Cổ phiếu tốt bị quay lưng
Với NĐT nhỏ lẻ, không phải DN cứ có kết quả kinh doanh tốt là giá CP sẽ tốt và không phải cứ chọn cách đầu tư giá trị là sẽ có lời. Cho đến nay, thực trạng này sẽ vẫn còn khá dài để có thể thay đổi.
Cổ phiếu tốt bị quay lưng
Trong một buổi chia sẻ cơ hội đầu tư với NĐT được tổ chức tại CTCK VNDirect cuối tuần qua, một NĐT chia sẻ, chị chọn cách đổ tiền vào đầu tư những Cty trả cổ tức cao và làm ăn có lãi. Đáp lại ý kiến của chị, các NĐT khác đều hỏi: “Chị không sợ trong lúc chị hưởng cổ tức giá CP sẽ giảm à?”.
Nghịch lý DN có kết quả kinh doanh tốt, nhưng giá CP vẫn thấp hoặc thanh khoản vẫn kém là điều hiển hiện ở TTCK Việt Nam. Thực tế đó phổ biến đến nỗi phần lớn NĐT nhỏ lẻ khi nhắc đến những chữ “đầu tư giá trị” thường tỏ ra ít hào hứng, thậm chí là thờ ơ.
Sự quay lưng với giá trị nội tại của DN có thể nhìn thấy khá rõ qua không khí nhạt nhòa khi mỗi mùa họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) tới, khi mà cổ đông nhỏ lẻ hầu như không mấy khi có ý kiến gì với hoạt động DN.
Trước mùa họp ĐHĐCĐ năm nay, nhiều người đã kỳ vọng năm nay sẽ chứng kiến những cuộc chất vấn sôi nổi của cổ đông nhỏ lẻ khi mà hàng loạt các DN đang đứng trước một giai đoạn cải tổ sau cuộc suy thoái kinh tế năm ngoái: Thay đổi ban lãnh đạo, thay đổi chiến lược kinh doanh, các đề án mua bán, sáp nhập... Nhưng thực tế lại cho thấy một không khí nhạt nhòa gần như cũ. Người ta lại thấy cổ đông lục tục bỏ về trước khi họp ĐHĐCĐ kết thúc, trong đó có đại hội của những DN lớn như PVI Holdings, Habeco.
Cổ đông nhỏ lẻ thậm chí còn không muốn tham gia họp. Hơn một tuần trước, một trong những Cty hàng đầu trên sàn HNX tâm sự, Cty phải đi vận động từng cổ đông nắm dưới 1% cổ phần tham gia họp để đạt tỉ lệ biểu quyết tối thiểu theo yêu cầu là 65%.
Ban lãnh đạo DN có cần quan tâm đến giá CP?
Lãnh đạo PVI tại buổi họp ĐHĐCĐ mới đây đã “thẳng tưng” trả lời cổ đông rằng ban lãnh đạo không có trách nhiệm với giá trị thị trường của Cty. “Không một nghị quyết ĐHCĐ nào giao cho ban giám đốc phải đảm bảo giá trị thị trường cho Cty. Ban giám đốc chỉ được giao đảm bảo giá trị sổ sách cho PVI” - Chủ tịch Nguyễn Anh Tuấn của Cty nói.
PVI Holdings là một trường hợp điển hình có giá CP không tương đồng với kết quả doanh thu lợi nhuận – bất chấp việc đại gia bảo hiểm này tăng trưởng nóng về doanh thu lợi nhuận trong mấy năm qua, giá PVI vẫn lình sình dưới 20.000 với thanh khoản thấp. Giá PVI thậm chí hầu như không nhích lên mấy ngay cả khi VNIndex đã tăng 30% từ đầu năm tới nay.
Mặc dù cổ đông của PVI là Red River Holdings đã chỉ ra nguyên nhân giá CP PVI không tăng nằm ở việc tăng vốn quá nhanh của PVI, và một cổ đông nhỏ lẻ cũng bày tỏ sự thất vọng khi nắm CP của PVI khá lâu nhưng kết quả nhận được lại đi ngược với kỳ vọng, ban lãnh đạo PVI vẫn nhấn mạnh “Chúng tôi không thể quản lý giá trị CP trên thị trường”.
Nhưng đại gia cùng ngành với PVI, Bảo Việt Holdings, có lẽ không đồng tình với quan điểm này. Cũng trong buổi họp ĐHĐCĐ năm nay, TGĐ Bảo Việt Holdings, bà Nguyễn Thị Phúc Lâm chia sẻ với cổ đông: “Có nhiều yếu tố để đánh giá lợi ích của cổ đông, trong đó có yếu tố cổ tức, nhưng giá trị thị trường của Cty là một tiêu chuẩn quan trọng hơn”. Bà Lâm dẫn chứng giá CP của Bảo Việt hiện vẫn giữ được ở mức tương đương với giá 71.000 đồng/CP thời điểm IPO. Mức giá này được cho là thuyết phục với NĐT, nếu so với giá CP PVI đã tụt xuống dưới 20.000 đồng/CP từ mức 120.000 đồng/CP thời điểm IPO.
Mặc dù trường hợp của BVH cũng có nhiều yếu tố khác tác động, nhưng nếu một DN kết quả kinh doanh tốt mà không thể đảm bảo giá CP tốt cho cổ đông thì đó cũng là một vấn đề. “Nếu một DN hoạt động tốt mà giá CP vẫn suy giảm trong trung hạn hoặc dài hạn thì đó là điều khá bất thường. Bởi vậy, nếu giá CP không cải thiện trong bối cảnh thị trường đã hồi phục thì thường là đã có những vấn đề gì đó: DN kinh doanh không tốt hoặc quản trị DN yếu” - ông Andy Ho, GĐ điều hành của Cty Quản lý quỹ VinaCapital chia sẻ quan điểm. “Trong cả hai trường hợp, ban giám đốc và ban quản trị có lẽ đều cần thay đổi” - ông Andy Ho nói.
Chọn cách đầu cơ
Khi mà cả thị trường lẫn DN đều “ngoảnh mặt” với những NĐT giá trị nhỏ lẻ, NĐT chọn cho mình thói quen đầu cơ. Một NĐT nói vui trong buổi nói chuyện tại VNDirect “80% chúng ta ngồi đây là nhà đầu cơ”, và ngụ ý rằng ở VN đầu tư thuận theo thị trường có lẽ sẽ an toàn và thực tế hơn nhiều việc quan tâm nhiều đến giá trị nội tại DN.
Tuy nhiên, giới quan sát cũng cho rằng khó có thể dùng ý chí chủ quan để bắt những lãnh đạo DN phải quan tâm tới NĐT nhỏ lẻ hơn. Thực trạng chỉ có thể thay đổi khi số lượng NĐT tổ chức – hay mức độ chuyên nghiệp của thị trường – tăng lên.
“Nhìn chung tôi cho rằng, dù không phải là tất cả, nhưng phần lớn các NĐT nhỏ lẻ ít ý thức được rõ về sự phát triển của Cty như các NĐT tổ chức. Trên thế giới điều đó càng đúng. Bởi vậy, các quỹ tương hỗ và quỹ hưu trí rất phổ biến vì các NĐT nhỏ lẻ có thể đầu tư vào những quỹ này và để những người chuyên nghiệp tìm hiểu DN và quyết định thay họ xem có nên đầu tư hay không” - ông Andy chia sẻ.
Quang Minh
Lao động
|