Thứ Sáu, 30/03/2012 10:59

Nên khoanh nợ xấu bất động sản

Tại một hội thảo về cơ hội cho thị trường BĐS tổ chức mới đây, TS Vũ Đình Ánh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đã nhận định như vậy.

Theo quan điểm riêng của TS Ánh, nếu tiếp tục thắt chặt tín dụng thì các DN BĐS sẽ chết và có một thực tế là tiền đang rất nhiều trong các ngân hàng. PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với TS Ánh về vấn đề này.

Với động thái hạ trần lãi suất của các NHTM, khả năng tới đây nguồn vốn huy động của các ngân hàng sắp tới sẽ gặp nhiều khó khăn. Nguồn vốn cho vay BĐS vì vậy sẽ càng bị siết chặt hơn, ông có ý kiến thế nào về thông tin này?

- Sau đợt phát hành thành công trái phiếu chính phủ, chúng ta đã thu hút được trên 11.000 tỉ đồng, với lãi suất 11%/năm và dài kỳ từ 2 - 5 năm. Ngoài ra, NHNN liên tục phát hành hàng loạt tín phiếu với tổng giá trị trên 5.000 tỉ đồng để thu tiền về, với mức lãi suất cao hơn trái phiếu chính phủ dao động khoảng 1,5%/năm. Như vậy, rõ ràng, nguồn tín dụng nằm trong NH hiện đang rất dồi dào và chắc hẳn họ sẵn sàng tìm cửa để đầu tư, nếu có cơ hội. Tôi cho rằng NH cũng sẽ không thể tiếp tục huy động vốn với lãi suất 13% như hiện nay và do vậy trần lãi suất chắc chắn giảm. Vấn đề là tiền đã có trong NH nhưng chưa biết đổ vào đâu.

Vậy theo ông, đâu là lý do khiến các NH dè dặt với BĐS?

- Như tôi đã nói, NH không thiếu tiền, nhưng họ sợ rủi ro nợ xấu nên rất thận trọng khi quyết định cho vay. Theo nhận định của nước ngoài, nếu tính đúng, tính đủ, nợ xấu của ngành NH Việt Nam không chỉ là con số hơn 3% như công bố mà nằm trong khoảng 12 - 15%. Sở dĩ có sự khác biệt như vậy là do cách tính nợ xấu khác nhau. Cụ thể, theo tiêu chuẩn quốc tế, chẳng hạn ngân hàng có 100 đồng, cho vay 10 đồng nhưng không thu hồi được thì toàn bộ 100 đồng được xem là nợ xấu. Nhưng hiện các NHTM trong nước đang  xem 10 đồng chưa thu hồi được là nợ xấu.

Bên cạnh đó, theo tôi, từ nay đến cuối năm, giá BĐS sẽ hạ tiếp do áp lực trả nợ NH. Thực tế, nhiều DN đang đứng bên bờ vực thẳm nên họ buộc phải hạ giá sản phẩm. Vấn đề là giảm bao nhiêu thì còn tùy vào từng khu vực cũng như những chi phí mà họ đã bỏ ra, trong đó có cả những chi phí không chính thức.

Theo ông nên xử lý vấn đề này như thế nào?

- BĐS là xương sống của nền kinh tế. DN mà chết thì NH cũng chết theo. Vì vậy, giải pháp ở thời điểm này là Nhà nước nên tính đến việc khoanh nợ xấu lại, tạo điều kiện cho các DN được tiếp tục vay vốn.

Ông có cho rằng, với việc lãi suất giảm, từ nay đến cuối năm thị trường BĐS sẽ có cơ hội khởi sắc?

- Theo tôi thì lãi suất giảm không có nghĩa sẽ bớt khó khăn đối với thị trường BĐS, vì còn rất nhiều kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng, tiền tệ... kể cả khu vực sản xuất, kinh doanh cũng hút vốn. Vấn đề là rủi ro, cơ hội và năng lực tiếp nhận của từng kênh đầu tư.

Vấn đề mấu chốt cần phải xử lý ngay là giá và cơ cấu thị trường BĐS. Theo báo cáo của Hiệp hội BĐS Việt Nam, thị trường nhà ở căn hộ tại TPHCM có khoảng 37% là cao cấp, 28% trung bình và chỉ có 25% là nhà ở bình dân. Thị trường nhà ở căn hộ tại Hà Nội lại chủ yếu là các căn hộ có diện tích lớn trên 100m2 và khoảng 40% là hạng cao cấp với giá bán trên 30 triệu đồng/m2. Như vậy là vẫn còn rất cao và vượt quá xa năng lực tài chính của số đông người dân.

Và còn một khoảng trống khá lớn về thị trường các căn hộ có diện tích từ 30 - 70m2 hoặc đất nền có giá dưới 10 triệu đồng/m2 tại TPHCM và dưới 20 triệu đồng/m2 tại Hà Nội ở các vị trí hợp lý. Tôi cho rằng, một khi vấn đề giá, vấn đề cơ cấu thị trường BĐS được giải quyết, cùng với các điều kiện kinh tế vĩ mô tốt lên thì thị trường BĐS sẽ nhanh chóng ấm lại và mở ra nhiều cơ hội, không chỉ là cơ hội kinh doanh đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư BĐS, mà còn là cơ hội tiếp cận nhà ở giá phải chăng đối với người tiêu dùng.

- Xin cảm ơn ông!

Phạm Huệ thực hiện

lao động

Các tin tức khác

>   Tăng trưởng tín dụng âm sau nhiều năm: Vẫn chuyện lãi suất! (30/03/2012)

>   Những ngày ngoạn mục của tỷ giá (30/03/2012)

>   Ngân hàng không thể tự bắn vào chân mình (30/03/2012)

>   Ngưng huy động, ngân hàng quay sang giữ giùm vàng có trả lãi (29/03/2012)

>   Tín dụng tiếp tục sụt giảm (29/03/2012)

>   Lãi suất vàng ACB bỏ phân biệt, thêm chọn lọc (29/03/2012)

>   Thị trường liên ngân hàng đang tốt với ai? (29/03/2012)

>   Vì sao nhiều ngân hàng thay tổng giám đốc? (29/03/2012)

>   Bất cập hạ lãi suất (29/03/2012)

>   Có hay không việc các ngân hàng “ăn trên lưng nhau”? (28/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật