Mong hoàn thuế nhanh hơn là giãn thuế
Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Lê Thanh Nga - Giám đốc tài chính Cty TNHH thức ăn chăn nuôi Ngọc Long (Bình Dương) cho rằng, gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng mà Chính phủ vừa đưa ra cũng không giúp được gì nhiều với một DN vốn nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu như công ty của bà Nga.
“Chúng tôi nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi nên cũng đóng rất nhiều thuế VAT. Vì vậy tiền mà Nhà nước nợ DN nhiều hơn là tiền chúng tôi nợ Nhà nước và chúng tôi chờ đợi việc được khấu trừ thuế VAT nhanh hơn là giãn nộp thuế”, Bà Nga nói.
Chưa kể, theo bà Nga, muốn được hưởng từ gói hỗ trợ này cũng phải có thời gian khá dài.
Vì rằng hiện hồ sơ quyết toán thuế (của năm trước) của Cty bà Nga đã hoàn tất và đã nộp cho cơ quan thuế, nhưng muốn được hoàn thuế thì phải đợi đến sang năm, tức còn khá lâu nữa trong khi khó khăn về tài chính của các DN thì luôn hiển hiện hằng ngày.
Còn đối với các DN làm hàng xuất khẩu, theo ông Đặng Quốc Hùng, Giám đốc Cty Thủ công mỹ nghệ Kim Bôi (TP Hồ Chí Minh) thì hoàn toàn không được chút lợi gì trong việc giảm thuế thu nhập DN và hoãn thuế giá trị gia tăng (VAT).
Ông Hùng lý giải, vì DN xuất khẩu phải đóng thuế ngay khi xuất hàng và chỉ chờ cơ quan thuế hoàn lại thuế VAT. Cho nên việc cho DN chậm nộp thuế như trong gói hỗ trợ không có tác dụng, ý nghĩa gì.
Theo ông Hùng, có hai vấn đề quan trọng Nhà nước nên giải quyết ngay để gỡ khó cho DN hơn là giãn thuế. Phải đơn giản hóa thủ tục khấu trừ thuế VAT cho DN.
“Hiện thủ tục khấu trừ thuế rất nhiêu khê, máy móc. Theo quy định DN phải xuất khẩu đủ theo giá trị đơn hàng mới được hoàn thuế. Song, có những lô hàng xuất đi nhưng vì lý do nào đó sản phẩm bị khách hàng ép giảm giá nên khi thu tiền về không đủ theo giá trị hợp đồng đã ký, khi đó DN không được hoàn thuế. Nhiều trường hợp khác, do khách hàng gặp khó khăn, DN không thu hồi được vốn nên cũng không được hoàn thuế. Cả hai trường hợp kể trên, DN vừa mất tiền hàng còn mất luôn tiền (hoàn thuế) thuế”, ông Hùng nói.
Mặt khác, theo ông Hùng, Nhà nước phải làm sao để giảm chi phí đầu vào để từ đó giảm giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh.
Ông Hùng cho biết, vừa rồi các DN cùng chung ngành hàng tiến hành thống kê chí phí đầu vào của DN tăng từ 15-20%, trong khi đầu ra tăng cao lắm không đến 5%.
Do giá thành cao quá nên khách không mua hàng và, vì thế DN thiếu thị trường, trong khi hàng ế. Theo ông Hùng, hiện thuế thu nhập cá nhân đang khiến cho chi phí của DN tăng lên.
Vì thế, cách để giúp cho DN giảm được chi phí đầu vào trong lúc này là cần miễn thuế thu thế thu nhập cá nhân cho người lao động.
Đại Dương
tiền phong
|