Nỗi lo nguồn thu: Khi các "đầu tàu" đều tụt dốc
Nhiều năm nay, nguồn thu thuế hàng hóa xuất nhập khẩu luôn chiếm tỷ trọng cao trong ngân sách. Tuy nhiên, mức thu 4 tháng qua chỉ đạt được 63.500 tỷ đồng…
So với con số 223.900 tỷ đồng kế hoạch thu cả năm của ngành hải quan, chặng đường còn… xa vời vợi.
Các "đầu tàu" đều giảm
Thống kê của ngành hải quan cho hay, từ đầu năm đến nay, tại hai trọng điểm xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước là Hải Phòng và TP.HCM, lượng hàng hóa nhập khẩu có số thuế lớn đang sụt giảm nghiêm trọng. Tại Hải Phòng, trong quí I, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu chỉ đạt 6,015 tỉ USD giảm 500 triệu USD (tương đương 9,7% so với cùng kì năm 2011), trong đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 3,711 tỉ USD, giảm 10,02%; xuất khẩu đạt 2,304 tỉ USD, giảm 9%. Lẽ đương nhiên, hàng ít thì thu thuế giảm. Từ đầu năm đến nay, Hải quan Hải Phòng mới thu được 6.228 tỉ đồng, giảm đến 2.455 tỉ đồng (tương đương giảm 28,27%) so với cùng kỳ năm 2011, đạt 12,65% chỉ tiêu năm 2012.
Với thực trạng và kết quả như trong quý I vừa rồi, tình hình thu ngân sách tại Hải quan Hải Phòng những tháng còn lại trong năm được dự báo là hết sức căng thẳng. Để đạt chỉ tiêu 49.200 tỉ đồng của năm 2012, trong 9 tháng còn lại (từ tháng 4 đến tháng 12), trung bình mỗi tháng đơn vị phải thu trên 4.777 tỉ đồng, nghĩa là phải thu gấp 2,3 lần so với mức thu trung bình của 3 tháng đầu năm. Nhiệm vụ này được xem là hết sức khó khăn, nếu không muốn nói là khó có thể thực hiện được. Tình hình cũng diễn ra tương tự tại Hải quan TP.HCM - đơn vị có số thu lớn nhất toàn ngành hải quan. Từ đầu năm đến nay kim ngạch hàng hóa nhập khẩu qua các đơn vị thuộc Hải quan TP.HCM cũng giảm rất mạnh, khoảng 22%. Tính đến 31/3, Cục Hải quan T.PHCM mới thu đạt 8.968 tỉ đồng, giảm tới 9.471 tỉ đồng so với cùng kỳ, đạt 12% chỉ tiêu được giao (năm 2012 chỉ tiêu của Cục là 78.900 tỉ đồng).
Theo lãnh đạo đơn vị, hàng năm kết thúc quý I, số thu ngân sách của đơn vị ít nhất cũng đạt trên 25% chỉ tiêu, nhưng năm nay số thu mới chỉ đạt 12%. Cứ theo tiến độ như hiện nay, Hải quan TP.HCM cũng là đơn vị khó hoàn thành chỉ tiêu được giao của năm 2012.
Ôtô, xăng dầu, sắt thép giảm sâu
Đây là những nhóm hàng hóa nhập khẩu có mức thuế lớn là nguồn thu chủ yếu hàng năm của ngành hải quan. Nhưng năm nay nhóm hàng hóa này giảm mạnh, thậm chí có nơi không xuất hiện! Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm tại chi cục Hải quan Cảng Hải Phòng 2, chẳng có một doanh nghiệp nào nhập khẩu ôtô, xăng. Mặt hàng dầu thì giảm tới 1/3 về kim ngạch, xe máy chỉ bằng khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước… Tình hình cũng diễn ra tương tự tại cảng Đình Vũ, đơn vị hải quan tại đây chủ yếu làm hàng tạm nhập tái xuất, nguồn thu hàng năm chỉ trông vào một số mặt hàng có số thu lớn. Nhưng năm nay các mặt hàng như: ôtô, xe máy gần như vắng bóng, nên đã làm giảm số thu ngân sách nhà nước so với cùng kỳ năm trước khoảng 340 tỉ đồng. Phân tích của Hải quan TP.HCM cũng cho thấy, số thu của đơn vị giảm mạnh do một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm đáng kể như: xăng, dầu giảm 195,2 triệu USD (tương đương 34%); gỗ và sản phẩm gỗ giảm 174,5 triệu USD (tương đương 84,3%); ô tô nguyên chiếc các loại giảm 24,8 triệu USD (tương đương 72,5%)...
Đơn cử như tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3, số thu của đơn vị này chủ yếu từ 3 nguồn chính: xăng dầu, sắt thép và ô tô. Tuy nhiên, trong quý I/2012, cả 3 mặt hàng này bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chính sách quản lý nhà nước (kiềm chế nhập siêu), cũng như tình trạng đình đốn sản xuất… Hết quý I/2012, Chi cục mới thu được 3.118 tỉ đồng, đạt 15% chỉ tiêu kế hoạch được giao (20.200 tỉ đồng). Báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan cho biết, dự kiến đến 30/4, toàn ngành thu đạt 63.500 tỷ đồng, đạt 28,4% so với dự toán. Nhiệm vụ cả năm thu đạt 223.900 tỷ đồng được xem là hết sức khó khăn.
Báo cáo này cũng cho biết, ngoài mặt hàng xăng (giảm thu bình quân 1.000 tỷđồng/tháng tiền thuế xuất khẩu, thuế giá trị gia tăng từ dầu thô Bạch Hổ đưa vào nhà máy Dung Quất) thì nguyên nhân chính dẫn đến số thu giảm là sự sụt giảm kim ngạch nhập khẩu của một số mặt hàng ôtô nguyên chiếc (57,6%), linh kiện ôtô (16,8%), xe máy nguyên chiếc (50%)…
Thu nội địa cũng khó
Không chỉ có sự sụt giảm thu từ hàng hóa xuất nhập khẩu, nguồn thu từ nội địa cũng được dự báo là cũng sẽ gặp không ít khó khăn. Báo cáo về tình hình triển khai thực hiện dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2012 tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ tài chính Vương Đình Huệ bày tỏ lo lắng về vấn đề này. So với cùng kỳ hai năm gần đây, số thu ngân sách Nhà nước quý I năm nay đạt thấp cả về tiến độ dự toán và mức tăng trưởng, trong đó cả hai lĩnh vực quan trọng là thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đều đạt thấp.
Bên cạnh các nguyên nhân khách quan, cũng có một nguyên nhân khác tác động không nhỏ đến "túi tiền ngân sách" trong năm nay. Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, một số mặt hàng có đóng góp số thu lớn cho ngân sách như: ôtô, xe máy, hàng điện tử... có sức tiêu thụ rất chậm, do sức mua giảm và Nhà nước áp dụng các giải pháp hạn chế sự gia tăng phương tiện. Mặc dù các giải pháp thu phí hạn chế phương tiện cá nhân mới chỉ đang ở mức "đề xuất" nhưng ảnh hưởng của nó tới cân đối ngân sách cũng không nhỏ. Từ đầu năm đến nay sản lượng ôtô các loại tiêu thụ giảm 44% so với cùng kỳ năm 2011. Doanh nghiệp không bán được ô tô, nguồn thu ngân sách nhà nước thông qua các khoản thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng hay các loại phí trước bạ, phí cấp biển… cũng vì thế mà hụt đáng kể.
Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2011, số nộp ngân sách hụt so với dự kiến từ Công ty GM Việt Nam là 507 tỷ đồng, Công ty Ford Việt Nam là 88 tỷ đồng, Công ty Toyota Việt Nam và Công ty Honda Việt Nam là 560 tỷ đồng…
Phương Nhi
Diễn đàn doanh nghiệp
|