Nút thắt bất ngờ trước quyết định triển khai T+3
Tưởng như tất cả các CTCK và nhà đầu tư Việt Nam đều đồng thuận với ý tưởng T+3 là làm được, nhưng một nút thắt bất ngờ xuất hiện.
Nút thắt này đến từ khối nhà đầu tư nước ngoài khi khối ngoại tỏ ra khó chấp nhận phương án này. Đại diện cho các nhà đầu tư ngoại - các ngân hàng lưu ký toàn cầu đang hiện diện tại Việt Nam như HSBC, Citibank, Deutsche bank, Standard Chartered bank đồng loạt phản ánh mối quan ngại của nhà đầu tư ngoại nếu Việt Nam dự kiến triển khai ý tưởng T+3 do Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) nêu ra mới đây.
VSD đưa ra ý tưởng T+3 tức là cho phép nhà đầu tư được bán chứng khoán ngày T+3 với điều kiện các thành viên phải hoàn tất việc chuyển tiền thanh toán giao dịch chứng khoán trước 4h chiều ngày T+2. Với quy trình thanh toán hiện nay, các thành viên được chuyển tiền vào sáng T+3, chiều T+3 chứng khoán mới về tài khoản và phải đến ngày T+4, chứng khoán mua ngày T mới đủ điều kiện để bán.
Nhà đầu tư ngoại khó chấp nhận chuyển tiền T+2, nhận chứng khoán T+3
Khác với giao dịch từ xa hay giao dịch trực tuyến, hoạt động thanh toán chứng khoán có một đặc thù là để triển khai được T+3, điều kiện tiên quyết là phải có sự đồng thuận của tất cả các thành viên lưu ký (102 CTCK và các ngân hàng lưu ký).
Chính đặc thù này khiến cơ quan quản lý, cụ thể là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán đang phải nỗ lực tìm sự đồng thuận của nhà đầu tư ngoại thông qua các đại diện là khối ngân hàng lưu ký nước ngoài, khi mà khối nhà đầu tư ngoại đưa ra nhiều lý lẽ khác nhau.
Ngân hàng Deutsche bank cho biết, khó khăn lớn nhất của họ là làm cách nào để thuyết phục được khách hàng (nhà đầu tư ngoại) chấp thuận phương án chuyển tiền thanh toán giao dịch chứng khoán vào T+2 và nhận chứng khoán về tài khoản vào T+3.
Theo Deutsche bank, hoạt động thanh toán giao dịch chứng khoán của Việt Nam thực hiện theo nguyên tắc tiền và chứng khoán chuyển giao đồng thời, nên nếu cơ quan quản lý TTCK thay đổi quy trình thanh toán, trong đó ngày chuyển tiền và nhận chứng khoán khác nhau là rất khó được nhà đầu tư ngoại chấp nhận.
Ngân hàng HSBC cho biết, với nhà đầu tư nước ngoài, thì rủi ro chuyển tiền trong ngày và rủi ro chuyển tiền qua ngày là 2 việc hoàn toàn khác nhau. Ở đây xin nói thêm là với chu kỳ thanh toán hiện tại, dù thực hiện phong tỏa khoản tiền mua chứng khoán trên tài khoản nhà đầu tư ngay khi đặt lệnh mua, nhưng trước 11h T+3, các ngân hàng lưu ký chứng khoán mới ghi nợ vào tài khoản tiền của nhà đầu tư và đến chiều cùng ngày (T+3), sẽ ghi có vào tài khoản chứng khoán.
HSBC cho rằng, nếu thực hiện thanh toán tiền trước 4h chiều T+2, nhưng chứng khoán phải đến sáng T+3 mới nhận được thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ đặt ít nhất 3 câu hỏi.
Thứ nhất, nguyên tắc tiền và chứng khoán chuyển giao đồng thời tại Việt Nam ở đâu?
Thứ hai, việc chuyển tiền thanh toán qua đêm sang ngân hàng chỉ định thanh toán BIDV lấy gì đảm bảo sự an toàn khi BIDV đã là ngân hàng cổ phần, chứ không phải là ngân hàng trung ương như các thị trường tiên tiến khác?
Thứ ba, chuyển tiền trước 1 ngày, xử lý quyền lợi của nhà đầu tư (lãi suất qua đêm) sẽ như thế nào?... HSBC còn quan ngại rằng, gần 2 tháng nay, sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại đến TTCK Việt Nam đang ấm trở lại, nhưng việc triển khai T+3 với các đặc thù thanh toán như dự kiến, thì nếu không có lời giải thích phù hợp cho khối ngoại, có thể sẽ dẫn đến khả năng chuyển dịch của dòng vốn ngoại khỏi Việt Nam.
Phía Citibank bank cũng đưa ra những lo ngại về phương án T+3. Theo ngân hàng này, dù triển khai T+3 là cho phép nhà đầu tư được bán chứng khoán sớm 1 ngày, nhưng nhà đầu tư nước ngoài sẽ không hài lòng khi họ bị ghi nợ vào tài khoản tiền sớm hơn ghi có vào tài khoản chứng khoán 1 ngày. Với nhà đầu tư ngoại, nguyên tắc quản trị rủi ro là quan trọng nhất và họ sẽ khó chấp nhận đặc thù thanh toán tiền và chứng khoán khác ngày nhau tại Việt Nam.
Để tìm sự đồng thuận của nhà đầu tư ngoại, các ngân hàng lưu ký đưa ra 2 sáng kiến cho vấn đề T+3. Sáng kiến thứ nhất là thay vì yêu cầu chuyển tiền thanh toán chứng khoán trước 4h chiều T+2 thì VSD nên cho phép các thành viên chuyển tiền trước 9h sáng T+3 và ngay trong buổi sáng T+3, VSD sẽ hoàn tất các thủ tục thanh toán bù trừ đa phương để đến đầu giờ chiều T+3 sẽ chuyển chứng khoán về tài khoản nhà đầu tư, cho phép họ được giao dịch vào phiên chiều. Sáng kiến thứ hai là thay vì phương án T+3, UBCK và VSD nên cải tổ đồng bộ hệ thống thanh toán trên thị trường để áp dụng T+2, thậm chí T+0 trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ở khía cạnh nhà quản lý, những sáng kiến này đặt trong môi trường Việt Nam hiện nay là chưa thể thực hiện ngay được, vì nhiều lý do khác nhau.
Ngân hàng lưu ký cần tới 3 đến 9 tháng để chỉnh sửa hệ thống
Không chỉ nhà đầu tư ngoại chưa đồng thuận với phương án T+3, mà các ngân hàng lưu ký cũng tỏ ra không mặn mà với phương án này vì cho rằng, đây chỉ là phương án tạm thời, trong khi để họ có thể thực hiện được sẽ mất từ 3-9 tháng hoàn tất quy trình kỹ thuật.
Vì sao lại cần nhiều thời gian như vậy, trong khi bản chất của việc chuyển sang thanh toán T+3 chỉ là ngân hàng lưu ký thực hiện bút toán chuyển tiền thanh toán trước 1 ngày so với hiện nay?
Theo tìm hiểu của ĐTCK được biết, về mặt kỹ thuật, ngân hàng lưu ký chỉ cần cập nhật 2 trường: chứng khoán là T+3, tiền là T+2, nhưng để có sự thay đổi trong hệ thống, họ phải qua nhiều vòng xem xét, chấp thuận của các bộ phận như bộ phận pháp chế, bộ phận kinh doanh, bộ phận quản trị rủi ro…
“Nếu UBCK kiên quyết thực hiện T+3 và yêu cầu các thành viên lưu ký phải thay đổi thời gian chuyển tiền thanh toán sang T+2 thì chúng tôi cần ít nhất 4 tháng mới có thể đáp ứng được sự thay đổi này. Khoảng thời gian đó là để giải thích cho các bộ phận hiểu, xin phép các cấp quản lý, rồi mới đến xử lý kỹ thuật và áp dụng”, Deutsche bank cho biết.
Ngân hàng HSBC cho rằng, thời gian cần thiết để thay đổi trường T+2, T+3 trong thanh toán giao dịch chứng khoán không phải để lo thủ tục kỹ thuật hay hành chính, mà họ cần thời gian để xử lý quy trình quản trị rủi ro, không chỉ tại ngân hàng địa phương (Việt Nam), mà là HSBC trên toàn cầu.
Với những lý lẽ từ các ngân hàng lưu ký về phương án T+3, rõ ràng việc triển khai T+3 trong 1-2 tháng tới là không thể thực hiện được. Làm thế nào để thuyết phục được nhà đầu tư ngoại và các ngân hàng lưu ký nước ngoài đồng thuận, ủng hộ phương án T+3 và định lượng được một khoảng thời gian hợp lý để họ chỉnh sửa hệ thống? Đó là 2 vấn đề thách thức mà VSD và UBCK phải nỗ lực vượt qua trong quyết tâm triển khai T+3 trên TTCK Việt Nam.
Tường Vi
đầu tư chứng khoán
|