Tháng 6 sẽ gỡ trần lãi suất huy động?
Đã có ý kiến đặt ra về khả năng gỡ trần lãi suất huy động vào khoảng tháng 6 - 7 năm nay. Cơ sở của việc gỡ trần này là thanh khoản trên hệ thống NH được cải thiện và lạm phát tiếp tục giảm.
Mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này nhưng giới chuyên gia NH đều thống nhất cần phải sớm hạ lãi suất cho vay để cứu DN và để có được mức lãi suất thấp thật sự thì phải để thị trường tự điều chỉnh lãi suất. Tuy nhiên, trước khi gỡ trần lãi suất huy động, NHNN cần phải cơ bản đã xử lý được những NH yếu kém, giải quyết vấn đề thanh khoản, nợ xấu…
Tại sao phải đến tháng 6?
Hẳn không ít thành viên thị trường thắc mắc tại sao phải đến tháng 6 - 7 mới có thể gỡ được trần lãi suất, mà không phải là tháng sau khi mà điều kiện thực hiện đã có như lạm phát giảm khá mạnh (3 tháng đầu năm, lạm phát chỉ hơn 2,5%), thanh khoản của hệ thống NH đã được cải thiện, các NH cũng xác nhận lãi vay quá cao nên khó giải ngân?
Trong khi đó, cứ chậm trễ trong việc giảm lãi suất ngày nào thì hệ lụy đến thị trường càng xấu ngày đó. Con số hơn 79.000 DN giải thể trong năm 2011 và 3 tháng đầu năm 2012 tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước số doanh nghiệp ngừng hoạt động... của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy tính bức thiết của việc hạ lãi suất. Nếu tình trạng này còn kéo dài thì số lượng DN đình đốn, phá sản sẽ tăng lên và hệ quả tất yếu là nền kinh tế khó có thể đạt mức tăng trưởng GDP 5,5 - 6% như kế hoạch. Cụ thể, GDP quý I/2012 tăng chậm lại, đạt khoảng 4% (là mức tăng chậm nhất trong nhiều năm qua)...
Có ý kiến cho rằng, cứ nên gỡ trần lãi suất vào thời điểm này, như vậy sẽ đem lại thuận lợi cho hệ thống NH, tuy nhiên những NH nhỏ có thể sẽ vấp phải cạnh tranh khốc liện khi các NH lớn có khả năng đưa ra những lãi suất hấp dẫn hơn khi không còn trần. Nhưng nếu gỡ trần như vậy thì hệ lụy tất yếu là mặt bằng lãi suất huy động lại sẽ bị đẩy lên mức cao hơn, điều đó càng khiến tiến trình giảm lãi suất chậm lại và DN lại chịu một phen điêu đứng.
Về vấn đề này, theo TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng ít nhất phải đến tháng 6 mới có thể bỏ trần huy động, vì thời điểm đó việc sắp xếp lại hệ thống NH cơ bản ổn định.
“Cần phải có thời gian để NHNN triển khai tốt đề án 254 sắp xếp lại hệ thống nhà băng một cách ổn định. Cụ thể là ngay trong tháng 4 và 5 sẽ xử lý rốt ráo các NH yếu kém và giải quyết triệt để vấn đề thanh khoản, nợ xấu... Vì vậy, ít nhất phải vào tầm tháng 6 thì hệ thống NH mới trở nên lành mạnh và ổn định hơn. Khi đó, NHNN mới tiến hành bỏ trần là tốt nhất” - TS Trần Hoàng Ngân nhận định.
Cùng quan điểm này, chuyên gia NH Nguyễn Trí Hiếu còn nhấn mạnh, NHNN hãy để cho lãi suất thả nổi và đi kèm với một nguyên tắc khác của quy luật kinh tế thị trường là để cho các NH yếu kém phá sản nếu không còn cách nào khác. Có như thế thì lãi suất mới có thể hạ, DN mới có thể tiếp cận được với nguồn vốn lãi suất thấp.
Cần thêm thời gian để ổn định thanh khoản
Theo nhận định của NHNN thì vấn đề thanh khoản của hệ thống NH đã tương đối ổn định, tuy nhiên, nếu gỡ trần vào thời điểm này thì vẫn gây nên sự bất ổn định cho thị trường. Bởi lẽ, nhìn vào thực tế, hiện nay tính tuân thủ của các NH vẫn chưa cao. Ngay khi còn áp trần, hiện tượng lách trần vẫn diễn ra, nếu bỏ lúc này sẽ gây ra sự bất ổn định cho thị trường.
“Dù lãi suất huy động đã giảm xuống còn 13% nhưng một số NH, kể cả NH lớn vẫn tìm cách lách huy động với lãi suất vượt trần. NHNN cho biết không có quốc gia nào có tỉ lệ dư nợ trên tổng huy động cao như Việt Nam đến gần 100%. Điều đó cho thấy các NHTM đang có vấn đề về thanh khoản” - ông Hiếu nhận định.
Tuy nhiên, nếu việc thả nổi lãi suất được thực hiện cùng biện pháp cho phép tổ chức tín dụng được phá sản thì lãi suất cao tại một NH không những không hấp dẫn người gửi tiền, mà ngược lại sẽ trở nên một dấu hiệu cảnh báo người gửi tiền về sự yếu kém hay mất thanh khoản của NH đó và buộc các NH này phải trở về với mặt bằng lãi suất dựa trên cung - cầu của thị trường.
“Ngược lại, nếu việc tháo bỏ trần lãi suất không đi kèm với việc cho phép tổ chức tín dụng phá sản sẽ có thể dẫn đến tình trạng người gửi tiền chỉ nhắm vào các tổ chức tín dụng mời chào lãi suất cao, vì gửi tiền vào bất cứ NH nào cũng an toàn như nhau” - ông Hiếu bình luận.
Về vấn đề này, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng một cơ chế lãi suất huy động được điều chỉnh theo luật cung - cầu và loại bỏ những yếu tố cạnh tranh không lành mạnh sẽ dẫn đến cơ chế lãi suất cho vay hợp lý cho DN.
“Để có được điều này thì ngay bây giờ NHNN cần phải đẩy nhanh quá trình sắp xếp, tái cấu trúc đã làm trong sạch hệ thống NH. Khi các NH yếu kém đã bị loại bỏ, thanh khoản cũng ổn định thì không NH nào muốn huy động với lãi suất cao và việc DN tiếp cận được vốn thấp hay không không quan trọng bằng khả năng hấp thụ vốn của họ” - ông Nghĩa bình luận.
Minh Huệ
Lao động
|