Cẩn trọng với cổ phiếu tăng bất thường
Nhiều nhà đầu tư hoa mắt với cách đánh của các đại gia chuyên làm giá cổ phiếu, vì vậy theo các chuyên gia, nhà đầu tư nên tránh xa các cổ phiếu tăng giá bất thường.
Trong 2 tháng trở lại đây, có hiện tượng giá một số cổ phiếu (CP) niêm yết không chỉ tăng mạnh mà còn có những phiên giao dịch bất thường, trong khi nội bộ công ty cùng thời điểm xảy ra nhiều vấn đề tranh cãi gay gắt. Sự việc này khiến nhiều người hoài nghi về sự minh bạch của thị trường.
Kinh doanh èo uột, cổ phiếu vẫn tăng
Nếu quan sát, nhà đầu tư có thể thấy rằng từ ngày 28-3 đến 3-4, CP của Công ty Cổ phần Cáp Sài Gòn (CSG) đã có 4 phiên tăng trần liên tiếp từ 7.000 đồng/CP lên 8.200 đồng/CP, do thông tin công ty dự tính sẽ giải thể.
Theo tính toán, lượng tiền mặt của CSG (chưa tính tài sản) chia đều cho mỗi CP thì kết quả còn lớn hơn cả mức giá 7.000-8.000 đồng/CP, vì vậy có thể xem đây là động lực để thu hút lực mua vào CSG. Sau đó, CSG tiếp tục tăng giá rất mạnh, từ 8.000 đồng/CP lên 10.000 đồng/CP trong khoảng cuối tháng 4 và đầu tháng 5, thời điểm CSG xảy ra nhiều cuộc tranh cãi gay gắt về việc có giải thể hay không.
Đến nay, vẫn chưa rõ động lực nào đã đẩy giá CSG tăng đến 25% chỉ trong một thời gian ngắn như vậy. Nhưng rõ ràng ai cũng công nhận rằng hoạt động kinh doanh của CSG từ lâu đã khá èo uột, rất khó tìm được lối thoát.
Những cuộc tranh luận giữa ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và cựu CEO của HSG là ông Phạm Văn Trung diễn ra cũng là lúc HSG tăng giá từ 12.000 đồng/CP lên 20.000 đồng/CP.
Trước đó, cuối tháng 3, CP Công ty Cổ phần Bibica (BBC) bắt đầu một đợt tăng giá rất mạnh trong thời điểm lình xình giữa nhóm cổ đông Việt Nam và nhóm cổ đông thuộc Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) tại BBC. Từ 14.000 đồng/CP, BBC đã tăng không ngừng nghỉ lên 25.000 đồng/CP vào giữa tháng 4. Trong khi đó, cuối tháng 4, BBC công bố kết quả kinh doanh quý I chỉ lãi 1,76 tỉ đồng, kém hơn hẳn so với cùng kỳ năm ngoái (7,1 tỉ đồng).
Khi “đội lái” ra tay
Câu chuyện “làm giá” CP diễn ra khá nhiều, trước đây là những CP như AAA, DVD và thời gian gần đây, thị trường cũng xôn xao với những tin đồn về việc làm giá tại các CP như MKV, HTV…
Hiện nay, theo giới phân tích, rất khó xác định lực mua của BBC trong thời gian qua phát xuất từ nhóm cổ đông chính của công ty hay từ bên ngoài. Nhưng kết quả kinh doanh kém ấn tượng của công ty trong quý I lại đặt ra nhiều nghi vấn.
Việc công ty lãi thấp chỉ xuất phát từ những nguyên nhân như chi phí bán hàng tăng, sức mua giảm, công ty rút tiền từ ngân hàng về để đầu tư… hay còn nguyên nhân nào khác ? Nếu BBC nói riêng và ngành bánh kẹo nói chung gặp khó như vậy thì liệu các bên có quyết tâm tranh giành quyền ảnh hưởng hay không?
Còn với trường hợp của CSG, nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm nói rằng giải thể hay không giải thể thực chất chỉ làm “nền” cho CP biến động tăng hay giảm mà thôi.
Chỉ cần khoảng vài tỉ đồng là các “đội lái” có thể dễ dàng làm giá, nhà đầu tư nào không biết nhảy vào là “no đòn”. Nhiều nhà đầu tư đang bị hoa mắt với cách đánh của các đại gia chuyên làm giá, vì vậy theo các chuyên gia, nhà đầu tư nên tránh xa các CP tăng giá bất thường.
Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư cũng mong rằng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhanh chóng kiểm tra, soát xét và có biện pháp xử lý nghiêm những người làm giá các CP nhằm tạo sự minh bạch, công bằng trên thị trường.
4 bước làm giá
Một thành viên phân tích kỹ thuật của Công ty Chứng khoán Rồng Việt chia sẻ rằng cách “làm giá” CP của các Maket Markers - Big Boys (MMs-BBs) hay các “đội lái” trên thị trường thường trải qua 4 bước, gồm: tích lũy, đẩy giá, phân phối và cuối cùng là đè giá. Nếu quan sát, nhà đầu tư sẽ dễ nhận thấy thị trường chứng khoán của chúng ta đang trải qua những giai đoạn tương tự. |
Vũ Hoàng
người lao động
|