Chủ Nhật, 06/05/2012 20:32

Năm nhóm giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp

Ảnh minh họa
Bộ Tài chính vừa đề xuất 5 nhóm giải pháp tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ vừa qua. Theo đó, những đề xuất này sẽ có những tác động tích cực đến doanh nghiệp, thị trường, nhóm đối tượng an sinh xã hội và cả nền kinh tế.

“Không chỉ tập trung vào thuế”

Theo ông Vũ Nhữ Thăng,Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), đề xuất của Bộ Tài chính về các giải pháp về tài chính lần này không chỉ tập trung vào thuế mà còn hướng và các nhóm giái pháp khác như điều hành vĩ mô, chi tiêu công, điều hành giá, thủ tục hành chính thuế.

Trong đó, điểm đáng lưu ý là nhóm giải pháp chi tiêu công trị giá khoảng 3.560 tỷ đồng bao gồm bổ sung 460 tỷ đồng để làm vốn đối ứng cho các dự án ODA và 2.100 tỷ đồng để đầu tư các dự án cấp bách từ nguồn tăng thu ngân sách Nhà nước năm 2011; dành thêm 1.000 tỷ đồng cho vay đầu tư kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn (bao gồm cả các trạm bơm điện phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp)…

Nhóm giải pháp này sẽ tạo ra cầu về vật liệu xây dựng và hàng loạt hàng hóa là đầu vào khác cho các dự án cơ sở hạ tầng, từ đó, giúp các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn. Nhóm giải pháp cũng bao gồm cả việc cho phép sử dụng khoản kinh phí mua sắm trong dự toán năm 2011 đã chuyển nguồn sang năm 2012 để thực hiện mua sắm theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, nhóm giải pháp về thuế và phí không chỉ có giải pháp với doanh nghiệp, mà còn mang lại lợi ích cho người dân. Cụ thể: gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp trong 6 tháng đối với số thuế phải nộp của tháng 4-6/2012. Ước tổng mức thuế giá trị gia tăng giãn nộp lên đến 12.300 tỷ đồng. doanh nghiệp cũng sẽ có cơ hội được hưởng lợi khác khi Bộ Tài chính đề xuất gia hạn số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2011 trở về trước mà doanh nghiệp còn nợ. Thời gian gia hạn lên tới 9 tháng. Với các biện pháp này, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tăng vốn lưu động. Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2012.

Điểm đáng lưu ý khác là đề xuất giảm 50% tiền thuê đất của năm nay cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ và nếu tình cả việc đang thực hiện giảm 50% tiền thuê đất của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất năm 2012 theo Quyết định số 2093/QĐ-TTg ngày 23/11/2011, số tiền thuê đất được giảm lên tới 1.500 tỷ đồng.

Cũng theo đề xuất của Bộ Tài chính, các hộ dân đánh bắt hải sản và hộ sản xuất muối sẽ có cơ hội được miễn thuế môn bài năm 2012, nếu đã nộp, sẽ được hoàn trả lại. Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất và Chính phủ đã lùi thời hạn thu phí bảo trì đường bộ đối với ôtô xe máy đến hết năm nay. Cùng với đó là đề xuất miễn thuế khoán, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp trong cả năm nay đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh và một số đối tượng khác.

Theo tính toán sơ bộ, nhóm giải pháp về chi tiêu công (chưa tính các khoản bổ sung từ nguồn tăng thu ngân sách Nhà nước năm 2011) và nhóm giải pháp về thuế, phí sẽ tác động về tài chính khoảng 29.000 tỷ đồng. Trong đó, gia hạn thuế, phí sẽ để lại cho doanh nghiệp tiền đầu tư ước khoảng 16.000 tỷ đồng, qua đó giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn tạm thời về vốn đầu tư, làm tăng tốc độ chu chuyển vốn và tác động tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, các giải pháp miễn, giảm thuế và các giải pháp tài chính khác giúp cho doanh nghiệp giảm chi phí ước khoảng 13.000 tỷ đồng.

Bộ cũng rà soát và thực hiện hỗ trợ giá xăng dầu, điện đầu vào cho một số lĩnh vực sản xuất, đối tượng như ngư dân đánh bắt xa bờ, sản xuất nông nghiệp, hộ nghèo, nếu những mặt hàng này tiếp tục biến động giá.

Thực hiện nguyên tắc đảm bảo vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Ông Vũ Nhữ Thăng cũng cho biết các giải pháp tài chính trên được thực hiện theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, không làm lạm phát tăng trở lại; tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường cả trong nước và quốc tế.

Đồng thời, hỗ trợ đúng đối tượng, đúng địa chỉ, đúng mục tiêu và kịp thời theo mức độ khó khăn của doanh nghiệp; tuân thủ quy định của pháp luật và cam kết quốc tế. Phối hợp tốt với việc điều hành chính sách tiền tệ, từng bước hạ lãi suất cho vay và nâng cao khả năng hấp thụ vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp và cơ cấu lại sản xuất kinh doanh, cũng như quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, sắp xếp lại ngành hàng phù hợp với lợi thế cạnh tranh và phù hợp với quy hoạch phát triển ngành.

“Đặc biệt, phải đảm bảo khả năng cân đối ngân sách; ưu tiên lựa chọn những giải pháp có hiệu quả, có tác động lớn đến hỗ trợ vốn và thanh khoản cho doanh nghiệp nhưng không tác động nhiều đến cân đối ngân sách,” ông Thăng nhấn mạnh.

Với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ước ngân sách Nhà nước năm 2012 sẽ giảm thu so với dự toán khoảng 9.000 tỷ đồng (gồm giãn thuế giá trị gia tăng sang năm 2013 khoảng 4.100 tỷ đồng, thu nhập doanh nghiệp và thuế khoán 4.100 tỷ đồng, giảm tiền thuê đất 800 tỷ đồng). Số giảm thu này sẽ ảnh hưởng đến cân đối của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

Đồng thời, việc giãn thuế giá trị gia tăng, gia hạn nợ thuế thu nhập doanh nghiệp, tuy không ảnh hưởng đến cân đối ngân sách Nhà nước cả năm nhưng sẽ ảnh hưởng đến cân đối ở từng thời điểm. Vì vậy, trong thời gian tới, ngành Tài chính tiếp tục chủ động thực hiện các giải pháp điều hành ngân sách Nhà nước; tăng cường công tác quản lý về thuế và hải quan; ngăn chặn tình trạng chuyển giá, trốn, lậu thuế...

Hơn nữa, khi các doanh nghiệp được tháo gỡ khó khăn, khơi thông thị trường, giảm chi phí đầu vào của sản xuất thì có điều kiện tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh, qua đó tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước./.

Thùy Dương

vietnam+

Các tin tức khác

>   DN tự cứu mình: Giảm lợi nhuận, giải phóng hàng tồn kho (06/05/2012)

>   Giải cứu DN: Xây dựng gói hỗ trợ từng nhóm đặc thù (06/05/2012)

>   Khi Beeline bỏ “cuộc chơi”... (06/05/2012)

>   Nợ của EVN, trả bằng cách nào? (06/05/2012)

>   Nỗi lo nguồn thu: Khi các "đầu tàu" đều tụt dốc (06/05/2012)

>   Giải cơn khát vốn cho doanh nghiệp: Cần nhưng chưa đủ (06/05/2012)

>   Xử lý nợ Vinashin: Vẫn đang “tiếp tục đàm phán” (05/05/2012)

>   Vinalines “tậu” nhiều tàu cũ (05/05/2012)

>   Nhập siêu thấp kỷ lục, doanh nghiệp khó khăn (04/05/2012)

>   Chính phủ công bố gói 29.000 tỷ ‘cứu’ doanh nghiệp (04/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật