Chủ Nhật, 06/05/2012 17:11

DN tự cứu mình: Giảm lợi nhuận, giải phóng hàng tồn kho

Trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) không vượt qua được áp lực do lạm phát, lãi suất cao, hàng tồn kho "chất cao như núi" phải rơi vào tình thế co hẹp sản xuất, tạm ngừng hoạt động, thậm chí phá sản thì cũng có không ít DN đã chủ động tự cứu mình bằng cách tìm một lối đi riêng để có thể tồn tại và đứng vững ngay trong cơn khủng hoảng.

Chấp nhận giảm lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với người mua

Trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng, số lượng căn hộ tồn kho nhiều, để kích cầu thị trường, đầu năm 2012, Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu-chủ đầu tư Dự án chung cư VP3 bán đảo Linh Đàm và Dự án CT6 Xa La đã quyết định giảm 7 triệu đồng/m2 chung cư VP3 Linh Đàm và 5 triệu đồng/m2 cho dự án CT6 Xa La.

Điều này thực sự gây "sốc" cho thị trường bất động sản Hà Nội bởi từ trước đến nay chưa có bất kỳ DN nào đưa ra mức giảm giá nhiều như thế. Với mức giảm này, chủ đầu tư đã phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để trừ lại phần tiền cho khách hàng ký hợp đồng mua căn hộ đã đóng tiền từ trước đó. Tính trung bình, mỗi căn hộ CT6 và VP3, mỗi khách hàng được giảm từ 200-600 triệu đồng, tùy vào diện tích lớn, nhỏ. Đây không phải là lần đầu tiên chủ đầu tư này giảm giá bán cho người đã ký hợp đồng mua nhà.

Lý giải về điều này, ông Lê Thanh Thản, Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu cho rằng: Do chính sách thắt chặt tín dụng, khiến cả DN và nhà đầu tư  đều lâm vào tình thế khó khăn. Do vậy, lợi nhuận của chủ đầu tư và người mua cần được dung hòa, chia sẻ... Việc giảm giá mạnh cũng tạo cơ hội cho những người có nhu cầu mua nhà được mua sát với giá thực và chủ đầu tư cũng có thể bán nốt số lượng căn hộ còn lại để nhanh chóng thu hồi vốn.

Nhiều sáng kiến nhằm giảm hàng tồn kho hiệu quả

Theo ông Cao Tiến Vị - Tổng Giám đốc Công ty Giấy Sài Gòn, trong bối cảnh sức mua trên thị trường nội địa giảm, hàng tồn kho nhiều, nên công ty đã giải quyết giảm áp lực hàng tồn kho bằng cách tìm nguồn vốn có giá hợp lý. Theo đó, từ đầu năm 2012 đến nay, Giấy Sài Gòn đã huy động được hơn 10 triệu USD với mức lãi vay 1,7%/năm từ các đối tác Nhật Bản. Với nguồn vốn này, công ty tự tin hơn trong việc thực thi những chính sách bán hàng mới với nhiều ưu đãi hơn cho khách hàng, nhằm duy trì thị phần và chấp nhận mức lợi nhuận vừa phải.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thanh Lâm, Phó Giám đốc Công ty Chế biến thủy sản Fisco cũng chủ động tìm giải pháp giảm thiểu hàng tồn kho bằng cách chỉ ưu tiên nhập khẩu những mặt hàng có sức mua mạnh trên thị trường. Đồng thời, công ty cũng tiến hành thay đổi kích cỡ sản phẩm, thay đổi cách đóng gói, bao bì, nhằm tiết giảm chi phí, tính toán lại để có thể giảm giá thành, kích cầu sức mua.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản tiến hành xây dựng các căn hộ có diện tích nhỏ để dễ bán.

Còn ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Công ty Phân phối nước giải khát Anh Đào thì chia sẻ: Công ty ông đang tập trung vào việc chăm sóc khách hàng tốt hơn và có những chế độ bán hàng khác nhau. Một bộ phận theo dõi hàng tồn kho đã được thành lập và cập nhật thông tin hằng ngày cho Ban Giám đốc. Dựa trên các báo cáo chi tiết này, công ty sẽ nhanh chóng điều chỉnh khối lượng hàng bán và đưa ra tỷ lệ hoa hồng, cũng như chính sách giá tốt hơn cho các đại lý.

Ngoài việc giảm chi phí để giảm giá thành, tăng chiết khấu, một số DN khác lại tìm hướng giải quyết hàng tồn kho bằng cách tăng cường các kênh bán hàng về nông thôn, hoặc tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới. Thậm chí, có một số DN xuất khẩu còn tiết giảm tối đa chi phí bằng cách tăng cường ứng dụng thương mại điện tử  để xuất khẩu online thông qua các trang thông tin điện tử để mua bán hàng hóa với mức chi phí đầu tư chỉ chiếm 5%, nhưng mang lại mức doanh thu trung bình lên đến 33% tổng doanh thu.

Huyền Thanh - Lệ Thúy

CAND

Các tin tức khác

>   Giải cứu DN: Xây dựng gói hỗ trợ từng nhóm đặc thù (06/05/2012)

>   Khi Beeline bỏ “cuộc chơi”... (06/05/2012)

>   Nợ của EVN, trả bằng cách nào? (06/05/2012)

>   Nỗi lo nguồn thu: Khi các "đầu tàu" đều tụt dốc (06/05/2012)

>   Giải cơn khát vốn cho doanh nghiệp: Cần nhưng chưa đủ (06/05/2012)

>   Xử lý nợ Vinashin: Vẫn đang “tiếp tục đàm phán” (05/05/2012)

>   Vinalines “tậu” nhiều tàu cũ (05/05/2012)

>   Nhập siêu thấp kỷ lục, doanh nghiệp khó khăn (04/05/2012)

>   Chính phủ công bố gói 29.000 tỷ ‘cứu’ doanh nghiệp (04/05/2012)

>   Doanh nghiệp đã và đang phá sản thế nào? (04/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật