Thứ Sáu, 11/05/2012 16:46

Tháng 7, bùng nổ CTCK bị kiểm soát đặc biệt?

Trong số 7 CTCK vừa bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đưa vào diện kiểm soát đặc biệt (KSĐB), có CTCK đang muốn “giải nghệ” càng sớm càng tốt.

Với quy định mới tại Thông tư 52/2012/TT-BTC hướng dẫn về công bố thông tin trên TTCK có hiệu lực từ ngày 1/6, thì có thể sắp bùng nổ tình trạng CTCK bị KSĐB và kèm theo đó sẽ có thêm những “cuộc giã từ”.

“Giã từ” thị trường

Theo công bố của UBCK, CTCK thứ 7 bị đưa vào diện KSĐB là CTCK Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG) niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội. Trước đó, UBCK công bố danh sách 6 CTCK bị KSĐB gồm: CTCK Cao su, CTCK Vina, CTCK Hà Nội, CTCK Trường Sơn, CTCK Đà Nẵng và CTCK Mê Kông, do tỷ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro nhỏ hơn 120% theo quy định tại Thông tư 226/2010/TT-BTC.

Đáng chú ý, trong số các CTCK bị đưa vào diện KSĐB đã có công ty có ý định “giã từ” thị trường. Trao đổi với ĐTCK, ông Huỳnh Hồng Vĩnh, quyền Tổng giám đốc CTCK Cao su (RUBSE), cho biết, Công ty đã hoàn chỉnh phương án khắc phục tình trạng KSĐB gửi UBCK theo quy định. Do hoạt động kinh doanh hiện gặp nhiều khó khăn, nên trong định hướng sắp tới, RUBSE đang tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng.

“RUBSE sẽ chuyển nhượng toàn bộ, chứ không duy trì hoạt động dưới bất kỳ hình thức nào. Đã có một số đối tác trong nước đánh tiếng muốn mua RUBSE, nhưng các bên vẫn đang trong quá trình thương thảo. Phương án chuyển nhượng cụ thể vừa được RUBSE trình Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) và đang chờ ý kiến chỉ đạo để triển khai…”, ông Vĩnh nói.

Trả lời câu hỏi RUBSE sơ bộ chào bán với giá bao nhiêu, ông Vĩnh cho biết, vấn đề này chưa được Công ty đưa ra bàn bạc chi tiết, bởi phải chờ ý kiến chỉ đạo chính thức từ phía VRG. Mục tiêu mà RUBSE đặt ra là hoàn tất chuyển nhượng càng sớm càng tốt, để không chỉ giải tỏa những khó khăn hiện nay, mà còn thực hiện sớm chủ trương Chính phủ đã chỉ đạo VRG là hoàn tất thoái vốn đầu tư khỏi lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành nghề chính, trong đó, có ngành chứng khoán, muộn nhất trước năm 2015.

Trong trường hợp RUBSE chuyển nhượng bất thành thì sao? Ông Vĩnh cho hay, mục tiêu mà RUBSE đặt ra là chuyển nhượng càng sớm càng tốt. Nếu bán bất thành, thì RUBSE sẽ xin ý kiến chỉ đạo của VRG để có hướng xử lý tiếp.

Là CTCK mới nhất vừa bị đưa vào diện KSĐB, đại diện VIG khẳng định, với tư cách là DN niêm yết, để đảm bảo quyền lợi của các cổ đông, VIG đang triển khai nhiều biện pháp tái cấu trúc để sớm đưa Công ty thoát khỏi diện bị KSĐB. Cụ thể, ngoài rút bớt nghiệp vụ bảo lãnh phát hành, sắp tới, VIG sẽ giảm vốn điều lệ từ mức 341 tỷ đồng hiện tại. Phương án giảm vốn chi tiết sẽ được VIG trình ĐHCĐ thông qua trong thời gian tới.

Một câu hỏi thu hút sự quan tâm của thị trường là có hay không tình trạng NĐT ồ ạt tháo chạy khỏi các CTCK bị KSĐB, đã không được đại diện các CTCK thuộc diện này giải đáp. Thay vào đó, họ chỉ đưa ra thông tin chung chung là công ty đang trong quá trình tái cơ cấu, hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn…

Không dừng ở con số 7

Lãnh đạo UBCK cho biết, ngoài 7 CTCK bị đưa vào diện KSĐB, trong thời gian tới, UBCK tiếp tục công bố danh sách các CTCK bị KSĐB theo định kỳ hàng tháng với những đơn vị nào có tỷ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro nhỏ hơn 120%. Các CTCK rơi vào diện bị KSĐB mà không khắc phục được tình trạng này và có lỗ lũy kế trên 50% vốn điều lệ, thì sẽ đối mặt với nguy cơ bị đình chỉ hoạt động. Dự thảo Thông tư thay thế Quyết định 27/2007 hướng dẫn tổ chức và hoạt động CTCK đang được UBCK khẩn trương hoàn tất để chuẩn bị ban hành đã đưa ra những quy định cụ thể về việc sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản CTCK.

Đặc biệt, theo quy định của Thông tư 52/2012, có hiệu lực từ ngày 1/6 tới, thì CTCK phải công bố thông tin định kỳ về Báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng được soát xét bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận tháng 6 và tháng 12 cùng với thời điểm công bố thông tin BCTC bán niên và BCTC năm… Điều này có nghĩa là lần đầu tiên kể từ mùa công bố BCTC bán niên có soát xét năm nay, sẽ chính thức lộ diện chỉ tiêu vốn khả dụng của tất cả các CTCK. Khi đó, cả thị trường, NĐT, chứ không riêng UBCK biết CTCK nào thuộc diện bị kiểm soát hay KSĐB như hiện tại. Điều này có thể làm bùng nổ tình trạng các CTCK bị đưa vào diện KSĐB từ tháng 7 tới.

Hữu Đạo

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Bạn đã đưa ra chiến lược Trading và đầu tư hợp lý cho mình chưa? (14/05/2012)

>   Cổ phiếu chứng khoán: Cẩn thận với bong bóng (11/05/2012)

>   Doanh nghiệp: đói góp no dồn! (10/05/2012)

>   11/05: Bản tin 20 giờ qua (11/05/2012)

>   “Chân gỗ"... ngoại dỏm (10/05/2012)

>   NVC: Cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo (10/05/2012)

>   VinaCapital chuyển lái (10/05/2012)

>   Nhà đầu tư Việt Nam khó mua cổ phiếu ở TTCK ngoại (10/05/2012)

>   Cảm giác mạnh với cổ phiếu khoáng sản (10/05/2012)

>   10/05: Bản tin 20 giờ qua (10/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật