Chủ Nhật, 06/05/2012 10:25

Giải cơn khát vốn cho doanh nghiệp: Cần nhưng chưa đủ

Trong gói cứu trợ 29.000 tỉ đồng Chính phủ dành cho doanh nghiệp, tập trung giảm và dãn các sắc thuế. Đây là điều cần nhưng chưa đủ, vì “liều thuốc” mà phần đông doanh nghiệp cần nhất chính là vốn.

Theo kế hoạch, gói cứu trợ sẽ dãn và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (DN), dãn thuế GTGT; miễn thuế môn bài, giảm tiền thuê đất với một số đối tượng... Các chuyên gia kinh tế và chủ DN cho rằng ngoài gói cứu trợ này, cần phải tiến hành các giải pháp song song.

Nên mạnh tay bảo lãnh tín dụng

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, nói rằng gói cứu trợ này lẽ ra nên được tung ra từ 3-6 tháng trước chứ không phải đợi lúc cả nước có đến 17.735 DN giải thể, dừng hoạt động mới tính đến.

Nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế, cán bộ quản lý Nhà nước cho rằng quý I/2012 là đáy của suy giảm sức mua nhưng bước qua đầu tháng 5, tình hình vẫn không có dấu hiệu khả quan, nhiều khả năng sẽ kéo dài đến hết năm.

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh đánh giá: “Chưa thể sớm lạc quan vì gói cứu trợ này chủ yếu là giảm, dãn thuế. Dãn hoặc miễn, giảm thuế thu nhập DN, nghe qua thì phấn khởi nhưng thực tế thì chưa hẳn như vậy bởi chỉ có những DN còn đủ “sức khỏe” mới được hưởng ưu đãi này, còn những DN đã phá sản rồi hoặc đang hấp hối thì làm gì còn sức mà đóng thuế, chỉ mong sống được là may!

Để gói cứu trợ phát huy tác dụng, cần có quỹ bảo lãnh tín dụng của Nhà nước đối với các DN xi măng, sắt thép, hàng công nghiệp… (vốn đang tồn kho rất lớn) vay vốn ngân hàng (NH). Nhà nước đứng ra bảo lãnh vay nợ và thực hiện giám sát hoạt động của những DN được bảo lãnh. Thậm chí tiến hành đánh giá và mua lại nợ một số DN có tiềm năng. Đây là biện pháp hiệu quả mà nhiều nước đã áp dụng. “Vừa rồi Công ty CP Thủy sản Bình An (Cần Thơ) đã được một công ty của Bộ Tài chính mua nợ, sau đó thì có tín hiệu phục hồi. Nên nhân rộng cách làm này” - ông Doanh đề xuất.

Miễn thuế, khống chế trần lãi suất cho vay

“Với gói hỗ trợ sắp triển khai, Nhà nước đặt trọng tâm vào miễn giảm 30% thuế thu nhập DN trong năm 2012 cho DN nhỏ và vừa nhưng khối DN này đang gặp rất nhiều khó khăn, làm ăn không hiệu quả, không phát sinh thu nhập chịu thuế thì chủ trương miễn, giảm thuế thu nhập DN xem như không có tác dụng. Vì vậy, thay vì miễn, giảm thuế thu nhập DN, giảm thuế GTGT các tháng 4, 5, 6 trong thời hạn 6 tháng, Nhà nước nên tập trung miễn thuế GTGT. Có thể chỉ miễn trong một thời gian ngắn nhưng khoản thuế GTGT 10% sẽ có tác dụng tích cực giúp DN giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh, kích cầu tiêu dùng… Ngoài ra, có thể miễn tiền thuê đất trong vòng 1-2 năm; khống chế trần lãi suất cho vay để DN có điều kiện tiếp cận vốn, mạnh dạn đầu tư làm ăn” - ông Huỳnh Văn Minh kiến nghị.

Theo TS Đinh Sơn Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, ngoài gói cứu trợ, vấn đề quan trọng cần phải giải quyết là làm sao giúp DN tiếp cận vốn. Từ đợt khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 đến nay, các DN trong nước bị ảnh hưởng, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, hầu hết các NH vẫn thu lợi nhuận cao và gần như không có ý định chia sẻ khó khăn, rủi ro với DN các ngành hàng khác. Hiện lãi suất huy động đã giảm nhưng lãi suất cho vay vẫn quá cao so với tỉ suất lợi nhuận bình quân của nền kinh tế. “Lãi suất cho vay giảm thêm 1%-2% thì tốt hơn; thậm chí nếu được, NH Nhà nước nên can thiệp để kéo giảm chênh lệch lãi suất huy động/cho vay từ 7%-8% xuống còn 3%. Thời điểm này rất cần NH Nhà nước can thiệp, chỉ đạo và giám sát chặt chẽ việc các NH thương mại thích cho vay lẫn nhau hơn là cho DN vay. NH Nhà nước có thể cấp vốn cho các NH đang gặp khó khăn về thanh khoản. Song song đó, yêu cầu các NH minh bạch các điều kiện cho vay, lãi suất; DN nào đáp ứng đủ điều kiện thì phải cho vay” - TS Đinh Sơn Hùng nói.

Thanh Nhân

Người lao động

Các tin tức khác

>   Xử lý nợ Vinashin: Vẫn đang “tiếp tục đàm phán” (05/05/2012)

>   Vinalines “tậu” nhiều tàu cũ (05/05/2012)

>   Nhập siêu thấp kỷ lục, doanh nghiệp khó khăn (04/05/2012)

>   Chính phủ công bố gói 29.000 tỷ ‘cứu’ doanh nghiệp (04/05/2012)

>   Doanh nghiệp đã và đang phá sản thế nào? (04/05/2012)

>   Doanh nghiệp vẫn chết dù lãi suất đã hạ (04/05/2012)

>   Chỉ số niềm tin tiêu dùng thấp nhất hơn một năm qua (04/05/2012)

>   4 tháng, bưu chính, viễn thông thu gần 46.000 tỷ đồng (04/05/2012)

>   Hàng loạt doanh nghiệp 'thở ôxy', làm sao cứu? (04/05/2012)

>   Chưa áp giá điện riêng cho sắt thép, xi măng (04/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật