Thứ Năm, 10/05/2012 09:41

Cảm giác mạnh với cổ phiếu khoáng sản

Những ngày qua, cơn sóng cổ phiếu khoáng sản khá mãnh liệt trên sàn chứng khoán. Những nhà đầu tư nắm giữ rất phấn khởi trước hiện tượng thị giá cổ phiếu khoáng sản tăng trần liên tục và chưa thấy điểm dừng. Cổ phiếu khoáng sản đã thực sự cuốn hút những nhà đầu tư thích cảm giác mạnh.

Đi sâu vào, nhà đầu tư dễ nhận thấy cơn sóng khoáng sản chỉ dành riêng cho những cổ phiếu có cụm từ “khoáng sản” trong tên gọi của mình, điển hình là những cổ phiếu khai quặng than, một khoáng sản cơ bản, đã không hòa nhịp trong cơn sóng.

Ánh sáng dẫn đường cơn sóng cổ phiếu khoáng sản có lẽ là hiện tượng ba đơn vị khai thác khoáng sản đã đạt hiệu quả cao trong năm 2011 với EPS hơn 10,000 đồng/cổ phiếu. Đó là quán quân trên sàn HGM của Cơ Khí & Khoáng Sản Hà Giang với EPS gần 25,000đ, BMC của Khoáng Sản Bình Định với EPS 13,000đ và KSB của Khoáng Sản & Xây Dựng Bình Dương với hơn 10,000đ. Đây là những ngôi sao quá sáng trên bầu trời hiệu quả kinh doanh ảm đạm của khung cảnh thắt chặt tiền tệ 2011.

Tuy nhiên, những nhà đầu tư thận trọng cũng băn khoăn trước câu hỏi là tại sao chỉ có ba đơn vị khoáng sản đạt hiệu quả cao chót vót, trong khi đa phần còn lại thì thua lỗ hoặc chỉ lãi chút ít. Nói cách khác, nhóm cổ phiếu khoáng sản còn lại EPS chỉ dưới 1,500 đồng. Điều gì đã tạo khoảng cách xa diệu vợi giữa nhóm 3 cổ phiếu trên và những cổ phiếu khoáng sản còn lại. Những khoảng cách này có thể nhanh chóng thu hẹp hay không? Tự tìm hiểu điều này sẽ giúp nhà đầu tư tận dụng cơ hội hoặc hạn chế rủi ro khi tìm cảm giác mạnh trong cơn sóng cổ phiếu khoáng sản.

Có vài đặc điểm cơ bản mà cổ phiếu khoáng sản khác với những nhóm cổ phiếu khác là khái niệm khoáng sản quá rộng về sản phẩm, khác với đơn sản phẩm như cổ phiếu đường, khai thác cao su, săm lốp ô tô … hoặc nhóm sản phẩm tương đối đồng nhất như bất động sản, dược phẩm …. Trong cái áo “khoáng sản”, có gần một nửa là những doanh nghiệp khai thác đá, cát cho xây dựng, đất sét, cao lanh cho gạch ngói, gạch men, thực chất là những đơn vị thuộc ngành vật liệu xây dựng. Ngoài ra, mỗi một loại quặng khoáng sản cụ thể cũng có giá trị và hiệu quả khác biệt, thậm chí rất sâu sắc tùy thuộc vào độ lộ thiên, mật độ quặng, trữ lượng … nên mang lại những hiệu quả khác biệt cho doanh nghiệp khai thác. Và cuối cùng, vị trí địa lý của quặng đến nơi tiêu thụ là nhân tố rất quan trọng vì chi phí vận tải của quặng rất lớn. Có thể so sánh điều này với một tấn đường giá 20 triệu, một tấn cao su giá 90 triệu trong khi một tấn đá, cát chỉ vài trăm ngàn.

Nguồn: Internet

Trở lại, ba cổ phiếu hiệu quả lớn trên đây là những cổ phiếu có cùng tập hợp những điểm chung mà những cổ phiếu khoáng sản còn lại thường chưa hội đủ, bao gồm:

Thứ nhất, ba đơn vị trên được cổ phần hóa từ 3 doanh nghiệp bhà nước được thành lập từ khoảng 20 năm trước nhằm mục đích khai thác khoáng sản. Vì thế, các đơn vị được thừa hưởng quyền sở hữu khai thác những quặng tốt nhất, lộ thiên, hiếm và có giá trị sinh lợi cao. Đó là quặng ilmenite tại Bình Định của BMC (dùng sản xuất Titan); quặng antimony của HGM; những mỏ đá, cao lanh, đất sét của KSB trên công trường xây dựng khổng lồ tại Bình Dương và cạnh Tp. Hồ Chí Minh. Những đơn vị khoáng sản hình thành sau sẽ khó có lợi thế về vị trí mỏ, hiệu quả khai khoáng như những đơn vị này.

Thứ hai, vì cổ phẩn hóa từ doanh nghiệp nhà nước trong phong trào tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trước đây nên tài sản cố định của những đơn vị này (giá trị mỏ, máy móc thiết bị …) được định giá rất thấp. Vì thế, vốn điều lệ thấp nhiều so giá thị trường, mang lại lợi thế hạch toán kinh tế của những đơn vị này so với những doanh nghiệp khác. Có thể so sánh điều này khi một ha cao su thị giá hiện tại không dưới 500 triệu đồng nhưng khi cổ phần hóa trước đây chỉ định giá tối đa 60 triệu đồng. 

Thứ ba, đây là những đơn vị trực tiếp khai quặng trên công trường mỏ khoáng sản, đặt ra điều này nhằm phân biệt với vài đơn vị khác khoác áo “khoáng sản” nhưng không trực tiếp khai thác là chính mà chủ yếu khai thác gián tiếp, thậm chí cho vay thông qua các nhà khai quặng nhỏ dạng thổ phỉ.

Ngoài ra, hai nhân tố lớn chi phối đậm nét những doanh nghiệp khoáng sản là năm 2012, Nhà Nước cấm xuất khẩu quặng thô và thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu khoáng sản tăng. Vì thế, một số lớn doanh nghiệp khoáng sản trước nay xuất khoáng sản thô, khai thác gián tiếp trên nhiều mỏ nhỏ lẻ, mua quặng thô xuất tiểu ngạch … sẽ bế tắc doanh thu, kéo theo hiệu quả lợi nhuận thấp.

Trở lại câu hỏi là có doanh nghiệp khoáng sản nào có thể sánh vai cùng HGM hay không? Câu trả lời là khá hiếm vì HGM sở hữu mỏ Antimony quá tuyệt vời với trữ lượng lớn, chi phí chỉ chiếm ¼ giá bán, lợi nhuận chiếm tới ¾. KTB có khai thác Antimony nhưng là sản lượng nhỏ, nằm ở Lạc sơn, Hòa Bình (không ở Hà Giang), không có nhà máy tinh luyện quặng, tiền thân là doanh nghiệp tư nhân nên giá trị tài sản trên sổ sách sát giá thị trường. Vì thế, đã có  khoảng cách quá xa về doanh thu, lợi nhuận với HGM.

BMC, nhà khai quặng Titan sa khoáng tại Bình Định, đã có nhà máy tinh luyện quặng, được đặc ân tiếp tục xuất khẩu quặng thô ilmenite, đã hưởng lợi từ giá Titan tăng khoảng 70% trong năm 2011 (quặng thô ilmenite tăng đến 160%). Trên sàn chứng khoán, chưa có đơn vị nào khai quặng Titan rõ nét, KSA cũng chỉ có dự án nhà máy tinh luyện quăng thô Titan, dự án vẫn là dự án, đi vào hiện thực cần vốn, nguồn nguyên liệu, mỏ, khách hàng, cạnh tranh giá tinh luyện …Sở hữu một mỏ có điều kiện khai thác hiệu quả mới là vấn đề cơ bản, còn dự án tinh luyện thì đơn vị nào có vốn cũng làm được vì là ngành nghề đang được khuyến khích đầu tư, địa điểm thì khu công nghiệp nào cũng mời gọi đầu tư. Trước đây và hiện nay, KSA cũng chỉ là đơn vị khai thác đá, cát, đất sét, cao lanh, vất vả trong việc tìm doanh thu và lợi nhuận. 

KSB có lợi thế sở hữu mỏ đá, đất sét, cao lanh tại khu vực Bình Dương, cạnh Tp. Hồ Chí Minh và trên công trường xây dựng khổng lồ Bình Dương nên có lợi thế so sánh tách biệt và hiệu quả hơn hẳn những đơn vị cùng ngành nghề tại những tỉnh khác. Chi phí vận tải đá, cát, đất sét, cao lanh chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành nên doanh nghiệp tỉnh khác khó cạnh tranh với KSB.

Dù sao, đầu tư vào cổ phiếu khoáng sản vẫn giúp nhà đầu tư đạt cảm giác mạnh vì môi trường khoáng sản có những chuyển biến bất ngờ lớn trước thông tin phát hiện mỏ khoáng sản mới, nhất là mỏ vàng. Và thực tế đã có những đơn vị khoáng sản đạt hiệu quả rất cao, làm nên ánh sáng của hy vọng và niềm tin. Tuy nhiên, những nhà đầu tư thận trọng cũng nên cân đối hợp lý danh mục đầu tư nhằm phân tán rủi ro khi kỳ vọng của mình không đạt.

Nguyễn Đình Dũng (Vietstock)

Finfonet

Các tin tức khác

>   10/05: Bản tin 20 giờ qua (10/05/2012)

>   Săn cổ phiếu siêu rẻ, coi chừng… “nóng bỏng tay” (09/05/2012)

>   THV: Lỗ 210 tỷ đồng, cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo (09/05/2012)

>   VES được giao dịch 15 phút dưới dạng bị kiểm soát (09/05/2012)

>   NSN: Cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo (09/05/2012)

>   CK Thăng Long loại HBB ra khỏi danh mục margin (09/05/2012)

>   Băn khoăn T+3 (09/05/2012)

>   PLC tăng trần do cổ phiếu hấp dẫn? (09/05/2012)

>   Khả năng phá vỡ hoàn toàn đỉnh cũ là rất lớn nếu thanh khoản duy trì mức tốt (09/05/2012)

>   Không hoàn trả tiền vay đúng hạn, TAS bị đình chỉ 1 tháng hoạt động lưu ký (09/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật