Thứ Hai, 02/04/2012 15:07

Ngân hàng bắt đầu cho vay tái cấu trúc tài chính

Sau gần một tháng thực hiện chủ trương giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng đã đẩy mạnh vốn ra thị trường, với mức lãi vay ưu đãi hơn trước, thấp hơn khoảng 1 - 2%/năm.

Các doanh nghiệp đang tìm cách trả nợ cũ lãi suất cao để vay mới với lãi suất thấp hơn, nhưng mặt khác, một số ngân hàng đã chủ động cho doanh nghiệp vay để tài cấu trúc tài chính.

Tuy mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay vẫn còn quá cao đối với doanh nghiệp (DN), song đã phần nào giảm bớt áp lực so với tháng trước. Hầu hết nhà băng đã điều chỉnh lãi suất từ mức cao 19 – 22%/năm xuống còn 18 – 20%/năm. Ở những ngân hàng “có điều kiện”, lãi suất cho vay đối với DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu còn thấp hơn.

Cụ thể, tại các ngân hàng như ACB, Eximbank, DongA Bank…, lãi suất cho vay DN trong các lĩnh vực nói trên hiện dao động trong khoảng 17,5 – 18,5%/năm; tại các ngân hàng có vốn Nhà nước như VCB, VietinBank, BIDV, MHB, lãi suất cho vay còn thấp hơn, 16 – 17%/năm.

Vì vậy, các DN có dự án kinh doanh khả thi đang tìm cách trả nợ cũ để vay lại với lãi suất thấp hơn. Tổng giám đốc OCB, ông Trịnh Văn Tuấn cho biết, đã có nhiều DN trả nợ cũ để vay mới hoặc tìm cách thương thảo lãi suất với ngân hàng.

Cũng theo ông Tuấn, trong hợp đồng tín dụng có một số điều khoản cho phép ngân hàng có thể thay đổi lãi suất theo kỳ. Dựa vào đó, không ít DN đã thương thảo lãi suất với ngân hàng.

Nhưng đáng chú ý hơn, một số ngân hàng đã chủ động tạo điều kiện cho DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa (DNNVV) thông qua các chương trình cho vay tái cấu trúc tài chính DN. Các gói cho vay này chủ yếu giúp DN khắc phục sự mất cân đối kỳ hạn giữa tài sản và nguồn vốn của DN, chẳng hạn khi doanh thu, tiền bán hàng về chậm hơn ngày đáo hạn khoản vay ngân hàng…

Hai ngân hàng ACBDaiABank nằm trong số những ngân hàng đầu tiên triển khai các chương trình cho vay tái cấu trúc tài chính DN.

Cụ thể, ACB vừa triển khai chương trình “Cho vay tái cấu trúc tài chính dành cho DNNVV”, với tổng vốn hạn mức 1.000 tỷ đồng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, chế biến. DN khi tham gia Chương trình sẽ được cho vay trả góp trung dài hạn nhằm tái cấu trúc tài chính. Quy mô tài trợ đối với một khách hàng là 50 tỷ đồng trong thời gian 60 tháng và được ân vốn gốc.

Trao đổi với ĐTCK, ông Đỗ Minh Toàn, Phó tổng giám đốc ACB cho biết, với Chương trình hỗ trợ vốn cho các DNNVV cơ cấu lại tài chính, Ngân hàng áp dụng lãi suất cho vay khoảng trên dưới 18%/năm.

Tại DaiABank, bắt đầu từ tháng 4/2012, Ngân hàng dành 1.000 tỷ đồng cho vay tái cấu trúc tài chính với thời hạn 3 - 5 năm, hạn mức tối đa 30 tỷ đồng/khách hàng, vay từng lần và trả gốc linh hoạt. Đối tượng khách hàng là các DNNVV đang gặp khó khăn trong cân đối tài chính, muốn tái cấu trúc về thời hạn của khoản vay.

Ông Lê Huy Dũng, Tổng giám đốc DaiABank cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, các DN phải có giải pháp thích ứng, trong đó có giải pháp tài chính. Ngoài ra, trước đây DN thường vay vốn ngắn hạn để kinh doanh và ngân hàng cũng thường tái cấp vốn khi hợp đồng đáo hạn. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã khác, DN có kế hoạch kinh doanh tốt, dự án đang triển khai nhưng vẫn thiếu vốn, cần được hỗ trợ.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, việc hỗ trợ vốn cho các DNNVV tái cấu trúc tài chính không đồng nghĩa với việc xử lý khoản vay cũ tại các ngân hàng khác.

“DaiABank sẵn sàng cho DN vay nhiều hơn các ngân hàng khác trong trường hợp DN thiếu vốn dẫn đến thiếu hiệu quả kinh doanh, nhưng không đồng nghĩa với việc xử lý khoản vay cũ tại các tổ chức tín dụng”, ông Dũng nói và cho biết thêm, rủi ro lớn nhất của ngân hàng khi đưa ra chương trình trên là không hiểu rõ khách hàng, không đánh giá đúng khả năng tài chính của DN, dẫn tới việc cho vay phải những khách hàng quá yếu và không có khả năng vượt qua khủng hoảng. Vì vậy, DaiA Bank phải có những hướng dẫn nghiệp vụ rõ ràng và giao cho bộ phận chuyên trách xử lý. Tất cả các khoản vay này đều phải được thông qua cấp cao nhất của Ngân hàng là Ban tín dụng hội sở.

Trả lời Báo ĐTCK, TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho biết, các DNNVV rất cần được chia sẻ khó khăn, đặc biệt là về vốn vay ngân hàng, cả về lãi suất và số tiền vay.

“Lãi suất cho vay sẽ giảm dần theo xu hướng giảm lạm phát. Có thể đến cuối năm, trần lãi suất huy động chỉ còn khoảng 10 – 11%/năm khi lạm phát được kiểm soát ở mức 9%. Khi đó, các DN, trong đó có khối DNNVV sẽ có thêm nhiều cơ hội tiếp cận vốn ngân hàng”, ông Kiêm nói.

Thùy Vinh

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Tái cấu trúc NH-Phải chặn được gốc: thanh khoản (02/04/2012)

>   NHNN sẽ công bố nhiều thông tin quan trọng từ tháng 4/2012 (02/04/2012)

>   Ngân hàng tinh vi vượt trần lãi suất (02/04/2012)

>   Nhiều mâu thuẫn (02/04/2012)

>   Lãi suất cho vay giảm nhỏ giọt (01/04/2012)

>   5 gánh nặng đè vai lãi suất (01/04/2012)

>   Ngoại tệ: Sóng vẫn còn xa (01/04/2012)

>   Băn khoăn chuyện trăm đô - trăm tỉ đồng (01/04/2012)

>   Ngân hàng thay chủ, đổi tướng có đổi vận? (01/04/2012)

>   Mở kho dữ liệu Ngân hàng Nhà nước (01/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật