Thứ Hai, 09/04/2012 14:42

Vay vốn không cần tài sản thế chấp có dễ dàng?

Nhiều ngân hàng dù đã mở rộng “cửa” hỗ trợ doanh nghiệp nhưng đến giờ không ít doanh nghiệp vẫn lao đao vì đói vốn. Làm thế nào để doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng hơn trong tiếp cận vốn ngân hàng là vấn đề đang được sự quan tâm của nhiều người.

Khó vay vốn: “Tại anh tại ả”

Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) hiện đang chiếm tới 95% và  đang sử dụng 50% lực lượng lao động của nền kinh tế, đóng góp khoảng 40% GDP hàng năm. Dù nhiều ngân hàng đã mở các loại gói vốn hỗ trợ nhưng một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn là thiếu vốn, số lượng DNNVV tiếp cận được vốn của các ngân hàng thương mại thường chỉ chiếm 30%.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, với năng lực của doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay khó có thể đáp ứng được những yêu cầu trong vay vốn của các ngân hàng.

PGS.TS Nguyễn Thị Mùi - GĐ Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Vietinbank, cho rằng: Thứ nhất, do năng lực tài chính hạn chế. Theo số liệu điều tra doanh nghiệp Việt Nam của Tổng cục Thống kê, thì tỷ trọng của doanh nghiệp có vốn dưới 5 tỷ VND vẫn chiếm đa số, tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ kỹ thuật lạc hậu, năng lực tài chính hạn chế, …phổ biến ở hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam. Lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp ở vị trí 134/142 nước, vị trí gần như cuối bảng xếp hạng.

Thứ hai, quản trị nội bộ doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức vì nhiều lý do, bộ máy của DNNVV thường hạn chế về năng lực. Mặt khác, do chưa có quy định bắt buộc báo cáo tài chính của tất cả các DNNVV phải được kiểm toán nên một số DNNVV cung cấp thông tin cho các ngân hàng thương mại không đầy đủ, hoặc thông tin kém chuẩn xác, do đó khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Thứ ba, do sự thiếu hụt thông tin về thị trường nên sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dễ bị rủi ro, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến việc trả nợ ngân hàng khi đến hạn nếu được ngân hàng cho vay vốn. Đa phần các doanh nghiệp chưa nhận thức đúng được giá trị và ý nghĩa của xúc tiến thương mại, quảng cáo. Riêng chi phí quảng cáo chỉ chiếm 1% doanh thu, trong khi tỷ lệ này của các doanh nghiệp nước ngoài chiếm từ 10-20% doanh thu.

TS Lê Đăng Doanh cho rằng, ngân hàng cũng có cái khó khi cho vay vốn, do những hoạt động thiếu lành mạnh của một số doanh nghiệp. Trong số hơn chục nghìn doanh nghiệp phá sản hoặc lâm vào tình trạng “sống dở chết dở” thì không ít trong số ngày sống “tầm gửi”. Theo TS. Doanh, cần có sự điều tra rõ ràng hoạt động cũng như nguyên nhân dẫn đến phá sản của những doanh nghiệp trên.

Bên cạnh những lý do từ phía các doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại cũng những lý do khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Quy, nguyên phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, nhiều ngân hàng còn thiếu niềm tin vào doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhất là trong thời điểm hiện nay, rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh quá lớn khiến các ngân hàng cũng phải lựa chọn đối tượng cho vay vốn. Doanh nghiệp có hoạt động tốt, khả năng trả vốn vay cao thì ngân hàng mới “mặn mà” và ngược lại. Đó chính là rào cản lớn trong việc tìm vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Làm thế nào để dễ dàng vay vốn không cần tài sản thế chấp

Tính đến thời điểm này, nhiều ngân hàng đã công bố các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp lên tới hàng chục ngàn tỷ, kèm theo cả những giải pháp về vốn nhưng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ kêu khó tiếp cận được nguồn vốn.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, để doanh nghiệp và các ngân hàng tìm được tiếng nói chung cần phải có giải pháp từ hai phía. Đối với các ngân hàng thương mại, ngoài việc phải nhanh chóng phát triển đồng bộ các sản phẩm, tăng cường huy động nguồn, tạo điều kiện cung cấp nguồn vốn cho DNVVN, cần phát triển các sản phẩm ràng buộc, tạo điều kiện để cho vay các DNVVN đang thiếu các điều kiện về tài sản bảo đảm vẫn có thể vay được vốn ngân hàng.

Ông Nguyễn Huy Quân, Giám đốc công ty Dầu mỡ Chất đốt Quân Sen (Thái Bình), cho rằng ở các nước phát triển việc thẩm định vốn vay căn cứ nhiều vào thẩm định dự án đầu tư, nhưng hầu hết các ngân hàng ở Việt Nam đều e ngại hình thức này và hầu như không chấp nhận các doanh nghiệp vừa và nhỏ đi vay mà không có tài sản đảm bảo.

Theo bà Đỗ Thị Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, về hình thức cho vay không có tài sản đảm bảo, NHNN cũng đã có những quy định nhưng thực hiện triển khai như thế nào, đến đâu thì thuộc thẩm quyền của các ngân hàng thương mại. NHNN cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu các tỷ lệ cho vay phù hợp đối với các đối tượng không khuyến khích như cho vay tiêu dùng, vay mua nhà ở và loại trừ thêm các đối tượng nằm trong diện này.

Ông Lê Viết Hải, Phó giám đốc ngân hàng MB, cho biết vấn đề tài sản đảm bảo hiện cũng được ngân hàng hướng đến. Tuy nhiên cái khó khăn nhất của doanh nghiệp hiện nay là nền tảng hướng tới sự chuẩn hóa chưa nhiều.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thì cần đến với ngân hàng với tư cách là người minh bach tài chính. Như vậy, khi làm việc với ngân hàng sẽ tránh được hạn chế của ngân hàng trong việc rải ngân.

Cũng theo ông Hải, hiện ngân hàng MB đang triển khai nhiều khoản vay tín chấp, không cần tài sản bảo đảm. Nhưng với các doanh nghiệp có doanh thu nhỏ khoảng từ 20 tỷ đồng/năm trở xuống, MB vẫn yêu cầu phải có tài sản đảm bảo.

Hiện MB đang có gói ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu có giá trị khoảng 10.000 tỷ đồng , lãi suất ưu đãi giảm từ 1%-1,2% so với quy định, được áp dụng tưới 31/12/2012. Đối với doanh nghiệp xuất khẩu cần bổ sung vốn lưu động phục vụ nhu cầu mua nguyên liệu dự trữ trong nước để xuất khẩu, ngân hàng sẽ ưu đãi hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp từ khi thu mua nguyên liệu đến khi nhận được tiền thanh toán từ các đối tác nhập khẩu nước ngoài.

Nếu nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp cũng được ngân hàng tài trợ trọn gói từ khi mở L/c nhập khẩu đến khi nhận được thanh toán từ đối tác nhập khẩu nước ngoài. Tỷ lệ ký quỹ L/c nhập khẩu, mức lãi suất/phí dịch vụ cũng được ưu đại… vv..

Thực tế, khi có phương án khả thi, với lợi thế về thông tin lớn như thông tin về các dự án cùng loại của các doanh nghiệp cạnh tranh, thông tin thị trường…vv..ngân hàng MB sẽ sẵn sàng cùng tham gia dự án đầu tư, cung cấp vốn.

Thời điểm hiện nay, doanh nghiệp và ngân hàng đều có hoàn cảnh và khó khăn riêng do đó giải phá về vốn cần phải nỗ lực từ hai phía. TS. Mùi cho rằng, doanh nghiệp phải vươn lên đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng, bên cạnh đó ngân hàng cũng cần có đánh giá cụ thể, giúp doanh nghiệp hoàn thiện những thủ tục, trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của cả ngân hàng và doanh nghiệp. Chỉ khi đó, DNVVN mới tiếp cận được vốn ngân hàng và các ngân hàng mới khai thác được thế mạnh của DNVVN.

Khổng Nhung

vnmedia

Các tin tức khác

>   Thời điểm thuận lợi giảm lãi suất cho vay (09/04/2012)

>   Vietinbank tiếp tục giảm lãi suất cho vay kể từ 05/04  (09/04/2012)

>   “Mặt phải” của nợ xấu ngân hàng (09/04/2012)

>   Những nguyên nhân khiến ngân hàng bị sáp nhập (09/04/2012)

>   Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng (09/04/2012)

>   Rục rịch giảm tiếp lãi suất (07/04/2012)

>   Hai câu chuyện về sự minh bạch (07/04/2012)

>   Sáp nhập ngân hàng và góc nhìn truyền thông (07/04/2012)

>   Lãi suất “ảo” sẽ hết đất sống? (07/04/2012)

>   Độc quyền vốn và lãi suất (07/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật