Thứ Tư, 09/05/2012 14:44

Băn khoăn T+3

Thông tin về khả năng rút ngắn thời gian thanh toán từ T+4 xuống trước 9h sáng ngày T+3 trong quý II/2012 đã được đại diện của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) xác nhận. Tuy nhiên, nói thì dễ, nhưng việc triển khai liệu có thuận lợi?

* UBCK: Từ 04/09 áp dụng thanh toán về 9h ngày T+3

Hiện nay, để mua cổ phiếu niêm yết, nhà đầu tư phải có 100% tiền ký quỹ trong tài khoản. Nếu khớp lệnh, tiền sẽ được phong tỏa và “cắt” chuyển khỏi tài khoản của nhà đầu tư ngay trong ngày. Nhưng phải đến 4h chiều ngày thứ ba sau ngày mua (T+3), cổ phiếu mới về đến tài khoản và đến sáng ngày thứ tư (T+4), nhà đầu tư mới có thể bán số cổ phiếu đã mua.

Điều đáng nói là quy trình thanh toán T+4 này vẫn được duy trì kể từ phiên giao dịch đầu tiên năm 2000. Thời gian đầu, có thể do điều kiện công nghệ, kỹ thuật hạn chế nên nhà đầu tư chấp nhận. Nhưng cho đến nay, sau hơn 10 năm hoạt động, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, quy trình T+4 vẫn không có gì thay đổi.

Với quy trình này, dù nhà đầu tư có muốn bán để cắt lỗ 5% (biên độ giao dịch ±5%/ngày đối với sàn TP.HCM) thì mức lỗ đã có thể lên tới 15-20%. Điều này đã gây nên rủi ro và tổn thất lớn cho nhà đầu tư, đồng thời là rào cản ngăn những đợt tạo sóng trên thị trường. Trong khi đó, ở nhiều nước trên thế giới, sau khi mua cổ phiếu, nhà đầu tư có thể bán ngay sau đó nếu muốn.

Tiến sĩ Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường (thuộc SSC), cho biết SSC đã có văn bản trình Bộ Tài chính để có thể triển khai các giải pháp hoàn thiện hệ thống thanh toán bù trừ, lưu ký chứng khoán. Theo đó, sẽ rút ngắn chu kỳ thanh toán T+4 từ 4h chiều ngày T+3 lên trước 9h sáng ngày T+3 (nếu chu kỳ thanh toán được rút ngắn thì từ sau 9h sáng ngày T+3 trở đi, nhà đầu tư đã được bán chứng khoán trong tài khoản). Điều này đòi hỏi tất cả các công ty chứng khoán cam kết hoàn tất chuyển tiền cho Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) trước 4h chiều ngày T+2 và ngân hàng lưu ký đảm bảo vận hành thông suốt. Được vậy, cơ quan quản lý sẽ chấp thuận việc rút ngắn xuống T+3.

Việc thời gian giao dịch kéo dài sang cả buổi chiều như hiện nay chính là điều kiện thuận lợi cho các công ty chứng khoán tăng vòng quay tài sản, nhà đầu tư tăng lợi nhuận, giảm rủi ro, cải thiện tình hình giao dịch trên thị trường. Đặc biệt, ngoài việc có cơ hội thu thêm phí giao dịch, công ty chứng khoán còn có thể quản trị rủi ro tốt hơn, nhất là đối với các giao dịch ký quỹ.

Hiện nay, SSC và VSD đang kiến nghị Bộ Tài chính sớm cho phép rút ngắn thời gian thanh toán tiền về tài khoản từ T+3 xuống T+2. Theo đó, các công ty chứng khoán thành viên sẽ chuyển tiền cho VSD trước 4h chiều ngày T+2. Tuy nhiên, một số người lo ngại việc rút ngắn thời gian thanh toán trước 4h chiều ngày T+2 sẽ khiến nhiều công ty chứng khoán khó đảm bảo được tiền mặt, nhất là trong bối cảnh không ít đơn vị đang có vấn đề về sức khỏe (khoảng 70% công ty chứng khoán thua lỗ trong năm 2011).

Mối băn khoăn lớn nhất là với hệ thống giao dịch vẫn chưa đồng bộ, liệu các công ty chứng khoán đã đáp ứng được về mặt công nghệ như VSD yêu cầu. Hơn nữa, khi chuyện thiếu hụt chứng khoán hoặc thiếu tiền dẫn đến việc hủy giao dịch vẫn thường xảy ra như hiện nay thì việc áp dụng giải pháp rút ngắn thời gian thanh toán đối với các công ty chứng khoán thành viên liệu có khả thi?

Những điều nói trên sẽ làm cho thị trường không minh bạch, thậm chí dẫn đến việc làm giá chứng khoán. Chẳng hạn, có những “đội lái” cố tình đặt lệnh mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng rất lớn nhưng sau đó do họ thiếu tiền hoặc chứng khoán nên giao dịch bị hủy. Trong khi đó, kết quả giao dịch lại được đưa vào tính chỉ số của thị trường. Vì vậy, nếu cơ quan quản lý xử lý không khéo vấn đề này thì có thể tạo hiệu ứng ngược đến thị trường chứng khoán.

Theo bà Phương Hoàng Lan Hương, Tổng Giám đốc VSD, chưa thể thực hiện T+2 lúc này, vì thiếu 2 yếu tố cơ bản. Thứ nhất là sức khỏe tài chính của các thành viên chưa ổn định. Trên thực tế, với quy trình thanh toán T+4, VSD đã nhiều lần phải hỗ trợ công ty chứng khoán để đảm bảo thanh khoản cho toàn hệ thống. Thứ hai là thiếu cơ chế quản lý rủi ro thanh toán khi thành viên thiếu tiền, thiếu chứng khoán.

Tuy nhiên, bà cho biết khả năng T+3 là có thể thực hiện được với điều kiện các công ty chứng khoán phải hoàn tất việc thanh toán tiền mua trước 4h chiều ngày T+2. Dù vậy, điều này cũng không dễ thực hiện. Bởi lẽ, đã có một số công ty chứng khoán bị VSD cảnh báo do thiếu khả năng thanh toán, thậm chí bị xử phạt vi phạm hành chính. Vì thế, để vận hành hệ thống thanh toán mới, đòi hỏi sự thận trọng và các giải pháp rõ ràng để đảm bảo khả năng thanh toán thông suốt toàn hệ thống.

Còn có một băn khoăn khác là liệu các ngân hàng lưu ký (đang quản lý tiền của nhà đầu tư nước ngoài) có ủng hộ và chuẩn bị cho T+3 hay không, khi từng có khách hàng nước ngoài lo ngại về vấn đề chênh lệch múi giờ, nên sẽ khó thanh toán sớm hơn 1 ngày so với hiện tại. Chưa kể việc rút ngắn thời gian giao dịch sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của ngân hàng lưu ký khi mất nguồn thu từ khoản cho vay qua đêm.

Mai Khánh

nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   PLC tăng trần do cổ phiếu hấp dẫn? (09/05/2012)

>   Khả năng phá vỡ hoàn toàn đỉnh cũ là rất lớn nếu thanh khoản duy trì mức tốt (09/05/2012)

>   Không hoàn trả tiền vay đúng hạn, TAS bị đình chỉ 1 tháng hoạt động lưu ký (09/05/2012)

>   Cẩn trọng với cổ phiếu tăng bất thường (08/05/2012)

>   CMX bị đưa vào diện cảnh báo từ 10/05 (08/05/2012)

>   09/05: Bản tin 20 giờ qua (09/05/2012)

>   Thêm 3 công ty bị phạt do vi phạm CBTT (08/05/2012)

>   NĐT ngoại sẽ dễ dàng đổ tiền vào chứng khoán Việt Nam (08/05/2012)

>   Chứng khoán hứng khởi với tin cứu doanh nghiệp (08/05/2012)

>   Trần lãi suất: Chứng khoán, BĐS hưởng lợi gì? (08/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật