“Không thành kế”
HBB sau khi mở toang cửa thành, nói trắng bệnh tật, dân chúng cổ đông chỉ còn nước dạ ran, “sáp nhập hay là chết”.
Các bậc túc nho bảo, toàn bộ Kinh Dịch tóm lại một chữ, đó là chữ Thời. Việc trên đời, từ nhỏ đến to, bỏ mất Thời thì việc gì cũng hỏng. Mọi sự có động, có tĩnh. Sự vật lúc khởi động gọi là Cơ. Nắm được Thời của Cơ là đạt đến một nửa thành công vậy.
Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại. Xưa nay, người ta chỉ nói đến “Cơ tiến” chứ ít khi bàn “Cơ lùi”. Có tính lùi một bước cũng chỉ để nhăm nhăm… tiến ba bước mà thôi. Cái câu “công thành thân thoái”, nói thì rất dễ! Thế nên người đời trọng ông nhà buôn Phạm Lãi hơn là tướng quân Phạm Lãi chính là ở ý này.
Thời Xuân Thu Chiến Quốc, Phạm Lãi nguyên là một tướng tài, người đã giúp Việt vương Câu Tiễn tiêu diệt nước Ngô. Dân gian kể rằng, không chỉ ra sức khuyển mã giúp chủ, Phạm Lãi còn chấp nhận đem cả người tình là Tây Thi triều cống vua Ngô... Nhưng khi đại sự thành công, cho rằng vua Việt có tướng cổ cao, môi dài mỏ quạ, là người nhẫn tâm mà ghét kẻ có công, có thể cùng hoạn nạn chứ không thể chung hưởng thái bình, nên Phạm Lãi không ở lại làm quan mà bỏ đi ở ẩn.
Trước khi bỏ đi, Phạm Lãi gửi thư khuyên Văn Chủng rằng, “Chim bay mất hết, cung tốt được cất đi. Thỏ khôn chết, chó săn bị nấu. Thầy sao còn chưa lui về?”. Y như rằng, sau đó Văn Chủng bị Việt vương ép phải chết.
Theo Sử ký, Phạm Lãi tìm lại người đẹp Tây Thi rồi trốn đến đất Đào. Sau khi nghiên cứu đại thể, chàng nói với Tây Thi: thiên hạ mỗi ngày thêm đông đúc. Dân chúng rồi đây sẽ cần nhà thương mại hơn nhà chính trị. Ta sẽ dốc hết tinh lực còn lại để làm việc này. Chỗ nào thiếu hàng, ta sẽ cung cấp; chỗ nào thừa hàng, ta sẽ thu mua… Giữa lúc thiên hạ chỉ lo đánh nhau, cái đạo lý “mua của người chán, bán cho người thèm” ấy khiến Phạm Lãi nhanh chóng trở thành phú gia địch quốc.
Đó là chuyện ở bên Tàu năm 473 trước Công nguyên. Còn năm 2012 sau Công nguyên, ở nước Việt ta cũng có nhà buôn lừng tiếng ba miền đang được người đời khen là biết nắm lấy chữ Thời để nhẹ nhàng… “thân thoái”. Đó là câu chuyện ở STB, khi mà cuộc ép duyên ban đầu bất ngờ trở thành mối lương duyên tốt đẹp đến lạ. Khi kỳ đại hội chưa diễn ra, người ta đã đoan chắc rằng nó sẽ phẳng lặng như nước hồ thu, vì các bên “tình trong như đã” cả rồi. Người trong nhà còn đua nhau bán phứt đống cổ phiếu mà chỉ vài tháng trước phải hoãn cả ngày đại hội để tính kế thu gom, níu giữ.
Nhiều người khen vị đại gia nói buông là buông, nhẹ nhàng như gió thoảng. Dù rằng, hình như để có được chữ “buông” ấy, người nhận cũng tốn không ít thặng dư ngân lượng. Trước khi lui về, đại gia ấy còn huấn thị cho kẻ dưới rằng, phải nhất tâm theo phò chủ mới, chớ có hai lòng mà uổng cái bụng của người ra đi… Chỉ có điều, chủ mới có thể “chung hưởng thái bình” không thì chưa ai nói tới!
Nói lại câu chuyện Phạm Lãi. Có lẽ cả cuộc đời oanh liệt, ông này chỉ có một nỗi ân hận là không cứu được con trai khỏi án tử. Cậu ấm này chắc cũng ỷ thế cha mà phạm tội giết người. Phạm Lãi đã bỏ ra đến 1.000 dật vàng (tức là 24.000 lượng ngày nay) để đi đút lót. Thế mà chỉ vì cử đi nhầm người (cũng là một cậu ấm khác), cuối cùng đành phải mang cả vàng lẫn xác con trở về. Âu cũng là cái việc dao sắc không gọt được chuôi, cha phải gánh tiếng, gánh tội cho con vậy!
Chuyện này cũng là tiện miệng kể lại cho có đầu, có đũa. Giờ thì có thể nói cái nghi án “thâu tóm thù địch” đã có hồi kết êm đẹp, làm rầu lòng những kẻ hiếu sự. Nhưng giới báo chí cũng chả lo hết chuyện. Hết nghi án này lại có nghi án “thâu tóm tự nguyện” khác gây xôn xao…
Nói theo kiểu chương hồi. HBB sau khi mở toang cửa thành, nói trắng bệnh tật, dân chúng cổ đông chỉ còn nước dạ ran, “sáp nhập hay là chết”. Như để thêm phần nặng ký, HNX trận hôm sau, tin lỗ lớn như lũ đổ về khiến cổ chất đống đống, tiền chảy đỏ sàn!
Nhưng chả hiểu tại sao, đang trong cơn nguy khốn mà vẫn có kẻ bạo gan, túc tắc gom nhặt đến mười mấy triệu bại binh. Sự thể chưa hết quái lạ khi vài ngày sau, có người lại đăng đàn công bố, lỗ lớn ư, chả phải. Chỉ nội năm nay là lại hồi sinh. Thiên hạ được một phen à ố. Khối nhà đầu tư ngửa mặt lên trời mà than rằng, trời đã sinh ra ta, sao lại sinh ra… nhiều chuẩn mực kế toán thế!
Mới hay, cái kế mở toang cửa thành, hay còn gọi là “Không thành kế” của Khổng Minh ngày xưa đời nào cũng ứng nghiệm. Cứ ăn nói nửa chừng theo kiểu bảy phần thực ba phần hư thì lo gì mà việc không thành?
Cảm thán với các vụ khắc nhập, khắc xuất này, dân tình đầu tư có thơ rằng, “Bến Vờ Ni, Sát Thủ Béo thoái tướng thành công. Nơi HNX, Hoãn Ba Bận mưu sâu trá bại”.
Muốn biết câu chuyện diễn biến thế nào, xin mời xem tiếp hồi sau!
Phí Trọng Hiếu
đầu tư chứng khoán
|