Hỗ trợ, chứ không phải cứu
Những tín hiệu từ chuyện hạ lãi suất ngân hàng cho đến các gói hỗ trợ, giải cứu giới doanh nghiệp đang được trông chờ hơn bao giờ hết trong tình thế các khó khăn đang bủa vây nền kinh tế. TBKTSG có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, về chủ đề này.
TBKTSG: Từ thắt chặt tiền tệ chuyển sang cắt giảm lãi suất nhanh và nới lỏng tín dụng bất động sản, Ngân hàng Nhà nước đã gây ngạc nhiên lớn với các biện pháp cứu vãn nền kinh tế. Ông đánh giá các quyết định này như thế nào?
- Ông Võ Trí Thành: Dù đã cải thiện được khá nhiều chỉ số quan trọng như lạm phát giảm dần, cán cân thanh toán quốc tế tốt hơn, dự trữ ngoại tệ tăng, thâm hụt thương mại giảm, nhưng theo tôi, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là mục tiêu thiết yếu. Rủi ro vẫn chực chờ đó khi mà lòng tin vẫn chưa vững chắc. Nhưng so với năm trước thì chính sách đã nới lỏng và linh hoạt hơn rất nhiều. Lý do là khó khăn của doanh nghiệp hiện nay không chỉ là tăng trưởng mà nó đã trở thành vấn đề xã hội, và nếu không khéo thì có thể làm mất ổn định vĩ mô. Vì thế hiện nay vẫn phải tiếp tục một chính sách chặt chẽ nhưng linh hoạt và nới lỏng so với năm trước để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tôi thì không dùng từ “cứu” doanh nghiệp, mà là “hỗ trợ”.
TBKTSG: Vậy thì cần hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào, thưa ông?
- Thứ nhất là hỗ trợ sản xuất kinh doanh mà trước hết là phải hạ lãi suất. Nhưng lãi suất chỉ là chuyện nhỏ. Chuyện lớn nhất hiện nay là làm thế nào doanh nghiệp tiếp cận được nguồn tín dụng. Thứ hai là miễn giảm thuế, cả thuế thu nhập doanh nghiệp lẫn thuế giá trị gia tăng. Một điều nữa là cố gắng để doanh nghiệp tiếp cận ngân hàng và cho họ tiếp cận vốn ODA, rồi trái phiếu chính phủ. Chúng tôi cũng đang đề nghị Chính phủ cho phép thực hiện những dự án kết cấu hạ tầng có thể kéo dài, không hoàn thành trong năm 2012 này, nhưng có sức lan tỏa đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phía bên cầu, điều cần thiết là đẩy mạnh xúc tiến thương mại ở nước ngoài lẫn tạo cầu trong nước.
TBKTSG: Doanh nghiệp vẫn than là họ không thể tiếp cận được nguồn tín dụng, phải chăng là ngân hàng thiếu tiền?
- Tiền thì không thiếu, nhưng điều đáng nói là vòng quay dòng tiền rất chậm. Muốn đẩy nhanh vòng quay này, không gì khác hơn là phải vực dậy lòng tin. Thời điểm quyết liệt nhất, tôi nghĩ, là vào tháng 4 và tháng 5 này, khi mà việc xử lý chín ngân hàng yếu kém đã xong, cùng với đó là hạ lãi suất thêm nữa, thì kinh tế mới khởi sắc lên được.
Đối với khối sản xuất kinh doanh thì cùng với việc giảm lãi suất, cần phải làm cho việc tiếp cận tín dụng tốt hơn. Sau đó, có thể có những cách hỗ trợ từ ngân sách nhằm để tạo cầu. Một điều rất quan trọng là phải xử lý các khoản nợ xấu, trong đó nợ xấu nhất liên quan đến bất động sản cùng với nhóm ngân hàng yếu kém. Bên cạnh đấy là những cách thức như khoanh nợ, hay cơ cấu lại nợ nhằm để tạo những điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp bất động sản tiếp cận được tín dụng.
Hiện nay, đang có nhiều quan điểm xung quanh việc giữ hay bỏ trần lãi suất huy động. Một số nhóm doanh nghiệp đang vận động đề nghị chưa bỏ trần lãi suất vội. Thay vào đó, họ đề nghị chặn trần cho vay khoảng 15%, đối với nhóm sản xuất kinh doanh, từ tháng 5, và việc này kéo dài khoảng sáu tháng. Họ lập luận rằng khi thực hiện việc này, thì khoảng thời gian nửa năm là đủ để cho họ hồi phục chút ít, và sau đó, khi thả nổi lãi suất, thì họ vẫn có thể cầm cự được.
TBKTSG: Nhưng có những ý kiến cho rằng nhà nước không cần thiết phải can thiệp bằng các giải pháp tài chính, vì như vậy sẽ không giúp thị trường bất động sản tự lớn mạnh?
- Tôi nghĩ rằng can thiệp ở đây là tạo ra cơ chế nhằm làm tan băng bất động sản đi. Vì thế, ngoài việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp bất động sản qua cơn khốn khó, điều này còn có ý nghĩa lan tỏa trong các doanh nghiệp khác, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành xây dựng. Điều quan trọng là, có như vậy thì việc xử lý, tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng mới thuận lợi hơn được. Và những điều đó cũng liên quan đến vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô. Thực chất, nếu không hỗ trợ ngành bất động sản, không xử lý được các khoản nợ xấu này, hệ thống ngân hàng cũng sẽ khó tồn tại.
Phi Tuấn
tbktsg
|