Thứ Tư, 04/04/2012 14:22

Tại sao không cần thêm một ngân hàng?

Giữa tháng 1, Bộ Xây dựng đã nhận được văn bản của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đề xuất thành lập Ngân hàng Xây dựng. Đến cuối tháng 2, Bộ đã gửi đề xuất này lên Ngân hàng Nhà nước. Mặc dù Thống đốc lên tiếng phản đối, nhưng Bộ vẫn bảo lưu quan điểm của mình.

Vấn đề vốn

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng Việt Nam đã thừa ngân hàng cho vay bất động sản. Hiện nay, 37 ngân hàng của Việt Nam đều có nghiệp vụ cho vay bất động sản.

Theo Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS), tính đến cuối năm 2010, chỉ riêng 3 ngân hàng gồm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã chiếm 50% dư nợ bất động sản và xây dựng. Trong đó, BIDV là ngân hàng cho vay xây dựng nhiều nhất (68.400 tỉ đồng năm 2010), chiếm khoảng 30% tổng dư nợ ngành xây dựng, bất động sản, chủ yếu là cho vay xây dựng cơ sở hạ tầng.

Còn các tổ chức tín dụng đầu tư cho các dự án bất động sản thương mại thì có Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển TP.HCM (HDBank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank), Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong khi đó, Bộ Xây dựng lại cho rằng Việt Nam chưa có một ngân hàng nào quy mô lớn chuyên về nghiệp vụ tín dụng bất động sản, góp phần vào việc quản lý và phát triển thị trường bất động sản một cách minh bạch và bền vững.

Một câu hỏi đặt ra là tại sao trước khi thị trường bất động sản đi xuống (từ năm 2010) lại không thấy ai nói đến việc thành lập ngân hàng xây dựng. Bây giờ đề xuất, có nghĩa là doanh nghiệp vay vốn ngân hàng không được, nên mới nghĩ tới việc lập ngân hàng xây dựng của hội nhà mình, với hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ tích cực hơn về tài chính. Nói cách khác, vấn đề cốt lõi ở đây là vốn chứ không phải ngân hàng.

Chẳng giúp được gì!

Agribank và BIDV là 2 ngân hàng nhận được vốn của Nhà nước để phục vụ các dự án phát triển quốc gia, các mục tiêu chính sách. Giả sử nếu một ngân hàng xây dựng ra đời, câu hỏi đặt ra là nó hoạt động dựa trên nguồn vốn như thế nào và theo cơ chế thương mại hay chính sách.

Trong thời điểm Nhà nước áp dụng chính sách tiền tệ chặt chẽ và ưu tiên cho mục tiêu kiềm chế lạm phát thì không có lý nào Nhà nước lại chấp nhận bỏ vốn vào ngân hàng xây dựng. Nếu không nhận được vốn từ Nhà nước thì ngân hàng sẽ phải huy động. Nhưng một ngân hàng mới thành lập, chưa có uy tín thì làm sao huy động được nhiều vốn?

Bên cạnh đó, một ngân hàng chỉ tập trung cho vay bất động sản thì rủi ro bị đẩy lên do tiền cho vay không được phân tán sang các lĩnh vực khác. Nguyên tắc của ngân hàng là không được sử dụng tiền huy động cho hoạt động rủi ro cao. HDBank trước đây vẫn là ngân hàng cho vay bất động sản thương mại, nay đã phải tháo chữ “nhà” ra khỏi tên gọi để định hướng lại chiến lược. Như vậy, làm sao một ngân hàng xây dựng có thể khiến người gửi tiền an tâm khi tiền của họ chỉ được dùng để cho vay bất động sản?

Còn nếu ngân hàng xây dựng đứng ra hỗ trợ triển khai các chương trình xây dựng nhà ở quốc gia (như nhà ở cho người nghèo, học sinh, sinh viên...), các chương trình sản xuất vật liệu xây dựng hay chương trình khác của ngành, tức thực hiện mục tiêu xã hội thì làm sao có thể cạnh tranh được với các ngân hàng khác?

Chính vì vậy, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Phó Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, không cho rằng việc thành lập một ngân hàng xây dựng vào lúc này có thể giúp thị trường bất động sản khơi thông dòng vốn. Về lâu dài, vốn cho bất động sản vẫn đến từ các ngân hàng thương mại như hiện nay và một nguồn quan trọng khác là các quỹ bảo hiểm, hưu trí, tín thác. Còn trước mắt, Nhà nước nên xem xét đối tượng nào mình buộc phải cứu thì mới cứu. Còn lại hãy để cho thị trường điều chỉnh.

Ông nói thêm, Nhà nước nên xây dựng khung pháp lý, hỗ trợ ngân hàng xiết nợ, xử lý tài sản thế chấp và bán lại cho các nhà đầu tư. Cần tránh việc nuôi nợ và gây thêm tổn thất cho nền kinh tế. 

 Quân Phan 

Nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   HSBC: Lãi suất sẽ tiếp tục giảm (04/04/2012)

>   Ngân hàng đua giữ hộ vàng, trả lợi tức cao (04/04/2012)

>   Tháng 6 sẽ gỡ trần lãi suất huy động? (04/04/2012)

>   Lãi suất Việt Nam “khủng” nhất thế giới (04/04/2012)

>   Ngân hàng nhỏ đã thoát cơn khủng hoảng? (04/04/2012)

>   Thu ngân sách trong quý I ước đạt 172.770 tỷ đồng (03/04/2012)

>   Doanh nghiệp không vay, ngân hàng buộc phải giảm lãi suất (03/04/2012)

>   Vốn cho bất động sản: Không thể trông hết vào ngân hàng  (02/04/2012)

>   “Dọn dẹp” những khoản nợ xấu  (02/04/2012)

>   Đằng sau việc tăng cường huy động vàng (02/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật