Hàng loạt doanh nghiệp 'thở ôxy', làm sao cứu?
Hiện cả ngân hàng và doanh nghiệp đang "nắm tay nhau" chờ tia sáng cuối đường hầm. Họ lo ngại những phản ứng tiêu cực từ ngân hàng, đối tác, bạn hàng… sẽ khiến doanh nghiệp họ ốm nặng hơn, thậm chí buộc phải "chết" hẳn. Nếu thiếu cân nhắc cẩn trọng, những chiếc phao cứu sinh hết hạn sử dụng sẽ khiến sức khỏe của nhiều doanh nghiệp xấu hơn.
Tiến thoái lưỡng nan
Một doanh nghiệp thuộc tốp đầu trong lĩnh vực sản xuất thép không rỉ của Việt Nam đang trong tình trạng "thở ôxy". Khoản nợ ngân hàng mà doanh nghiệp này đang gánh đã bị liệt vào nhóm nợ khó đòi do doanh nghiệp buộc phải ngưng sản xuất. Tồn kho lớn cộng với thị trường tiêu thụ bị đóng băng theo tác động lan truyền của thị trường bất động sản, khó khăn của các doanh nghiệp cơ khí, đóng tàu… khiến vị giám đốc doanh nghiệp buộc phải phát lệnh dừng chạy máy. Đơn giản là vì với công suất của hệ thống dây chuyền sản xuất của Công ty, lượng hàng sản xuất ra phải phủ kín cả thị trường ba nước Đông Dương. Nhưng với tình hình ảm đạm như hiện nay, doanh nghiệp càng hoạt động càng lỗ.
Các ngân hàng chủ nợ buộc phải đặt doanh nghiệp này ở chế độ kiểm soát đặc biệt. Song vấn đề là, theo chính những người trong cuộc, kể cả trường hợp ngân hàng quyết định phát mãi tài sản thế chấp hệ thống dây chuyền sản xuất, thì khả năng thu hồi vốn cũng rất thấp vì sẽ không có khách mua trong lúc này.
Cũng phải nói thêm rằng, doanh nghiệp này được đánh giá cao về cả năng lực quản trị, năng lực sản xuất cũng như khả năng cạnh tranh trên thị trường thép không rỉ. Đây cũng là doanh nghiệp đang sở hữu hệ thống máy móc, công nghệ hiện đại bậc nhất. Thậm chí, một trong nhiều nguyên do đẩy doanh nghiệp này vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc lại chính là từ quyết định đầu tư lớn vào công nghệ hồi năm 2010, khiến năng lực sản xuất của doanh nghiệp tăng mạnh vào đúng lúc thị trường tiêu thụ teo tóp…
Hiện cả ngân hàng và doanh nghiệp đang "nắm tay nhau" chờ tia sáng cuối đường hầm. Hàng loạt giải pháp của Chính phủ được đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp như: giãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, kiểm soát trần lãi suất huy động để kéo lãi suất cho vay xuống quanh mức 10% trong vài tháng tới… đều sẽ không có nhiều tác dụng với doanh nghiệp này. Về phía các chủ nợ, họ vẫn tỏ ra bình tĩnh bởi theo họ, doanh nghiệp đang gặp khó khăn do thị trường đang xấu chứ không phải do doanh nghiệp yếu kém, không thể cứu chữa…
Tìm đúng phao cứu trợ
Cái khó trong lúc này là tình trạng doanh nghiệp đang "thở ôxy" hay như cách gọi của ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM là "khô máu", đang diễn ra trên diện rộng ở hầu hết các lĩnh vực, quy mô, vùng miền. Nếu theo các con số chính thức được công bố thì đến 1/4/2012, số doanh nghiệp giải thể, cả tự nguyện và bị cưỡng chế lên tới 6.200 doanh nghiệp. Đó là chưa kể 11.600 doanh nghiệp đã phải đăng ký tạm ngừng sản xuất kinh doanh hoặc ngừng thực hiện các nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Trong số này, lĩnh vực có nhiều doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động hơn cả là rơi vào bán buôn, bán lẻ. Tiếp sau là doanh nghiệp ngành công nghiệp, khai khoáng với 15,05%, tiếp đó là doanh nghiệp xây dựng, bất động sản (10,54%) và vận tải - kho bãi (10,09%)…
Nhưng theo đánh giá của các Hiệp hội Doanh nghiệp trên cả nước, cũng như giới ngân hàng, các con số này chỉ mới là phần nổi của tảng băng. Bởi, nhiều doanh nghiệp như trường hợp của doanh nghiệp thép không rỉ nêu trên, dù ngừng hoạt động nhưng không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh vì không muốn để lộ tình trạng bất an của mình. Họ lo ngại những phản ứng tiêu cực từ ngân hàng, đối tác, bạn hàng… sẽ khiến doanh nghiệp họ ốm nặng hơn, thậm chí buộc phải "chết" hẳn.
Như vậy, sẽ không thể tung một loại "phao" cứu sinh cho tất cả các đối tượng này bởi đặc thù và sức khỏe của các doanh nghiệp không hề giống nhau, song cũng không thể kỳ vọng có một gói cứu trợ trên diện rộng bởi vào lúc này nền kinh tế Việt Nam cũng đang hết sức khó khăn.
Tuy nhiên, chọn giải pháp nào không hề đơn giản. Việc xác định được bệnh trạng thực của các doanh nghiệp để có cách cứu chữa phù hợp không hề dễ dàng. Bên cạnh đó, không loại trừ có những doanh nghiệp "tát nước theo mưa", lợi dụng tình hình khó khăn chung để chây ì, chiếm dụng vốn của ngân hàng, đối tác… Thậm chí, cũng không ít lo ngại về quyết định nới van tín dụng cho bất động sản khi mà thực trạng yếu tố đầu cơ và bong bóng giá đang vẫn là xu thế chính của thị trường này.
Hiện đang có khá nhiều đề xuất đề nghị ngân hàng chấp thuận khoanh nợ với những doanh nghiệp được ngân hàng đánh giá tín nhiệm tốt. Cách này được nhiều doanh nghiệp cho là hỗ trợ trực tiếp được những doanh nghiệp còn có khả năng sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, vượt qua lúc khó khăn để duy trì sản xuất, thay vì nỗ lực giảm lãi suất một cách chung chung.
Theo ông Nguyễn Thành Phương, Tổng giám đốc Tập đoàn Kangaroo, với giải pháp này, việc phân loại doanh nghiệp sẽ phải được tiến hành ngay và chuẩn xác dựa trên năng lực quản lý, năng lực nhân sự, năng lực sản xuất… để có quyết định hỗ trợ từ hệ thống ngân hàng. "Các quyết định này cần được minh bạch và rộng mở thì lo ngại về cái gọi là lợi ích nhóm sẽ khó tồn tại", ông Phương phân tích và cho rằng, sự phân loại công tâm và chính xác trên nguyên tắc lợi ích doanh nghiệp và ngân hàng với sự hậu thuẫn của Chính phủ sẽ đảm bảo được nguyên tắc: doanh nghiệp đủ mạnh sẽ tồn tại, doanh nghiệp yếu phải chấp nhận hy sinh. Ở đây, một lần nữa sự thành công của các quyết định này phụ thuộc lớn vào đạo đức của những người làm ngân hàng. Bởi, trong lúc này, bản thân các ngân hàng cũng đang khó rút chân khỏi nhiều dự án bất động sản đang "đắp chiếu"…
Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho tức là khơi thông đầu ra cho doanh nghiệp sản xuất được chờ đợi hơn. Theo Luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch HĐQT Công ty tư vấn VFAM Việt Nam, Chính phủ có thể cân nhắc phương án mạnh tay là miễn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong năm 2012 để kích thích tiêu dùng, đặc biệt là tiêu dùng cho sản xuất và giúp các doanh nghiệp bảo toàn vốn chủ sở hữu.
Đặc biệt theo ông Tiền, các cơ quan quản lý nhà nước cần bám sát sức khỏe của doanh nghiệp để có giải pháp kịp thời, hữu hiệu, bởi để đến lúc doanh nghiệp hết sức thì dù có "thuốc đắng" cũng không "dã tật" được. "Nên tiên liệu tác động của các lộ trình tăng giá, phí với thực tế hoạt động của doanh nghiệp trong lúc này, tránh đổ thêm dầu vào lửa, làm khó hơn cho doanh nghiệp", ông Tiền nói.
Cũng không thể không tính tới phương án xấu về tình trạng doanh nghiệp phá sản, giải thể trên diện rộng trong lúc này, nhất là khi nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng không thể cứu chữa hoặc nếu cứu sẽ trở thành gánh nặng cho nền kinh tế, tác nhân tạo nên những bất ổn nội tại. Theo ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), bên cạnh quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Chính phủ cần chuẩn bị các cơ chế hỗ trợ người lao động mất việc tìm việc làm mới một cách thận trọng, đảm bảo an sinh xã hội.
Theo các con số chính thức được công bố, tính đến 1/4/2012,
số doanh nghiệp giải thể, bao gồm cả tự nguyện và bị cưỡng chế, lên tới 6.200 doanh nghiệp. Đó là chưa kể 11.600 doanh nghiệp đã phải đăng ký tạm ngừng sản xuất kinh doanh, hoặc ngừng thực hiện các nghĩa vụ thuế với nhà nước. Trong số này, lĩnh vực có nhiều doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động hơn cả là bán buôn, bán lẻ. Ngành công nghiệp, khai khoáng đứng thứ 2 với 15,05%, tiếp sau là doanh nghiệp xây dựng, bất động sản (10,54%) và vận tải - kho bãi (10,09%). |
Minh Anh
diễn đàn doanh nghiệp
|