Kích tiêu dùng là cứu doanh nghiệp
Để giúp doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn lúc này, hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng, điều quan trọng nhất là phải đạt được mục tiêu kích thích sức mua tăng lên. Bởi lẽ có hạ thấp lãi suất, giảm, giãn thuế, cho trả chậm tiền thuê đất đai nhà xưởng… thì cũng không đạt được hiệu quả nếu thị trường không có tiêu thụ.
Doanh nghiệp cần đầu ra
Chỉ trong bốn tháng đầu năm 2012, giá thịt heo, thuỷ hải sản, gia cầm đã rớt đến gần 50%, vì sức mua đã giảm 15 – 20% so với cùng kỳ (theo số liệu từ các doanh nghiệp). Dẫn đến người chăn nuôi phải chấp nhận bán giá thấp hơn giá thành 5.000 – 6.000 đồng/kg thịt heo, 500 đồng/trứng.
Bươn chải trong nghề kinh doanh thực phẩm hơn 20 năm, ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc công ty Vissan lần đầu tiên chứng kiến thị trường rơi vào suy thoái mạnh đến vậy. Rủi ro tồn kho trong kinh doanh thực phẩm, thường rất thấp so với các ngành khác bởi trong hoàn cảnh khó khăn, thì người tiêu dùng cũng không thể bỏ ăn. Thực tế hiện nay thì người tiêu dùng đang phải bỏ cả bữa ăn, chỉ dám mua những loại trung bình, giá rẻ. “Tôi nghĩ rằng ngành thực phẩm mà đã như vậy thì các ngành khác còn khốn đốn hơn”, ông Mười nói.
Ông Đàm Văn Hoạt, tổng giám đốc công ty TNHH SX-TM Trại Việt (Vietfarm) cho biết chưa có năm nào mà tiêu thụ trứng gia cầm giảm sút nặng nề như năm nay. Nguyên nhân chủ yếu do đối tượng sử dụng nhiều nhất là công nhân, họ lại đang mất việc hàng loạt nên tiêu thụ trứng ở các bếp ăn công nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp và kênh mua lẻ của người thu nhập thấp giảm. Tình trạng này khiến cho trứng gà tồn đọng trong các trại, công ty chăn nuôi rất lớn.
Ông Văn Đức Mười cho rằng Nhà nước phải đưa ra gói giải cứu hướng đến kích thích thị trường để cho sức mua tăng lên và vấn đề ở đây là người dân không có tiền mua hàng, và Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ hàng tồn kho. “Song song với gói giải cứu miễn, giãn thuế, tôi nghĩ biện pháp cho khoanh nợ, đảo nợ rồi cho vay các khoản mới lãi suất thấp sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, giảm giá thành hàng hoá, kích thích người tiêu dùng mua nhiều hơn”, ông Mười phân tích.
Ông Nguyễn Thành Nhân, phó tổng giám đốc Saigon Co.op cho rằng: “Điều quan trọng nhất là hàng hoá làm ra phải có người tiêu thụ. Chỉ cần sức mua tăng trở lại, vòng quay vốn nhanh, hạch toán kinh doanh có lãi, thì doanh nghiệp sẽ mạnh dạn bung ra làm ăn…”
Kích thích trực tiếp tiêu dùng
Ông Cao Tiến Vị, chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Giấy Sài Gòn, cho rằng: “Việc giải thoát cần thiết nhất ở đây vẫn là các chính sách tác động đến tâm lý và lòng tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, niềm tin chung của xã hội, mới là phương hướng thoát hiểm thực tế nhất”. Theo ông, nếu gói giải cứu doanh nghiệp thành hiện thực, thì cũng nên rút kinh nghiệm của năm 2009 trên tinh thần hỗ trợ thực sự chứ không phải cào bằng hay phân biệt lớn – bé, Nhà nước – tư nhân, sản xuất hay dịch vụ thương mại. Sự hỗ trợ đó đã không giúp duy trì ổn định dài hạn cho doanh nghiệp hay nền kinh tế vì đã tập trung vào các “ông lớn”, thậm chí sự lãng phí đã được trả lời qua thực tế thị trường. Cần có sự điều tiết hợp lý, kiểm soát thực tế và các đánh giá cụ thể, cân nhắc sức chịu đựng của doanh nghiệp, như doanh nghiệp lớn cần hỗ trợ cho đầu tư trung và dài hạn, khối doanh nghiệp sản xuất cần duy trì nhịp độ trong khó khăn.
Ông Lê Văn Chính, cố vấn công ty Soncamedia (chuyên sản xuất các thiết bị nghe nhìn) cho rằng, trong thực tế hiện nay, để kích thích sức mua, giá cả nhiều mặt hàng phải thấp. “Một trong những yếu tố để có giá thành hàng hoá giảm, tôi nghĩ Nhà nước nên giảm 100% hoặc ít nhất là 50% mức thuế VAT với một số mặt hàng thiết yếu trong thời gian từ sáu tháng cho đến một năm”, ông Chính đề xuất.
Vì khó khăn nguồn vốn, kể cả nguồn vốn của doanh nghiệp lẫn nguồn vốn từ các mối liên kết, trong vài năm trở lại đây, các nhà bán lẻ ít triển khai các chương trình bán hàng với chính sách hỗ trợ tín dụng cho người tiêu dùng. Vì thế theo ông Đặng Thanh Phong (Tân Bình, TP.HCM) ngân hàng nên mở lại chủ trương cho vay tiêu dùng với nhiều tiêu chí thoáng hơn: không đòi hỏi ngặt nghèo về hộ khẩu hoặc là chứng minh khả năng thu nhập cao mới được tham gia chương trình. Ông Phong nói rằng: nhiều khi nhu cầu cần đi mua sắm nhưng vì không có nguồn vay nên chấp nhận tiết kiệm, hoặc là xài hàng cũ hoặc là không mua sắm.
Ông Nguyễn Hưng, giám đốc ngành hàng của một siêu thị ở quận 3 cho rằng, từ nay đến cuối năm, Nhà nước cần có chủ trương giảm thuế thu nhập cho nhóm người lao động có khả năng chịu thuế thu nhập. “Đây chỉ là giải pháp tạm thời. Hiện nay, nhóm người có thuế thu nhập cá nhân chính là nhóm người có khả năng mua hàng hoá nhiều nhất. Khi họ bị trừ thuế thu nhập và nhiều khoản thuế khác, họ sẽ tiết kiệm, không mua sắm. Không có người mua, không thể có thị trường”, ông Hưng phân tích.
Bích Thuỷ – Hoàng Bảy – Minh Phúc – Tuyết Ân
sài gòn tiếp thị
|