DN chết không dám "bố cáo" vì sợ ngân hàng xiết nợ
"Cứ với đà này thì DN chúng tôi không thể chịu đựng thêm được nữa”, "Đáng buồn là nhiều DN đã “chết” cũng không dám công bố danh tính vì sợ ngân hàng phát mãi tài sản”. Là lời than từ các Hiệp hội DN trong bối cảnh hiện nay.
DN "chết", nhưng không dám công bố
Báo cáo của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại kỳ họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 cho thấy, tỷ lệ DN tạm ngừng sản xuất và giải thể trong năm 2011 và quý I/2012 chiếm 8,4% (trong đó ngừng sản xuất chiếm 4,3% và giải thể là 4,1%). Có một điều đáng lưu ý là trong khi tỷ lệ DN ngoài quốc doanh trong nước ngừng hoạt động hoặc giải thể chiếm tới trên 9,2%, thì khu vực FDI chỉ có gần 2,6%.
Cụ thể hơn, nêu lên thực trạng sức khỏe của DN vừa và nhỏ tại buổi tọa đàm “Đánh giá thực trạng hoạt động và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN”, ông Nguyễn Hữu Cát – Đại diện Hiệp hội DN vừa và nhỏ cho biết, trong số hơn 600.000 DN nhỏ và vừa hiện nay chỉ có 36% DN hoạt động bình thường, 39% DN khó khăn và có tới 1/4 số DN đã phá sản, giải thể.
Là ngành hàng có số lượng hàng tồn kho lớn nhất hiện nay, ông Đỗ Đức Oanh, Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam nêu thực trạng, hiện tại gần 100 DN của ngành xi măng đang rơi vào tình cảnh sản xuất cầm chừng, thậm chí đã có DN phải đóng cửa, dừng sản xuất do không có tiền chi trả chi phí sản xuất (nhân công, tiền điện, than…). Đơn cử, Công ty xi măng Hạ Long (Tập đoàn Sông Đà) sau 2 năm đi vào hoạt động đang lỗ khoảng 982 tỷ đồng, sản xuất cầm chừng từ đầu năm tới nay; còn Công ty xi măng Đồng Bành thì hiện đã tạm ngừng sản xuất và đang “ôm” số lỗ khoảng 149 tỷ đồng sau 9 tháng đi vào hoạt động…
Bức tranh của “đại gia” trong ngành xi măng là Tổng công ty Xi măng (Vicem) cũng chẳng sáng sủa gì hơn. Ông Lê Văn Chung – Chủ tịch Hội đồng thành viên Vicem lo ngại, nếu năm 2008 DN đón nhận khủng hoảng với một tinh thần “hừng hực” vì được giảm thuế cùng cơ chế kích cầu lãi suất của Nhà nước, thì nay ngược lại.
“Nói là lãi suất giảm, nhưng thực tế chúng tôi đi vay vẫn phải chịu mức lãi vay 18%/năm. Cộng với chi phí đầu vào tăng cao, thị trường đầu ra cả trong nước và nước ngoài đều “tắc”, hàng tồn kho lớn… Cứ với đà này thì DN chúng tôi không thể chịu đựng thêm được nữa” – ông Chung nói và cho hay, hiện có những công ty thành viên đang “xin” về tổng công ty nhưng ông không dám nhận, vì “nhận về là hết hơi cả lượt”.
Đáng buồn hơn, là có những DN đã “chết” nhưng không dám công bố phá sản, giải thể vì những lý do bất khả kháng. “Trong Hiệp hội Thép ước tính có 10% DN mấp mé cái chết nhưng không dám công bố vì sợ ngân hàng sẽ siết tài sản. Ông Phạm Chí Cường – Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam nêu lên bức tranh “thực” của ngành thép trong bối cảnh khó khăn hiện tại.
"Còn trên thực tế, có những DN không còn sản xuất, không còn cả tiền duy trì bảo vệ bỏ mặc cho kẻ gian vào phá. Còn chuyện ngừng sản xuất 1 - 3 tháng, giảm sản xuất từ 3 cả xuống 2 hay 1 ca là chuyện quá bình thường”- ông Phạm Chí Cường – nói.
Hạ lãi suất, miễn, giãn thuế... vẫn chưa đủ "liều"
Nhìn nhận những biện pháp và nỗ lực từ phía cơ quan quản lý thời gian qua như giảm lãi suất, miễn, giản thuế… cho DN là tích cực, song ông Phạm Chí Cường cho rằng, “liều thuốc này chưa đủ mạnh” để cứu các DN vượt qua cơn “bĩ cực” lúc này. Còn nếu chỉ giảm, giãn thuế thôi thì vô ích, vì như thế chỉ có lợi cho những DN đang còn “sống”, còn đối với những DN đã “chết” thì “còn gì nữa đâu mà đóng thuế”.
“Khó khăn lớn nhất của DN hiện nay là đầu ra và hàng tồn kho lớn. Vì thế, việc giảm thuế VAT xuống 5% cho DN là rất cần thiết bởi nó sẽ ảnh hưởng ngay vào cơ cấu giá thành để sản phẩm có khả năng cạnh tranh, giảm giá bán nhằm tăng lượng tiêu thụ trong bối cảnh hàng tồn kho nhiều như hiện nay” – ông Cường lên tiếng.
Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Minh lại kiến nghị, các ngân hàng cần có chính sách hỗ trợ cho người tiêu dùng để kích cầu, giúp giải bài toán đầu ra cho DN.
Chia sẻ với các DN, ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch HĐQT NH Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) cho hay, ngay khi có chủ trương của NHNN nhà băng này đã hạ ngay lãi vay đối với một số lĩnh vực ưu tiên xuống 13,5%/năm, bất động sản xuống 16%/năm.
Tuy nhiên, trước những khó khăn đang “bủa vây” DN, ông Hà cũng cho rằng, cần có gói giải pháp “tổng lực” hơn. Cụ thể, Chính phủ cần tiếp tục tiếp tục giảm lãi suất tín dụng, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, tháo gỡ khó khăn cho DN... Trong đó, cần có những gói cứu trợ cho từng nhóm hàng cụ thể, đặc biệt là những ngành hàng có ảnh hưởng lớn tới xã hội, nền kinh tế.
“Nên miễn thuế TNDN hoặc giãn có thời gian dài hơn cho DN. Đặc biệt, nếu đưa thuế xuất khẩu về 0% đối với một số ngành hàng sẽ giải phóng được lượng hàng tồn kho lớn, giải phóng vốn chứ không để găm hàng, lãi chồng lãi” – ông Hà nói thêm.
Thu Hoài
infonet
|