Ngưng huy động, ngân hàng quay sang giữ giùm vàng có trả lãi
Một số ngân hàng thương mại tranh thủ đưa ra dịch vụ giữ hộ vàng vì chỉ còn hơn 1 tháng nữa hoạt động phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng sẽ kết thúc theo quy định của Thông tư 11/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng.
Tại một chi nhánh Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) ở TPHCM, nhân viên giao dịch tư vấn cho khách hàng có nhu cầu gửi vàng rằng, từ sau ngày 1-5 trở đi, ngân hàng sẽ không còn được phép phát hành chứng chỉ vàng theo kỳ hạn ngắn như trước, vì vậy, khách hàng có vàng nên tham gia “dịch vụ giữ hộ tài sản”. Loại tài sản được áp dụng ở đây là vàng miếng SJC với mức tối thiểu là 1 chỉ vàng.
Tuy theo, thời hạn giữ hộ tài sản, ngân hàng sẽ đưa ra định kỳ thanh toán lợi tức, và khách hàng cũng có thể nhận lại toàn bộ tài sản vào thời điểm này. Mức lợi tức cao nhất theo biểu lợi tức là 4,6%/năm dành cho thời hạn giữ hộ là 18 tháng, và tất nhiên phải đến 18 tháng mới được thanh toán lợi tức. Nếu lấy lợi tức theo từng thời kỳ, và thời hạn giữ hộ ngắn thì mức lãnh thấp hơn, dao động từ 3,95% đến 4,55%.
SCB hiện đang là một trong những ngân hàng trả lợi tức cao nhất trên mặt bằng chung của thị trường hiện nay. Một số ngân hàng khác như Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội, VPBank… cũng đang thực hiện dịch vụ này nhưng mức lợi tức được trả dao động từ 2- 3%, cũng bằng với lãi suất huy động chứng chỉ vàng mà nhiều ngân hàng đang áp dụng hiện nay.
Nói về dịch vụ trên, Viện phó Viện quản lý kinh tế trung ương Võ Trí Thành cho rằng, đây chỉ là một trong các cách thức để các ngân hàng có thêm tài sản. Thực tế, huy động bằng sổ tiết kiệm, bằng chứng chỉ huy động, hay bằng dịch vụ này về bản chất không có gì khác, cũng là cách để các ngân hàng gia tăng thanh khoản. Việc làm trên chỉ là để đón đầu việc ngưng cho phép phát hành chứng chỉ huy động vàng ngắn hạn.
Điều ông Thành lo ngại là những rủi ro do các dịch vụ này mang lại vì vàng là một trong những tài sản có mức độ biến động giá khá lớn, nên khi đã huy động vàng, dù dùng vào mục đích gì, thế chấp để vay trên thị trường liên ngân hàng, chuyển thành tiền đồng… một khi khách hàng muốn rút, nếu giá lên, ngân hàng cũng phải chấp nhận một khoản lỗ không nhỏ. Như vậy, không những ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của từng ngân hàng mà có thể ảnh hưởng đến hệ thống.
Ông Thành cũng cho hay, trong quí 2, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành Nghị định Quản lý hoạt động vàng, có thể sẽ cho phép một số ngân hàng thương mại được phép làm đại lý huy động vàng cho Ngân hàng Nhà nước, nếu vậy vàng sẽ chính thức được đưa vào hệ thống ngân hàng bằng các mức lãi suất có quy định, kèm theo các điều khoản ngừa rủi ro. Vì vậy, hiện tượng dùng cách này hay cách khác để huy động sẽ chấm dứt khi nghị định trên có hiệu lực.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Kinh doanh Vàng Việt Nam cho biết, trên thế giới cũng có dịch vụ giữ hộ vàng, nhưng thường thì có thu phí giữ, phí kiểm đếm như đối với các tài sản quý giá khác gửi tại ngân hàng. Vì vậy, ông Hùng cho rằng hình thức mà các ngân hàng trả lợi tức cho việc giữ hộ tài sản đang được áp dụng hiện nay không thể gọi là giữ hộ.
Thanh Thương
TBKTSG Online
|