Thứ Năm, 10/05/2012 09:47

Nhà đầu tư Việt Nam khó mua cổ phiếu ở TTCK ngoại

Dù nhận thấy sự hấp dẫn của TTCK các nước xung quanh, nhưng NĐT Việt Nam vẫn khó khăn trong việc tham gia do hoạt động này vẫn đang chờ hướng dẫn từ cơ quan quản lý.

LTS: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nhu cầu đầu tư ra nước ngoài của NĐT cá nhân và pháp nhân Việt Nam ngày càng tăng. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của người Việt Nam mới có quy định pháp lý về quản lý đầu tư trực tiếp, các hoạt động đầu tư gián tiếp như mua cổ phần, chứng khoán tại TTCK nước ngoài vẫn đang chờ hướng dẫn từ cơ quan quản lý. Dưới đây là bài viết của ông Vũ Văn Chung, Trưởng phòng Đầu tư ra nước ngoài, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kinh nghiệm quản lý dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản và Hàn Quốc và khả năng vận dụng vào Việt Nam. Sau bài viết này, ĐTCK sẽ có bài về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của Việt Nam, vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận, nhất là khi hai nước láng giềng là Lào và Campuchia đã mở cửa TTCK.

Bài 1: Quản lý vốn đầu tư ra nước ngoài, kinh nghiệm Nhật Bản

Giai đoạn 1973 - 1979, Nhật Bản chuyển từ chính sách tỷ giá cố định sang tỷ giá linh hoạt và bắt đầu tự do hóa hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Theo đó, Nhật Bản bãi bỏ hoàn toàn chế độ cấp phép cũng như hạn mức chuyển vốn ra nước ngoài để thực hiện các dự án đầu tư thuộc hầu hết lĩnh vực.

Giai đoạn từ năm 1980 đến nay, với chính sách tự do hoá đầu tư ra nước ngoài và thả nổi hoàn toàn đồng Yên, đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản bắt đầu có những bước tăng trưởng cao.

Cùng với TTCK Lào, TTCK Campuchia vừa mở cũng đang thu hút sự quan tâm của các NĐT Việt Nam

Quản lý nhà nước

- Giai đoạn trước năm 1973, Nhật Bản áp dụng chính sách cấp phép đầu tư ra nước ngoài. Thẩm quyền quyết định cuối cùng thuộc Bộ Tài chính.

Ngoài ra, để kiểm soát dòng vốn đầu tư ra nước ngoài, NHTW Nhật Bản áp dụng chính sách cấp hạn mức (quota) chuyển tiền cho các dự án đầu tư ra nước ngoài, trong đó riêng đối với các hoạt động đầu tư ra nước ngoài để tìm kiếm nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu hàng hóa thì được ưu tiên và quota chuyển tiền ra nước ngoài đối với hai lĩnh vực này được xem xét ở hạn mức cao hơn.

Liên quan đến chính sách phát triển ngành công nghiệp trong nước, Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại (METI) giữ vai trò hỗ trợ phát triển ngành. Do vậy, khi DN đầu tư ra nước ngoài, METI có nhiệm vụ kiểm tra, đối chiếu, đánh giá tác động của các dự án này. Trong trường hợp dự án đầu tư ra nước ngoài có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của ngành công nghiệp nội địa (ví dụ có nguy cơ bị mất công nghệ nguồn) thì dự án sẽ khó được thông qua, METI sẽ có ý kiến gửi đến Bộ Tài chính để xem xét, quyết định.

Đối với các dự án đầu tư ra nước ngoài có sử dụng vốn nhà nước, thì việc cấp phép đầu tư được xem xét, đánh giá cẩn trọng hơn. Ngoài ra, dự án khi thực hiện chịu sự giám sát chặt chẽ của Bộ Tài chính và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).

Trước năm 1973, các quy định về đầu tư ra nước ngoài được quy định trong Luật Thương mại và ngoại hối.

- Giai đoạn sau năm 1973, đặc biệt là từ sau năm 1980, Nhật Bản bãi bỏ hoàn toàn chế độ cấp phép đầu tư ra nước ngoài và chế độ hạn ngạch chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài. Theo đó, thay vì cấp phép đầu tư, Nhật Bản chuyển sang chế độ thông báo đầu tư, ngoại trừ 5 lĩnh vực khi đầu tư ra nước ngoài cần phải được Bộ Tài chính cho phép gồm: nghề cá; thuộc da; buôn bán vũ khí; công nghiệp sản xuất vũ khí; kinh doanh, sản xuất các chất gây nghiện.

Hiện tại, các nhà đầu tư Nhật Bản được quyền tự do đầu tư ra nước ngoài, tự do chuyển tiền ra nước ngoài thực hiện dự án và thực hiện chế độ thông báo đầu tư về NHTW Nhật Bản để tổng hợp, theo dõi và thống kê về tình hình đầu tư ra nước ngoài.

Việc chuyển lợi nhuận về nước do nhà đầu tư tự quyết định, Chính phủ Nhật Bản không có quy định riêng về thuế, cũng như về việc chuyển lợi nhuận về nước. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản có thể sử dụng chính sách tiền tệ (đồng tiền yếu) hoặc áp dụng chính sách miễn giảm thuế vào những thời điểm cần thiết để khuyến khích các DN chuyển tiền về nước.

Các biện pháp hỗ trợ đầu tư ra nước ngoài

- Thứ nhất, cung cấp thông tin về thị trường thông qua hoạt động của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO). Hiện tại, JETRO hỗ trợ các DN thông qua việc cung cấp thông tin về thị trường đầu tư; tổ chức các cuộc hội thảo, tham quan, khảo sát tìm kiếm cơ hội đầu tư. Đặc biệt, hàng năm, JETRO có các hoạt động điều tra chi phí đầu tư và các chi phí dịch vụ tại hàng trăm thành phố trên toàn thế giới thuộc 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. So sánh chi phí đầu tư tại các thành phố này giúp DN có cái nhìn rõ nhất về cơ hội đầu tư tại các thị trường.

- Thứ hai, có chính sách hỗ trợ thông qua việc cung cấp các khoản vay để đầu tư ra nước ngoài cho các dự án có tiềm năng sinh lợi lớn. Cụ thể, đối với các dự án đầu tư ra nước ngoài quan trọng, thông thường Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) sẽ xem xét cho vay từ 40 - 60% vốn đầu tư, phần còn lại do các ngân hàng thương mại khác đảm nhận. Đối với đầu tư tìm kiếm nguồn nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu sản xuất trong nước, Chính phủ hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện dự án đầu tư.

- Thứ ba, hỗ trợ trong việc đầu tư phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực (ODA) cho nước tiếp nhận đầu tư để thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài.

- Thứ tư, tăng cường các hoạt động hợp tác song phương, đối thoại với chính phủ nước sở tại để các DN Nhật Bản có điều kiện tiếp cận và đầu tư thuận lợi.

- Thứ năm, tạo hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi các DN đầu tư ra nước ngoài thông qua việc ký kết các hiệp định song phương về đầu tư, thương mại; tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động kinh tế, đầu tư và đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư tại nước ngoài.

(Bài 2: Quản lý vốn đầu tư ra nước ngoài, kinh nghiệm Hàn Quốc)

Vũ Văn Chung

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Cảm giác mạnh với cổ phiếu khoáng sản (10/05/2012)

>   10/05: Bản tin 20 giờ qua (10/05/2012)

>   Săn cổ phiếu siêu rẻ, coi chừng… “nóng bỏng tay” (09/05/2012)

>   THV: Lỗ 210 tỷ đồng, cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo (09/05/2012)

>   VES được giao dịch 15 phút dưới dạng bị kiểm soát (09/05/2012)

>   NSN: Cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo (09/05/2012)

>   CK Thăng Long loại HBB ra khỏi danh mục margin (09/05/2012)

>   Băn khoăn T+3 (09/05/2012)

>   PLC tăng trần do cổ phiếu hấp dẫn? (09/05/2012)

>   Khả năng phá vỡ hoàn toàn đỉnh cũ là rất lớn nếu thanh khoản duy trì mức tốt (09/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật