Thứ Năm, 29/03/2012 09:06

Bất cập hạ lãi suất

Ngày 22/3, NHNN đã có văn bản yêu cầu 5 NH TMNN và NH TMCP do nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ là Agribank, VietinBank (CTG), Vietcombank (VCB), BIDVMHB phải tiết giảm chi phí, hạ lãi suất cho vay và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Những động thái gần đây cho thấy NHNN đang quyết tâm đeo đuổi mục tiêu: Đưa dòng vốn giá rẻ vào nền kinh tế. Tuy nhiên, các yêu cầu, các mệnh lệnh mà NHNN đưa ra liệu đã đủ đáp ứng được những điều kiện cần và đủ để dòng vốn giá rẻ được khơi thông?

Hết “dư địa” hạ lãi suất

Xét trên thông tin mà các NH đưa ra thị trường, hiện lãi suất cho vay phổ biến tại 5 NH nằm trong nhóm chỉ định phải tiếp tục hạ lãi suất, đã rất sát trần lãi suất huy động 13%/năm. Tại Agribank, lãi suất cho vay ngắn hạn dao dộng ở mức 13,5-15,5%/năm. Trong đó, cho vay ngắn hạn với sản xuất nông - lâm - ngư - diêm nghiệp đã được điều chỉnh giảm từ tháng 2/2012 ở mức 15,5%/năm. Đặc biệt, với cho vay sản xuất, thu mua, chế biến, xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm, Agribank cũng đang có chính sách lãi suất ưu đãi gần như ngang bằng lãi suất huy động, chỉ khoảng 14,5%. Tại Vietinbank, lãi suất cho vay dành cho đối tượng vay thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chỉ bằng 13% + 0,5% đến 2 %. Vietcombank, “ông lớn” chuyên cho vay DN xuất nhập khẩu hiện cũng đang cho vay với lãi suất chỉ còn trung bình 14-17%/năm, thậm chí lãi suất cho vay đầu tư chứng khoán, bất động sản thuộc nhóm phi sản xuất tại VCB chỉ còn từ 19 - 20%, thấp hơn 4 - 5% so với lãi suất cho vay phổ biến trên thị trường.

Ngay cả BIDV, sau 5 lần hạ lãi suất chỉ trong vòng 7 tháng kể từ tháng 9/2011 đến nay, cũng đang thông báo lãi suất cho vay hiện chỉ còn từ 13,5-17% tùy thuộc đối tượng vay vốn. Hay như MHB, vốn khá “im hơi lặng tiếng” trong việc hạ lãi suất cho vay, cũng có lãi suất cho vay ngang bằng hoặc thấp hơn 1 - 2 điểm % so với một số nhà băng thương mại lớn.

Theo đại diện của một NH nằm trong nhóm được chỉ định phải hạ lãi suất kể trên, thì ai cũng biết một nguyên lý kinh doanh cơ bản của NH là căn cứ trên lãi suất tiết kiệm phải trả cho người gửi, NH còn phải cộng thêm tối thiểu 3% các loại chi phí, mới có thể có lãi. “Vì vậy, nếu trần lãi suất đang được “ấn” 13%, thì lãi suất cho vay tối thiểu cũng phải 16%, mới đủ bù trừ. Cá biệt một, hai TCTD là NH thực thi chính sách đặc biệt của nhà nước thì mới được hưởng các chương trình hỗ trợ 100% lãi suất cho DN, cá nhân nông dân, hộ cá thể vay vốn mà không phải lo chuyện nợ xấu, lo làm thế để có lãi, mới được tái cấp vốn liên tục để không phải lo căng thẳng thanh khoản, đảm bảo thanh toán...”. Cũng theo vị này thì tuy một số NH quốc doanh đang được NHNH nắm trên 50% vốn điều lệ, nhưng khi đã có cổ phần bán ra bên ngoài, có cổ đông bên ngoài nắm giữ, NH đó cũng phải tính toán sao cho đạt được mong đợi về lợi tức của các cổ đông thiểu số. “NH là DN. Hạ lãi suất cho vay, tức là khấu trừ vào lợi nhuận của DN. Năm 2011, nhiều NH công bố lãi ròng tới vài trăm tỉ đồng, nhưng thị trường có biết cho là để có được con số lãi khủng đó, NH đã phải dùng các thủ thuật như giảm trích lập dự phòng, giảm thưởng cho cán bộ công nhân viên… Còn nếu trích lập dự phòng đầy đủ, tính toán đầy đủ các chi phí, thì lợi nhuận của các NH xét trên vốn chủ sở hữu, trên tổng tài sản, vô cùng… khiêm tốn”.

DN vẫn “với không tới” tín dụng rẻ

Nói như vậy, đồng nghĩa là các NH dù được chỉ định phải hạ thêm lãi suất, nay cũng đã hết “dư địa” để có thể giảm sâu thêm, trong khi bài toán hạ lãi suất cho vay vẫn tiếp tục được đặt dù mức lãi theo thông tin đã hạ về gần ngang với lãi suất huy động?!

Không chỉ các NH quốc doanh, các NHTMCP trên thị trường hiện cũng đã thông tin là đã và đang chủ động hạ lãi suất cho vay. Đây được cho là động thái “không thể không làm” vì các NH cũng đang phải kéo DN tới với mình, giải phóng vốn đã huy động đang ứ đọng mà chính các NH cũng đang chưa biết “tiêu” vào đâu cho hữu ích, trong lúc thị trường liên NH chỉ mới được hâm nóng trở lại với các khoản vay kỳ hạn ngắn, trị giá nhỏ, còn việc cho vay khách hàng tổ chức - lĩnh vực mang lại phần lớn lợi nhuận cho NH – lại  không còn dễ dàng. Phần lớn DN có tiềm lực tài chính, làm ăn bài bản thì không muốn vay khi lãi suất đang cao, DN khát vốn thì lại nhiều rủi ro tiềm ẩn, món tín dụng cho vay dễ thành nợ xấu, mất vốn. Mặt khác, do phải giải quyết những tồn đọng, nợ cũ, nợ xấu của những năm qua, của những khoản vay trung, dài hạn chưa đến thời điểm đáo hạn, các NH cũng không rộng rãi vốn liếng để ào ạt cho vay. Số liệu mới nhất mà TS Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc Chương trình Fulbright đưa ra về nợ xấu của ngân hàng VN có thể sẽ lên đến 10-12% tổng dư nợ, cao hơn so với nhiều lần con số 4% mà các NH công bố đã cho thấy khó khăn trong việc cơ cấu chất lượng tín dụng trong năm 2012.

Một điều ngạc nhiên là khi các TCTD ồ ạt công bố những gói tín dụng giá rẻ sẽ cho vay ra, thì sau gần hai tháng có sự điều chỉnh lãi suất đón trước Thông tư 05/2012-TT-NHNN, hiện vẫn chưa có tổ chức, đơn vị nào đưa ra số liệu, thống kê đầy đủ về doanh số cho vay của các NH trong chừng đó thời gian. Điều đáng nói hơn nữa đây không phải là thời kỳ đầu tiên các NH đồng loạt tuyên bố hạ lãi suất cho vay, nhưng sau đó lại không có thống kê, công bố con số và kết quả cụ thể của dòng vốn đã điều chỉnh lãi suất.

“Làm cũng như không”?

Thực tiễn khó tiếp cận vốn giá rẻ của DN và sự mù mờ trong thông tin cho vay của các TCTD làm nảy sinh câu hỏi: Vậy các gói tín dụng giá rẻ đã rót vốn được tới đâu?  Đã triển khai chưa hay vẫn đang chỉ là “trong kế hoạch” ? Trao đổi với DĐDN, ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, nói: “Các NH cho vay tín dụng với lãi suất ưu đãi ở mức 14% nơi đâu không biết, nhưng rất nhiều DN trên địa bàn TP vẫn đang phải vay với lãi suất trên 20%/ năm, gần như không có điều chỉnh sau khi NHNN đã điều chỉnh hạ trần lãi suất cơ bản. Do đó, nói hạ lãi suất vẫn chỉ là nói lý thuyết, chứ chưa có gì trong thực tiễn”.

Rõ ràng, nỗ lực hạ lãi suất, cung vốn giá rẻ cho nền kinh tế của NHNN và các TCTD đang là thái cực tương phản với phản ánh của DN về vẫn khó tiếp cận dòng vốn giá rẻ. Một điều cũng khá khó hiểu nữa là trong khi các mệnh lệnh hành chính liên tục được đưa ra, không ngừng gia cố các nỗ lực từ cơ quan đứng đầu thị trường, thì thị trường vẫn tồn tại một lỗ hổng của việc thiếu kiểm chứng, thiếu giám sát kết quả thực thi các mệnh lệnh này một cách rốt ráo.

Có lẽ, bên cạnh những mệnh lệnh, những công cụ hành chính mà trước mắt NHNN chưa thể hạn chế, thị trường còn sự công khai, minh bạch về số liệu, về dòng vốn đã và đang được luân chuyển trong nền kinh tế, để được củng cố hơn niềm tin vào hệ thống và vào sự khơi thông huyết mạch trong cơ thể hàng hóa. Đó sẽ là điều kiện đủ, bên cạnh các điều kiện vĩ mô khác, góp phần đưa nền kinh tế thoát khỏi vòng luẩn quẩn: lạm phát – khát tiền – giá vốn, giá hàng hóa tăng - và rồi lại tiếp tục lạm phát, cũng là một phần của các điều kiện để kỳ vọng lạm phát hạ 1% trong mỗi quý tới, kéo theo là việc trần lãi suất có thể dỡ bỏ hoặc tiếp tục kéo giảm, có thể trở thành hiện thực!

TS Nguyễn Văn Thuận - Trưởng khoa Tài chính NH ĐH Mở TP Hồ Chí Minh:

Theo nguyên tắc kinh doanh, khi cho vay các khoản tín dụng trị giá lớn, các NH sẽ tiết giảm được nhiều chi phí hơn là cho vay các khoản tín dụng trị giá nhỏ. Lấy ví dụ cụ thể nếu NH cho một DN nào đó vay 100 tỉ đồng, thì chỉ mất một công thẩm định hồ sơ, dự án, tài sản thế chấp, mất một công theo dõi và thu hồi nợ từ hợp đồng vay của DN. Còn nếu 100 tỉ đồng đó, chẻ nhỏ ra 10 hộ nông dân, hoặc DN vi mô vay, thì sẽ mất 10 công thẩm định hồ sơ, dự án, tài sản thế chấp, cũng sẽ mất 10 công theo dõi và thu hồi nợ vay. Mà khi cho nông dân, DN siêu nhỏ vay, mức độ rủi ro cũng rất lớn. Thiên tai, bão lũ, mất mùa đều có thể khiến nông dân không trả được nợ, NH mất vốn. Với DN siêu nhỏ, tài sản thế chấp lại thường có trị giá rất thấp. Đây cũng là những đối tượng ít năng lực cạnh tranh trên thương trường, mức độ tăng trưởng nếu thuận lợi cũng vừa phải so với những DN “khỏe”, những “ông lớn”. Trong khi các ông lớn, chẳng hạn như DN bất động sản, nếu có rủi ro không trả nổi nợ thì NH vẫn còn có tài sản thế chấp trị giá lớn. Vì vậy, rất dễ hiểu vì sao các NH vẫn chỉ mặn mà với đối tượng vay các khoản tín dụng trị giá lớn, các DN lớn mà khó khăn với DNNVV!

Lê Mỹ

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Có hay không việc các ngân hàng “ăn trên lưng nhau”? (28/03/2012)

>   Lo ngại trước nguy cơ nợ xấu (28/03/2012)

>   Chủ tịch Seabank: Chúng tôi thừa tiền mà không dám cho vay! (28/03/2012)

>   Ts Trần Hoàng Ngân: 'Tháng 6 mới có thể bỏ trần huy động' (28/03/2012)

>   Tranh thủ đẩy mạnh huy động vàng giờ chót (28/03/2012)

>   Tái cơ cấu NH: Tránh thưởng cho yếu kém (28/03/2012)

>   Hạ lãi suất cho vay: Vẫn là mệnh lệnh hành chính (27/03/2012)

>   Lãi suất liên ngân hàng xuống dưới 10% (27/03/2012)

>   Người dân tăng gửi tiền kỳ hạn dài (27/03/2012)

>   Kiểm soát chặt tỉ giá (27/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật