Thứ Năm, 05/04/2012 09:06

Ngân hàng Việt sau 5 năm xuất ngoại: Bám rễ ở thị trường gần

Dù làn sóng xuất ngoại đang tăng nhanh gần đây, nhưng các ngân hàng trong nước vẫn đang trong giai đoạn tập dượt, khi chỉ thâm nhập các thị trường gần, sơ khai và dễ cạnh tranh trong khu vực.

Cuối năm 2007, Sacombank khiến nhiều người xôn xao khi thông báo mở văn phòng đại diện tại Trung Quốc, bởi đây là lần đầu tiên một ngân hàng Việt Nam xuất ngoại. Không lâu sau bước chân thăm dò đó, Sacombank tiếp tục tiên phong mở chi nhánh tại Lào (năm 2008) và Campuchia (năm 2009). Từ đó đến nay, hàng loạt ngân hàng như MB, SHB, BIDV, VietinBank, Agribank… đã theo chân Sacombank mở chi nhánh và công ty tài chính, bảo hiểm, chứng khoán tại Lào, Campuchia, Séc, Singapore…

Sau một thời gian ngắn “mang chiêng” đi đánh xứ người, nhiều ngân hàng hỷ hả thông báo kết quả khả quan. Chỉ sau 2 năm mở chi nhánh tại Campuchia, Sacombank đã thành lập ngân hàng con 100% vốn của mình. Tính tới ngày 20/03/2012, Sacombank tại Campuchia có tổng huy động vốn 47 triệu USD, dư nợ cho vay 60 triệu USD.

Chỉ sau vài năm hoạt động tại Lào và Campuchia, BIDV cũng đã trở thành ngân hàng Top đầu tại các thị trường này. BIDV không giấu ý định sẽ mở chi nhánh ở Myanmar khi thị trường nước này mở cửa.

Gần đây nhất (tháng 2/2012), SHB cũng khai trương chi nhánh đầu tiên tại Campuchia. Chỉ trong 1 tuần khai trương, SHB tại Campuchia đã huy động được 2,5 triệu USD, chủ yếu là nguồn từ dân cư. Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB khẳng định, SHB có hẳn một chiến lược mở rộng đầu tư ra nước ngoài.

Không chịu thua kém, nhiều ngân hàng khác cũng toan tính xuất ngoại. Maritime Bank đang có kế hoạch thành lập chi nhánh, hoặc ngân hàng 100% vốn tại nước ngoài. Rất có thể, điểm đến của ngân hàng này vẫn là Lào và Campuchia.

Như vậy, có thể nói, dù làn sóng xuất ngoại đang tăng nhanh gần đây, nhưng các ngân hàng trong nước dường như vẫn đang trong giai đoạn tập dượt, khi chỉ dám đặt chân vào các thị trường gần, sơ khai, dễ tính, dễ cạnh tranh trong khu vực. Trên thực tế, nhiều ngân hàng như VCB, ACB, BIDV… cũng ôm mộng chinh phục các thị trường xa, khó tính như châu Âu, Mỹ, Đông Âu… Nhưng đến nay, mới chỉ có VietinBank là đặt được chân vào thị trường châu Âu (Frankfurt - Đức).

TS. Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho rằng, việc VietinBank có mặt tại trung tâm tài chính lớn nhất châu Âu thể hiện chiến lược của Ngân hàng trở thành tập đoàn tài chính hàng đầu Việt Nam, đủ sức cạnh tranh với các ngân hàng quốc tế khác. Không chỉ dừng ở Đức, VietinBank còn có dự định mở rộng quy mô hoạt động sang Séc, Ba Lan, Anh, Pháp…

Tuy nhiên, tham vọng của VietinBank chưa dễ đạt được. Trên thực tế, quy mô và phạm vi của VietinBank tại Đức vẫn còn nhỏ hẹp. TS. Nguyễn Trí Hiếu, người Việt Nam đầu tiên thành lập ngân hàng tại Mỹ nhận xét: “Phạm vi hoạt động của các ngân hàng Việt tại nước ngoài vẫn còn rất nhỏ hẹp. Thực tế, thành lập một chi nhánh, văn phòng đại diện của ngân hàng ở nước ngoài không cần nhiều vốn. Để thành lập một văn phòng đại diện tại Mỹ chỉ cần 15-20 triệu USD. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất khi hoạt động tại thị trường này là phải tuân thủ tuyệt đối quy định pháp luật của Ngân hàng Trung ương Mỹ, các luật của liên bang, tiểu bang. Trong khi đó, ý thức chấp hành pháp luật của nhiều ngân hàng Việt Nam còn yếu”.

Dĩ nhiên, xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các ngân hàng, theo nhiều chuyên gia kinh tế là tích cực, vì sẽ mở rộng được thị trường, nâng cao thương hiệu của Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu, giúp ngân hàng có thêm kinh nghiệm hoạt động theo mô hình xuyên quốc gia…

“Dù có hạn chế đầu tư ra nước ngoài để tập trung nguồn lực trong nước, song với hoạt động ngân hàng, việc vươn ra nước ngoài là cần thiết, vì ngân hàng cần rất nhiều thị trường để phân bổ rủi ro”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để thâm nhập các trung tâm tài chính lớn của thế giới, ngân hàng Việt phải nâng cao quy mô vốn, công nghệ, đặc biệt là năng lực quản trị điều hành. Thực tế, các ngân hàng như ACB, VCB, BIDV... từng được Ngân hàng Nhà nước cho phép mở văn phòng đại diện tại Mỹ, nhưng chưa được phía Mỹ chấp thuận. Mặt khác, việc kiếm tiền ở thị trường nước ngoài cũng không dễ dàng và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngay cả ông lớn như BIDV cũng phải mất vài năm mới có lãi tại thị trường Campuchia. Còn Sacombank, sau 3 năm hoạt động tại trung Quốc, cũng đã phải đóng cửa văn phòng đại diện.

Về mặt quản lý, TS. Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần phải có phương án đề phòng để tránh trường hợp vốn trong nước thiếu, mà vẫn bị chảy ra nước ngoài, thất thoát vốn do rửa tiền, chuyển tiền…

Thùy Liên

đầu tư

Các tin tức khác

>   Tín dụng méo mó (05/04/2012)

>   Chọn 5 ngân hàng “mở hàng” nghị định vàng? (05/04/2012)

>   Xếp hạng doanh nghiệp cho một số chi nhánh thuộc BIDV (04/04/2012)

>   Từ 19-23/03: Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 3 tuần giảm 2.11% (04/04/2012)

>   Tại sao không cần thêm một ngân hàng? (04/04/2012)

>   HSBC: Lãi suất sẽ tiếp tục giảm (04/04/2012)

>   Ngân hàng đua giữ hộ vàng, trả lợi tức cao (04/04/2012)

>   Tháng 6 sẽ gỡ trần lãi suất huy động? (04/04/2012)

>   Lãi suất Việt Nam “khủng” nhất thế giới (04/04/2012)

>   Ngân hàng nhỏ đã thoát cơn khủng hoảng? (04/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật