Thứ Sáu, 11/05/2012 07:04

Cổ phiếu chứng khoán: Cẩn thận với bong bóng

TTCK đang có dấu hiệu tiếp tục bùng nổ với hàng loạt mã từ lớn tới nhỏ, từ khoáng sản cho tới nông nghiệp và chứng khoán đang cùng nhau tăng trần. Tuy nhiên, điều quan trọng ở thời điểm hiện tại là doanh nghiệp không nên quên nhiệm vụ tái cấu trúc sau những khó khăn gặp phải thời gian qua.

Đồng loạt tăng giá

TTCK đang dậy sóng với nhóm cổ phiếu chứng khoán "lên ngôi" một lần nữa và dần thay thế cho nhóm khoáng sản. Sự tăng điểm nhờ vào sức mạnh luân phiên giữa các nhóm ngành cho thấy TTCK đang thực sự hấp dẫn và giữ chân được đa số các nhà đầu tư.

Trên thực tế, dòng tiền đang chảy mạnh hơn vào TTCK, đặc biệt là trên sàn Hà Nội, sau khi giới đầu tư nhận được những thông tin đáng tin cậy về gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hay còn gọi là gói kích cầu mini. Theo đó, hàng loạt doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được hỗ trợ cắt, giảm, giãn thuế.

Hiện tại, gói cứu trợ doanh nghiệp (trị giá lên tới 25.000 tỷ đồng) được Bộ Tài chính đề xuất, sau khi được Chính phủ thông qua có thể sẽ là tiền đề cho các nhóm cổ phiếu của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực được hỗ trợ tăng mạnh hơn nữa. Trước mắt, từ những thông tin ban đầu, các cổ phiếu thuộc nhóm vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động các ngành nông lâm thủy sản, dệt may, da giày... đang được hưởng lợi nhất.

Nhóm penny sáng 4/5 được săn lùng mua vào nhiều nhất, hàng loạt các mã nhỏ có dư mua giá trần lên tới vài triệu đơn vị như NVT (dưa mua trần hơn 6 triệu cổ phiếu), CMI (hơn 5 triệu), VNE (gần 2 triệu), KMR (hơn 1 triệu)... Hàng loạt mã khác tăng trần với dư mua ấn tượng như BIC, BMC, SBA, TLH, BHS.

Nổi bật không kém ai là nhóm cổ phiếu chứng khoán. Sau một thời gian dài tăng gấp 1 cho tới vài lần, nhóm này lại dường như đang bước vào một đợt tăng mới. Hàng loạt mã cổ phiếu nóng này đã tăng hết biên độ cho phép ngay từ đầu phiên giao dịch 4/5, như AGR (dưa mua trần 0,4 triệu đơn vị), SHS (dưa mua trần 0,6 triệu đơn vị). Nhiều mã tăng trần khác như ORS, BSI...

Nhóm blue-chips nặng nề hơn nhưng cũng có khá nhiều mã đang tăng giá như MSN (tăng 2.000 đồng), PVD (tăng 1.000 đồng), VIC (tăng 1.000 đồng). HPG, REE, SSI... cũng đều đang tăng giá nhẹ.

TTCK tăng trở lại là điều không hề bất ngờ. Cho dù doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và có được giải cứu hay không thì có một điều vẫn được nhận thấy rõ ràng là dòng tiền vẫn đang loanh quanh ở kênh chứng khoán. Hầu hết các kênh đầu tư khác đều đang kém hấp dẫn, từ vàng, ngoại tệ cho tới gửi tiết kiệm hay sản xuất kinh doanh...

TTCK bật tăng trở lại mỗi khi đón nhận một vài thông tin tốt, thông tin hỗ trợ. Lần này là gói giải cứu các doanh nghiệp với trọng tâm chính là nới lỏng chính sách tài khóa thông qua hình thức giảm thu ngân sách.

Đừng quên tái cấu trúc

Một điều mà nhiều nhà đầu tư lo lắng vào thời điểm hiện tại là liệu TTCK sẽ lại rơi vào vòng xoáy bong bóng như đã từng xảy ra trước đây hay không?. Câu trả lời là hoàn toàn có thể.

TTCK đã tăng khá nhiều kể từ đầu năm tới nay. Hai chỉ số VN-Index và HNX-Index mới tăng được vài chục phần trăm, nhưng nhiều mã đã tăng tới vài ba bốn lần.

Mặc dù vậy, trên thực tế, nếu soi trong một khoảng thời gian dài vài ba năm thì TTCK nói chung và từng mã cổ phiếu nói riêng vẫn đang ở vùng đáy. Tăng nhiều là vậy, nhưng nếu so với thời kỳ đỉnh cao thì giá cổ phiếu chưa lấy lại được bao nhiêu.

So mức đáy hồi cuối 2011 và thời kỳ đỉnh cao, nhiều cổ phiếu mất 80-90% giá. Giả sử một cổ phiếu giảm giá 90% trong thời kỳ đó, thì để trở lại đúng đỉnh cũ, cổ phiếu đó phải tăng 10 lần, tức 1.100%. Với mức tăng chung của thị trường vài chục phần trăm, hoặc một số mã tăng vài ba lần thực tế cũng chưa phải gì đáng lo ngại.

Tuy nhiên có điều là, các thời điểm để đánh giá là khác nhau. Các doanh nghiệp hiện tại vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn như sản xuất đình trệ, không bán được hàng, tồn kho lớn. Nhiều doanh nghiệp thậm chí vẫn đang trong tình trạng nợ ngập đầu và nguy cơ phá sản không phải đã hết.

Trường hợp SHN có nguy cơ phá sản, hay VSP, CAD, VKP, SCC, VTA, BAS, VSG, TLC, SHC... thua lỗ liên tiếp là những ví dụ đáng xem xét.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, khả năng phục hồi là chậm hơn nên giá cổ phiếu tăng chậm. Nhưng với nhóm dịch vụ tài chính như nhóm chứng khoán, khả năng phục hồi là rất ấn tượng. Từ đang lỗ nặng trong các năm trước, doanh nghiệp có thể lãi lớn trong quý I/2012. Giá cổ phiếu chứng khoán cũng từ đó mà tăng chóng mặt.

Như trường hợp SVS của Chứng khoán Sao Việt, giá cổ phiếu này cũng đã kịp tăng khoảng 2,5 lần cho dù thua lỗ 3 trong 4 năm liền trước (lỗ cả trong 2010 và 2011). Trong quý I/2012, SVS lãi gần 1,5 tỷ đồng.

Cổ phiếu ORS của Chứng khoán Phương Đông thậm chí còn tăng gần 4 lần, từ mức hơn 1.000 đồng/cổ phiếu lên tới gần 5.000 đồng/cp.  Sau một điều chỉnh giảm vừa rồi, sáng 4/5 ORS lại đang quay đầu tăng trần trở lại. Cổ phiếu này gần gần đây bị đưa vào diện cảnh báo vì lỗ trong năm 2011. ORS chưa có báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2012.

Khá nhiều cổ phiếu chứng khoán có mức tăng ấn tượng từ 2-4 lần khác như  AGR, APS, BSI, SHS, SBS...

Việc cổ phiếu tăng trở lại, trước hết, chủ yếu do xu hướng chung của thị trường khi mà các chỉ số kinh tế vĩ mô đã ổn định trở lại với lạm phát đang hướng về dưới ngưỡng 10%. Các doanh nghiệp cũng đã bớt khó khăn hơn so với cuối năm 2011.

Mặc dù vậy, điều mà nhiều nhà đầu tư lo ngại nhất là đầu tư vào các doanh nghiệp không nhận thức được cơ hội để tái cấu trúc lại hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Với gói kích cầu sắp được đưa ra, khá nhiều doanh nghiệp sẽ có cơ hội để hồi sinh. Áp lực về lãi cao, nợ sâu hay chi phí đầu vào tăng, tồn kho chất đống... sẽ phần nào được giải tỏa. Nhưng để có thể phát triển được, thì có lẽ các doanh nghiệp phải cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng bền vững hơn.

Hiện tượng dùng đòn bẩy tài chính lớn (nhất là trong lĩnh vực bất động sản và chứng khoán) có lẽ nên được doanh nghiệp cân nhắc kỹ. Giá cổ phiếu tăng có thể khiến nhiều người được hưởng lợi và cũng có thể khiến họ tưởng doanh nghiệp đã ổn định trở lại và quên mất nhiệm vụ phải tái cấu trúc. Giá cổ phiếu tăng không có nghĩa là tất cả các doanh nghiệp sẽ tốt đẹp lên tương ứng. Có lẽ nó chỉ phản ánh kỳ vọng của các nhà đầu tư. Khi mà kỳ vọng không thành thì giá cổ phiếu sẽ đi xuống nhanh chóng. Xét chung toàn thể TTCK thì nếu kỳ vọng vượt quá thực tế thì đó là bong bóng.

Mạnh Hà

DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp: đói góp no dồn! (10/05/2012)

>   11/05: Bản tin 20 giờ qua (11/05/2012)

>   “Chân gỗ"... ngoại dỏm (10/05/2012)

>   NVC: Cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo (10/05/2012)

>   VinaCapital chuyển lái (10/05/2012)

>   Nhà đầu tư Việt Nam khó mua cổ phiếu ở TTCK ngoại (10/05/2012)

>   Cảm giác mạnh với cổ phiếu khoáng sản (10/05/2012)

>   10/05: Bản tin 20 giờ qua (10/05/2012)

>   Săn cổ phiếu siêu rẻ, coi chừng… “nóng bỏng tay” (09/05/2012)

>   THV: Lỗ 210 tỷ đồng, cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo (09/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật