Ngoại tệ: Sóng vẫn còn xa
Sau 17 năm hoạt động ở Việt Nam, lần đầu tiên Dragon Capital hồ hởi tuyên bố ba tháng qua giá trị tài sản ròng của các quỹ do họ quản lý “không làm gì” cũng tăng hơn 1,4% do tiền đồng lên giá so với đô la Mỹ. Chỉ mới một năm trước thôi họ còn phàn nàn giai đoạn 2007-2011 Việt Nam đã tám lần điều chỉnh tỷ giá, khiến họ không thể trả lời nhà đầu tư nước ngoài về sự ổn định của giá trị tiền đồng khi đi huy động vốn.
Tiền đồng vẫn đang trong những ngày củng cố sức mạnh và sự lên giá chút đỉnh của đô la Mỹ so với tiền đồng sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành quy định giảm trạng thái ngoại hối của tổ chức tín dụng từ 30% vốn tự có về 20% tuần trước (có hiệu lực từ đầu tháng 5-2012) mang tính phép thử thăm dò của giới đầu cơ. Phép thử ấy ngay lập tức cho kết quả: sóng ngoại tệ năm nay nếu có, vẫn còn ở xa lắm!
Cung dồi dào
Một vài ngày đầu sau khi có quy định mới về thu hẹp trạng thái ngoại hối, các ngân hàng thương mại niêm yết giá mua bán đô la Mỹ tăng 10-60 đồng/đô la. Giá niêm yết tăng sau khi tỷ giá giao dịch trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng có dấu hiệu nhích nhẹ.
Đã có những thay đổi căn bản trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng trong vòng sáu tháng trở lại đây. Trước đây thị trường này chạy theo tỷ giá thị trường tự do. Nay thì ngược lại, tỷ giá thị trường tự do nhìn vào tỷ giá liên ngân hàng mà tự điều chỉnh. Tất nhiên tỷ giá thị trường tự do còn bị chi phối bởi một yếu tố khác là giá vàng (do gom đô la mặt để nhập vàng lậu nếu giá vàng nội chênh lệch quá nhiều so với giá quốc tế). Nhưng nhìn chung ảnh hưởng của giá vàng lên tỷ giá thị trường tự do chỉ diễn ra một thời gian rất ngắn vì NHNN đang kiểm tra chặt khâu chế tác vàng nguyên liệu thành vàng miếng SJC.
Sự nhích nhẹ của tỷ giá liên ngân hàng lần này không bắt nguồn từ cung cầu. Một số nhà nhập khẩu và doanh nghiệp vay ngoại tệ có vẻ nhấp nhổm trước quy định mới, họ e ngại khả năng tiền đồng mất giá, song họ cũng đủ bình tĩnh để quan sát thêm trước khi quyết định mua ngoại tệ trả nợ. Quan trọng là lãi suất cho vay tiền đồng vẫn chưa hạ xuống bao nhiêu dù lãi suất huy động đã về 13%/năm, thì chưa có gì phải quá lo lắng.
Trong khi đó, các nhà xuất khẩu vẫn thực hiện các hợp đồng giao ngay ngoại tệ, không thấy hiện tượng găm giữ trở lại chờ đợi giá. Sở giao dịch NHNN cũng không điều chỉnh giá mua bán ngoại tệ. Nhập siêu quí 1-2012 được dự báo ở mức thấp so với cùng kỳ những năm trước, khoảng 250 triệu đô la Mỹ. Quỹ dự trữ ngoại hối đang dày thêm. Tuần qua NHNN phải tiếp tục phát hành thêm tín phiếu, nhưng cũng chỉ được hơn 2.400 tỉ đồng để hút bớt tiền về do thanh khoản ngân hàng đang thừa. Nếu tính cả tuần trước đó, tín phiếu mới bán được tổng cộng khoảng 6.000 tỉ đồng, trong khi mục tiêu tới 40.000 tỉ đồng. Đủ thấy nguồn cung ngoại tệ không có vấn đề gì đáng để dẫn đến tình trạng căng thẳng.
Thu hẹp đầu cơ
Đề xuất giảm trạng thái ngoại hối xuất hiện từ giữa năm 2011, nhưng phải đến chín tháng sau mới thành quy định chính thức. Và không phải ngẫu nhiên NHNN chọn thời điểm này để ban hành.
Thứ nhất, cầu tín dụng ngoại tệ đang giảm và còn tiếp tục giảm trong những tháng tới khi NHNN siết quy định cho vay ngoại tệ. Huy động vốn ngoại tệ cũng giảm do người dân đang chuộng bảo toàn tài sản bằng tiền đồng hơn đô la Mỹ. Như vậy nguồn cung đô la thương mại có khả năng vẫn dồi dào và NHNN buộc phải thực thi vai trò người mua bán cuối cùng. Áp lực mua vào ngoại tệ vẫn đang hiện hữu với cơ quan quản lý.
Thứ hai, thời gian qua một số ngân hàng có kinh nghiệm kinh doanh ngoại hối đã short (bán ra) đô la Mỹ mạnh, thậm chí để trạng thái ngoại hối âm, lấy tiền đồng cho vay, tận dụng chênh lệch lãi suất đồng nội tệ và ngoại tệ. Thị trường chưa quên đầu quí 2-2011 một ngân hàng đã short tới 120 triệu đô la Mỹ, tận dụng được chênh lệch lãi suất tiền đồng - đô la Mỹ đến 15%/năm, thu lợi không nhỏ.
Có ngân hàng mạo hiểm có thời điểm để âm trạng thái ngoại hối tới 20-25%, tức gần hết biên độ cộng trừ 30% quy định hiện hành. Nay với quy định mới, họ sẽ không dám giữ mức âm trạng thái ngoại hối cao như thế nữa. Có thể mức âm tối đa chỉ 10-15%.
Từ nay đến cuối tháng 4 những ngân hàng nào đã “trót” giữ trạng thái ngoại hối âm ở mức cao sẽ phải mua lại ngoại tệ. Liệu việc mua vào có đủ sức đẩy tỷ giá biến động? Chúng tôi dự báo là không, và nếu có thì cũng không đáng kể. Quy định mới yêu cầu các ngân hàng thu hẹp đầu cơ ngoại hối cả ở hai chiều short và long (mua vào). Tuy nhiên trong điều kiện hiện tại, ngay cả khi lãi suất huy động giảm thêm 1 điểm phần trăm nữa, về mức 12%/năm, việc giữ trạng thái ngoại hối âm vẫn có lợi. Do đó các ngân hàng có thể sẽ chỉ giảm mức độ âm của trạng thái về nấc hợp lý, chứ chưa chấm dứt hoàn toàn việc bán ra ngoại tệ. Những ngân hàng thận trọng sẽ duy trì trạng thái ngoại hối cân bằng, có thể dương 10-15% như đa số đang thể hiện. Điều này được đảm bảo bởi tỷ giá năm nay nếu điều chỉnh sẽ không quá 2-3% như tuyên bố của NHNN và nguồn cung ngoại tệ đang mở rộng.
Lưu Hảo
TBKTSG
|