Thứ Bảy, 07/04/2012 10:43

Hai câu chuyện về sự minh bạch

Trong khi đưa ra những quy định, nguyên tắc và quyết tâm theo đuổi nó, các nhà hoạch định bắt buộc cũng phải tiên liệu được cả những tình huống không thuận có thể nảy sinh và có giải pháp để khắc phục.

"Quy chuẩn, minh bạch và chuyên nghiệp" có vẻ như đang là cái đích mà mọi cấp, mọi ngành đang hướng tới. Tuy nhiên, trong khi đưa ra những quy định, nguyên tắc và quyết tâm theo đuổi nó, các nhà hoạch định bắt buộc cũng phải tiên liệu được cả những tình huống không thuận có thể nảy sinh sau đó và có giải pháp khắc phục thì mới có khả năng hoàn thành được mục tiêu theo đuổi...

Xin bắt đầu từ một câu chuyện có tính thời sự: Bắt đầu từ tháng 4/2012, Thông tư số 35/2011/TT-NHNN quy định việc công bố và cung cấp thông tin của NHNN bắt đầu có hiệu lực. Có hơn 40 đầu mục thông tin và dữ liệu cần thiết cho công chúng sẽ được mở ra, trong đó có nhiều dữ liệu mà bấy lâu nay chưa được thống kê, cập nhật một cách có hệ thống và đầy đủ.

Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mở "kho dữ liệu" được đánh giá là một bước tiến lớn trong việc minh bạch hóa thông tin và sẽ giải quyết được những bất cập trong hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM). Ví như tin đồn sáp nhập, theo quy định mới, các thông tin nóng như mua, bán, hợp nhất, sáp nhập, phá sản, giải thể, thu hồi giấy phép của tổ chức tín dụng hay các xử phạt hành chính cũng sẽ được công bố trong vòng 1 ngày kể từ khi ban hành văn bản. Vì thế những "tin vịt" đồn thổi từng gây náo loạn thì trường vừa rồi khó có đất sống.

Đặc biệt, với các tổ chức tín dụng, dự liệu công bố cũng sẽ cập nhật về tốc độ tăng trưởng và số tuyệt đối của vốn điều lệ, vốn tự có, tổng tài sản, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, tăng trưởng và số tuyệt đối huy động cùng dư nợ...Hệ thống dữ liệu này sẽ hỗ trợ cho công chúng tìm hiểu và nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động của các nhà băng.

Tuy nhiên, đến đây một câu hỏi đặt ra: nếu chỉ có "ông nhà nước"mở "kho" để minh bạch thông tin, nhưng các NHTM vẫn "đóng" hay "mở" chiếu lệ để đối phó thì tình hình sẽ ra sao?

Trên thực tế, hiện thị trường ngân hàng đang có một nan y khó chữa: lách trần lãi suất. Gần đây, dù NHNN đã áp đặt trần lãi suất huy động 13%/năm nhưng do căng thẳng về thanh khoản, một số NHTM bên ngoài thì trương niêm yết huy động bằng, thậm chí thấp hơn mức quy định, nhưng thực chất vẫn âm thầm sử dụng "kỹ nghệ" lách trần tinh vi. Ví như: áp dụng một hình thức khuyến mãi các quà tặng bằng tiền hay hiện vật cho khách hàng gửi VND hoặc USD, hay tổ chức  quay số trúng với các giải thưởng hấp dẫn như: ôtô, tủ lạnh, máy lạnh... Về bản chất, các chương trình khuyến mại, tặng quà, quay số... dù là hình thức nào cũng là "lách" luật, đẩy lãi suất huy động vượt trần.

Một số nhà băng lại dùng chiêu lách trần "kép". Ví như tung ra lãi suất kỳ hạn 1 ngày bằng 5%/năm, ngày đầu khách hàng được hưởng lãi suất 5% và ngày 2, khách hàng lại được tính như ngày đầu (5%). Với lãi kép này, tính đến cuối tháng lãi suất của người gửi sẽ vượt quá trần 13%. Hay chuyện sổ tiết kiệm tuy ghi lãi suất niêm yết, nhưng người gửi được nhận luôn lãi suất "chênh" mà không phải ký nhận bất cứ một văn bản, chứng từ nào. Mỗi nhà băng có một cách hợp thức hóa khoản chi phí vượt trần như cho vào kinh phí quảng cáo, cho vào thi đua tuyên truyền...

Rõ ràng, chừng nào chuyện "đi đêm" lãi suất chưa được kiểm soát và có giải pháp để triệt tiêu, rất khó nói đến sự minh bạch...

Đến đây, chợt nhớ đến câu chuyện tương tự đã từng xảy ra năm ngoái. Bắt đầu từ ngày 1/3/2011, ngành hải quan Việt Nam cũng thực hiện "Tuyên ngôn khách hàng", được ban hành tại Quyết định số 225/QĐ-TCHQ ngày 9/2 nhằm minh bạch hóa hoạt động của ngành hải quan.

Được xây dựng theo phương châm "Chuyên nghiệp - Minh bạch và Hiệu quả", Tuyên ngôn khách hàng là một bước thực hiện cam kết của ngành hải quan trước cộng đồng xã hội về việc đảm bảo tạo thuận lợi, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan đối với các hoạt động thương mại, đầu tư và du lịch quốc tế. Ở đây ngành hải quan đưa ra 4 cam kết rất cụ thể: Một là về thời hạn tiếp nhận, đăng ký tờ khai; Hai là thời hạn giải quyết hồ sơ miễn thuế; Ba là thời hạn trả lời, giải quyết vướng mắc; và bốn là thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo phải thực hiện theo đúng quy định của Luật khiếu nại, tố cáo.

Tuy nhiên, theo nhận định chung điều quan trọng nhất để xây dựng được cái gọi là "văn hóa minh bạch" không phải là những văn bản tuyên bố một cách ồn ào kiểu "hô khẩu hiệu" mà quan trọng là chúng ta phải xây dựng cho được những con người minh bạch và một không gian thực sự minh bạch giữa hải quan và khách hàng.

Ai đã từng gắn bó với các hải quan các cửa khẩu và giới doanh nghiệp xuất nhập khẩu hẳn rất thấm thía điều này. Lâu này hình như không chỉ người "gác cửa" (hải quan) mà nhiều người "qua cửa" (doanh nghiệp) cũng đã vô tình hoặc cố ý dựng nên những luật, những lệ mà trong đó sự minh bạch là rất mong manh. Ví như thói quen phong bao, phong bì "bồi dưỡng" cho quan chức nhân viên hải quan khi làm thủ tục hàng hóa qua cửa khẩu. Thói quen thâm canh cố đế đến nỗi kể cả khi ngành hải quan từ lâu đã có quy định và viết biển hiệu hẳn hoi tại các trụ sở giao dịch ngăn cấm chuyện "bồi dưỡng" nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn bị ám ảnh bởi chuyện này và cảm thấy "có lỗi" khi phải bỏ qua chuyện phong bì để giải quyết công việc một cách đàng hoàng, minh bạch hơn.

Rõ ràng, để xây dựng được một "văn hóa minh bạch" trong giao dịch thương mại một mình ngành hải quan nỗ lực là chưa đủ, họ rất cần sự hợp tác tích cực từ nhiều phía, trước hết là từ khách hàng quen thuộc là giới doanh nhân. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên sau khi đề ra những tiêu chí cho công chức hải quan, Tuyên ngôn phục vụ khách hàng cũng không quên "cột trách nhiệm" cho giới doanh nghiệp khi bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp cần nắm vững và tuân thủ pháp luật về hải quan, trung thực, chính xác, thực hiện nghĩa vụ thuế đúng pháp luật, không thực hiện hành vi tiêu cực; hợp tác tích cực với cơ quan hải quan trong giải quyết công việc...

Có như vậy, Tuyên ngôn phục vụ khách hàng của ngành hải quan mới thực sự là tuyên ngôn của sự minh bạch chứ không chỉ là khẩu hiệu ồn ào được đính trên tường...

Tâm Thời

diễn đàn kinh tế việt nam

Các tin tức khác

>   Sáp nhập ngân hàng và góc nhìn truyền thông (07/04/2012)

>   Lãi suất “ảo” sẽ hết đất sống? (07/04/2012)

>   Độc quyền vốn và lãi suất (07/04/2012)

>   Thận trọng với lãi suất tiền gửi cao (06/04/2012)

>   Sẽ hạ hệ số rủi ro cho vay BĐS và CK từ 250 xuống 150%? (06/04/2012)

>   NHNN: 'Trần huy động sẽ về 12% một năm' (06/04/2012)

>   Ông Cao Sỹ Kiêm: Mỗi quý, trần lãi suất có thể giảm 1% (06/04/2012)

>   Ngân hàng kế hoạch giảm tiếp lãi suất cho vay (06/04/2012)

>   Khó hạ lãi suất (06/04/2012)

>   Ẩn sau sự ổn định của tỷ giá USD/VND (06/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật