Ẩn sau sự ổn định của tỷ giá USD/VND
Ngày 5/4, chẵn 80 ngày liên tiếp tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa USD với VND không đổi. Tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại cũng đứng im, ngoại trừ chút gợn tăng tại Vietcombank vào cuối ngày.
Không chỉ 80 ngày qua, mà hơn nửa năm trở lại đây tỷ giá USD/VND được giữ ổn định. Đây là một kết quả tốt của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành, giữ được niềm tin đối với giá trị VND, tạo được sự ổn định tâm lý thị trường, tránh được những xáo trộn tiêu cực như từng có trong vài năm trước…
Đi cùng với sự ổn định, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tự tin tuyên bố trong năm 2012 tỷ giá USD/VND dự kiến sẽ biến động trong khoảng 2% - 3%. Sự tự tin cần thiết cho thị trường, nó mang tính định hướng chính sách cho nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp.
Nhưng, thực khó để có được sự hoàn hảo tuyệt đối trong chính sách. Một bộ mặt khác của sự ổn định tỷ giá đang được đề cập tới.
Gần như cùng thời điểm, VnEconomy ghi nhận việc hai cơ quan chuyên môn cùng đưa ra một số quan ngại ít được đề cập ẩn sau sự ổn định của tỷ giá USD/VND. Đó là góc nhìn của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.
Trong nhận định vừa công bố tuần này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra khuyến nghị: “Tỷ giá cũng cần được điều hành linh hoạt và không nên “neo” vào một biên độ quá hẹp (ví dụ như tăng không quá 3%) vì điều này sẽ thu hẹp dư địa của chính sách tiền tệ, ảnh hưởng đến xuất khẩu và có thể kích hoạt luồng tiền nóng từ bên ngoài vào Việt Nam để hưởng chênh lệch lãi suất và tận dụng bảo hiểm tỷ giá “miễn phí”.
Khuyến nghị ngắn gọn có vậy, nhưng nhiều hàm ý. Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra định hướng như một “cam kết” về giới hạn biến động của tỷ giá USD/VND trong năm nay. Việc điều hành chính sách theo đó có áp lực phải đảm bảo định hướng này. Đơn cử như áp lực cụ thể nhất hiện nay là giảm lãi suất VND; yêu cầu đang đặt ra, thậm chí cấp thiết, nhưng nếu giảm nhanh và mạnh dễ tạo phản ứng bất lợi từ tỷ giá.
Thứ nữa, Ủy ban Kinh tế e ngại luồng tiền nóng từ bên ngoài và tác động của nó. Môi trường hiện tại đang kích thích các dòng chảy, nhưng nếu có dấu hiệu thay đổi dẫn tới một sự đảo chiều thì sẽ gây áp lực tới tỷ giá.
Ở điểm này, Ủy ban Kinh tế có “điểm hẹn” với Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.
Trong báo cáo vừa công bố, Ủy ban Giám sát cũng cho rằng, việc cam kết giữ tỷ giá ổn định điều chỉnh ở mức thấp một mặt có khía cạnh tích cực khi tạo ra niềm tin đối với VND giúp ổn định lạm phát, nhưng trong tình hình chênh lệch lãi suất giữa VND và USD còn lớn hiện nay thì việc cố định mức điều chỉnh thấp như vậy sẽ tạo ra một luồng vốn nóng (arbitrage) chảy vào Việt Nam dưới hai hình thức đầu tư gián tiếp và vay ngắn hạn từ nước ngoài.
“Điều này sẽ góp phần tăng nguồn cung ngoại tệ tạo điều kiện để ổn định tỷ giá, tăng dự trữ quốc gia. Tuy nhiên đây là luồng vốn nóng (mang tính ngắn hạn) nên khi có biến động, luồng vốn nóng này sẽ nhanh chóng dịch chuyển ra khỏi Việt Nam và đây chính là rủi ro trong trung hạn nếu lượng vốn đầu tư gián tiếp này có quy mô lớn so với dự trữ quốc gia”, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhìn nhận.
Ở một khía cạnh khác, ẩn sau sự ổn định của tỷ giá, mà báo cáo của Ủy ban Giám sát đề cập là về dài hạn, chênh lệch lạm phát trong năm nay giữa Việt Nam và các đối tác thương mại chính sẽ nằm trong khoảng 5% - 7%. Theo tính toán của Ủy ban, tính đến hết năm 2011, tỷ giá thực đa phương REER (năm 2000 là năm gốc, so sánh với rổ 19 đồng tiền của các đối tác thương mại chính) ở mức 94,56, tức VND vẫn đang bị định giá cao khoảng 5,46%.
Do vậy, nếu giữ tỷ giá cố định sẽ làm cho VND bị định giá cao hơn so với các đồng tiền khác, gây ảnh hưởng đến sức cạnh tranh hàng hóa và hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong tương lai.
Với những phân tích trên, Ủy ban Giám sát cho rằng khả năng duy trì tỷ giá ổn định trong năm 2012 là rất hiện thực, tuy nhiên cần linh hoạt trong điều hành tỷ giá, lựa chọn khung thích hợp để hài hòa giữa các mục tiêu.
Vũ Ca
TBKTVN
|