tài sản. Còn trên thực tế, có những DN không còn sản xuất, không còn cả tiền duy trì bảo vệ bỏ mặc cho kẻ gian vào phá. Còn chuyện ngừng sản xuất 1 - 3 tháng, giảm sản xuất từ 3 cả xuống 2 hay 1 ca là chuyệ quá bình thường.

Trong khi đó, những số liệu khảo sát cho thấy, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đang phải đối mặt với nhiều thách thức như nợ lớn, hàng tồn kho nhiều, không còn nguồn vốn để đầu tư, hoàn thiện dự án... đã gây ra tình trạng nhiều dự án bất động sản buộc phải dừng vô thời hạn do năng lực tài chính của chủ đầu tư.

Trong quý I/2012 có 2.400 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản  làm thủ tục giải thể; 11.600 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện các nghĩa vụ thuế.

Còn đối với DN chế biến Thuỷ sản, sau những thông tin xấu về phá sản của một vài công ty xuất khẩu cá tra, các TCTD càng thắt chặt tín dụng ngay cả đối với các doanh nghiệp có dự án phát triển sản xuất và xuất khẩu tốt, làm hàng loạt công ty gặp khó khăn trong việc xoay vòng vốn để tiếp tục duy trì sản xuất, nhiều nhà máy rơi vào tình trạng ngưng hoạt động. Theo Vasep, hiện có hơn 50% các nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu ngừng hoạt động hoặc đang hoạt động cầm chừng.

Cần những gói hỗ trợ tổng hợp

Để hỗ trợ DN, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh hạ lãi suất trần huy động từ 14% xuống 12%/năm, tạo nền tảng để kéo thấp lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp. Đồng thời nới cho vay BĐS thêm các đối tượng như  Xây dựng, mua nhà để ở, hoặc để ở kết hợp cho thuê mà các khoản vay này khách hàng trả nợ bằng các nguồn thu nhập không phải là tiền lương, tiền công; Xây dựng mua nhà để bán, cho thuê; Xây dựng các dự án trong khi đô thị hoàn tất trong năm 2012 và sau năm 2012.

Đồng thời các NHTM được quyền xem xét tái cơ cấu các khoản nợ quá hạn đối với các khoản vay không trả nợ đúng hạn do tình hình khó khăn chung cả nước cũng như thế giới, kéo theo mức tiêu thụ và xuất khẩu giảm, ứ đọng tồn kho Chính sách này tạo cơ hội đặc biệt cho BĐS tăng trưởng nguồn cầu.

Trong khi đó, Bộ Tài chính đã đề xuất lên Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Doanh nghiệp, trong đó có việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và gia hạn thuế giá trị gia tăng (VAT). Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm 30% thuế TNDN năm 2012 đối với các DN vừa và nhỏ, DN sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực nông lâm, thủy sản, da giày, dệt may...  giảm 50% tiền thuê đất đối với các DN...

Tuy nhiên, theo các DN, đến thời điểm này, để giải cứu DN thì cần làm nhiều hơn việc hạ trần lãi suất hay giảm hay giãn thuế.

Đại diện Tổng công ty Xi măng cho rằng, chính sách giải cứu DN dù đã chuyển động nhưng liều thuốc rõ ràng là chưa đủ. Hiện nay đề ra chính sách giảm thuế thu nhập DN nhưng DN có sản xuất đâu mà giảm, DN chết rồi thì còn đâu mà miễn thuế.

Còn giảm lãi suất 1 -2 % DN vẫn thờ ơ vì thực tế lãi suất vẫn còn quá cao, cao gấp 3 lần các nước xung quanh. Lãi suất cao, hàng thừa... nên DN chỉ còn cách đóng cửa và phá sản.

Ông Phạm Chí Cường cũng cho rằng, lãi suất giảm những còn cao và tốt nhất nên ở mức 11 - 12%. Còn đối với thuế thì DN không có lãi thì chính sách giảm thuế cũng vô ích. Nên tốt nhất là cần giảm 50% thuế VAT để giảm chi phí đầu vào

Chính vì thế, trong đề xuất của mình và cũng là tổnghợp từ khảo sát các DN, Ngân hàng TMCP Đầu tư phát triển cho rằng, Chín phủ cần tiếp tục tiếp tục giảm lãi suất tín dụng , bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp... Đặc biệt, nghiên cứu gói cứu trợ cho từng nhóm ngành hàng cụ thể, đặc biệt là ngành có ảnh hưởng lớn tới xã hội, tới nền kinh tế.

Cụ thể, đối với Ngân hàng Nhà nước cần tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại nhằm tạo đà tiếp tục giảm trần lãi suất huy động tiến tới bỏ trần lãi suất huy động, để các TCTD có điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp. Điều chỉnh giới hạn tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD hoạt động an toàn, lành mạnh. Xem xét lại quy định về tỷ lệ dư nợ đối lĩnh vực không khuyến khích. Việc giới hạn tỷ lệ tín dụng phi sản xuất 16% cần xác định chính xác phân khúc cần kiểm soát chặt, các phân khúc cần thiết phục vụ dân sinh

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cần phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp như tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và định hướng cho doanh nghiệp cũng như cảnh báo khó khăn tại từng thị trường sẽ được thực hiện đồng bộ, qua đó giúp doanh nghiệp có thể ký kết hợp đồng và đưa hàng đến thị trường nào thuận lợi nhất.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng, giao thông cần đẩy nhanh chương trình làm đường bằng bê tông và đẩy mạnh các chương trình nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội... để kích cầu cho DN. Các Bộ NN&PTNT, Kế hoạch - Đầu tư cần có các giải pháp tháo gỡ ngay những bức xúc và khó khăn của DN.

Phước Hà

Diễn đàn kinh tế Việt Nam

Các tin tức khác

>   Khi Beeline bỏ “cuộc chơi”... (06/05/2012)

>   Nợ của EVN, trả bằng cách nào? (06/05/2012)

>   Nỗi lo nguồn thu: Khi các "đầu tàu" đều tụt dốc (06/05/2012)

>   Giải cơn khát vốn cho doanh nghiệp: Cần nhưng chưa đủ (06/05/2012)

>   Xử lý nợ Vinashin: Vẫn đang “tiếp tục đàm phán” (05/05/2012)

>   Vinalines “tậu” nhiều tàu cũ (05/05/2012)

>   Nhập siêu thấp kỷ lục, doanh nghiệp khó khăn (04/05/2012)

>   Chính phủ công bố gói 29.000 tỷ ‘cứu’ doanh nghiệp (04/05/2012)

>   Doanh nghiệp đã và đang phá sản thế nào? (04/05/2012)

>   Doanh nghiệp vẫn chết dù lãi suất đã hạ (04/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật