Thứ Ba, 08/05/2012 14:30

"Nếu để 29.000 tỷ rơi vào DN lớn sẽ như muối bỏ bể"

"Tôi rất sợ nếu 29.000 tỉ đưa ra nếu không phân loại, xem xét cẩn trọng thì có khi rơi vào một vài DN lớn thì sẽ ngốn gần hết số tiền đó, trong khi DN nhỏ và vừa cần cứu lại không thể đến được với họ".

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ quan điểm về 29.000 tỷ đồng giải cứu DN.

Bà đánh giá như thế nào về gói hỗ trợ 29.000 tỉ mà Chính phủ đưa ra để giải cứu các DN đang gặp khó khăn hiện nay?

- Tôi hoan nghênh Chính phủ đã nhìn thấy vấn đề đang gay gắt của DN hiện nay và đưa ra 5 nhóm giải pháp để hỗ trợ DN. Từ đầu năm đến giờ, chúng ta tập trung nhiều vào chuyện giảm lãi suất ngân hàng, nhưng thực tế mới giảm nhỏ giọt, hiệu quả chưa được bao nhiêu, trong khi tình hình DN “chết” càng ngày càng tăng lên. Hàng tồn kho của nhiều mặt hàng tăng, tiêu dùng giảm mạnh. Giải pháp đưa ra trong đó hướng vào việc tăng tiêu dùng như: đầu tư công trong một số lĩnh vực đã giãn giải ngân thì nay cho làm tiếp... góp phần kích tích tiêu dùng, có thể góp phần đỡ khó khăn cho DN.

Theo bà, 29.000 tỉ liệu có đủ để “giải cứu” các DN đang gặp khó khăn hiện nay?

Đổ 100.000 tỉ đồng vào đội tàu biển trong bối cảnh hiện nay là thiếu thực tế.

- Với số lượng DN rất lớn đang gặp khó khăn chồng chất hiện nay, thì 29.000 tỉ chẳng khác nào như muối bỏ bể. Vì số tiền đó không thấm gì so với nhu cầu thực tế, do đó phải sử dụng như thế nào cho đúng mục tiêu nhất. Phải định lượng, phân loại DN khó khăn như thế nào, ngành nào đáng hỗ trợ.

Ví dụ như hôm nay báo chí vừa thông tin Vinalines dự kiến đầu tư tới 100.000 tỉ để phát triển đội tàu biển. Một con tầu đang bấp bênh, dù chưa “chìm” như Vinashin mà hoạch định chương trình đầu tư lớn như thế thì rõ ràng là không “trúng” trong bối cảnh hiện nay. So sánh con tầu đang bấp bênh với hàng vạn DN đang khó khăn, chỉ định bố trí một khoản hỗ trợ tạm thời thì rất vênh nhau.

Tôi rất sợ nếu 29.000 tỉ đưa ra nếu không phân loại, xem xét cẩn trọng thì có khi rơi vào một vài DN lớn thì sẽ ngốn gần hết số tiền đó, trong khi DN nhỏ và vừa cần cứu lại không thể đến được với họ.

Trong phân loại, cũng cần phải nhìn nhận rõ trong điều kiện khó khăn của thị trường, có những DN thực sự yếu kém, không cạnh tranh nổi trên thị trường thì nên cho họ ra khỏi thị trường một cách êm ả. Những DN hoạt động tốt lâu nay rồi nhưng nay gặp khó khăn, những ngành của họ có triển vọng, có tương lai thì cần được hỗ trợ.

Theo bà những DN, ngành cụ thể nào nên được hỗ trợ?

- Hiện nay ngành hàng nông sản của VN đang chứng tỏ được khả năng, vị thế của mình trên thị trường thế giới. Các DN VN hoàn toàn có thể cung ứng được, nhưng lâu nay đối tượng này lại ít được quan tâm hỗ trợ trên thực tế.

Một số ngành hàng xuất khẩu (XK) mà các DN đã có thị trường, đã làm ăn tương đối tốt lâu nay. Bây giờ chỉ vì khó khăn này nên họ phải lùi lại, ví như đồ gỗ, thủy sản. Hiện nay tiếng kêu cứu của các DN XK thủy sản như cá ba sa rất lớn. Những cái đó nên quan tâm giúp đỡ họ, đừng để họ làm mất thị trường. Vì khi đã mất thị trường, thì cái giá để lấy lại vô cùng tốn kém sau này. Mất cơ hội XK không chỉ với DN mà của hàng vạn nông dân nuôi cá.

Nhiều ý kiến cho rằng, nhiều khi chủ trương thì rất hay nhưng vấn đề là ở cách làm. Bà có ý kiến gì về vấn đề này?

- Tôi cho rằng muốn gói giải pháp có hiệu quả thì chúng ta phải hết sức minh bạch về trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân lãnh đạo và minh bạch về tiêu chí. Muốn xây dựng tiêu chí tốt, minh bạch thì nhà nước cần phải làm việc chặt chẽ với các hội DN, lắng nghe ý kiến từ DN, của các ngành hàng cụ thể, ở một địa phương cụ thể, chứ không phải quy mô lớn ở trung ương.

Trách nhiệm của cơ quan quản lý cũng phải minh bạch, trách tình trạng đá bóng trách nhiệm cho nhau; giải quyết chậm chạp, không kịp thời, hoặc thậm chí có những móc ngoặc trong giải ngân. Và cuối cùng hậu quả đó không ai chịu trách nhiệm. Chúng ta phải rút kinh nghiệm về gói kích cầu vừa qua. Không thể tiếp tục gây nghi ngờ đối với các DN cũng như người dân về tính hiệu quả của những chính sách mà nhà nước đưa ra. Có thể chính sách thì rất hay, nhưng thực hiện quá nhiều vấn đề, mà lợi ích lại không đến được với người cần được hưởng.

Việc giãn thuế, giảm thuế như Bộ Tài chính đưa ra vừa qua liệu có cứu được các DN? Sau gói hỗ trợ này, Chính phủ cần phải có những giải pháp gì tiếp theo để đưa DN phát triển?

Việc giãn thuế VAT, thuế thu nhập DN… đồng nghĩa với việc nhà nước cho DN nợ lại thuế, sau khi họ phục hồi thì vẫn phải đóng thuế cao, trong khi điều kiện thị trường rất nhiều yếu tố chưa rõ, tương lai có tốt hay mù mờ. Thà bây giờ đang “chết” dở thì cho “chết” luôn còn hơn là tiếp tục hoạt động.

Sau gói giải pháp này, Chính phủ cần phải giảm thuế thu nhập DN xuống 20%, vì mức 25% hiện nay là quá cao. Trong tương lai thì còn có thể giảm hơn nữa.

Sở dĩ tôi cho rằng cần phải giảm thuế thu nhập DN vì hiện nay các nước Asean đang áp dụng thuế thu nhập chỉ 17%. Hơn nữa, mấy năm qua trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng thu ngân sách năm nào cũng vượt dự toán hàng 100 nghìn tỉ. Nhưng vượt bao nhiêu thì lại chi tiêu hết ngay, trong khi nhà nước đang chủ trương giảm đầu tư công. Một trong những biện pháp thiết thực là giảm thuế cho DN để họ có động lực, nguồn lực để đầu tư tiếp, cung cấp thêm các dịch vụ cho xã hội. Đây cũng là cách nuôi dưỡng nguồn thu.

Xin cảm ơn bà.

Minh Nhật (thực hiện)

infonet

Các tin tức khác

>   Mong hoàn thuế nhanh hơn là giãn thuế (08/05/2012)

>   “Gỡ” liền một số kiến nghị của DN thủy sản (08/05/2012)

>   Gói giải pháp 29.000 tỷ đồng: Tạo xung lực cho DN (08/05/2012)

>   Người nuôi cá tra bỏ nghề, bán ao để trả nợ (08/05/2012)

>   8,4% doanh nghiệp ngừng sản xuất, giải thể (07/05/2012)

>   Làm gì để tiếp cận vốn vay? (07/05/2012)

>   Nhiều doanh nghiệp “chết yểu” (07/05/2012)

>   Xuất khẩu dệt may "sống nhờ" doanh nghiệp FDI (07/05/2012)

>   DN chết không dám "bố cáo" vì sợ ngân hàng xiết nợ (07/05/2012)

>   Hỗ trợ, chứ không phải cứu (07/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật