Thứ Năm, 05/04/2012 22:03

Nút thắt tín dụng: "Trạng chết, Chúa cũng băng hà"

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuyên bố giảm lãi suất theo lộ trình. Nhưng ở nhiều ngân hàng thương mại (NHTM), lãi suất huy động không giảm mà còn tăng, trong khi tín dụng tiếp tục tăng trưởng âm.

Đề tín dụng, thống kê của NHNN cho thấy, đã ba tháng liên tiếp tín dụng tăng trưởng âm. Cụ thể, tháng 1/2012 so với cuối năm 2011 tín dụng giảm 0,79% (bằng VND giảm 0,21%, bằng ngoại tệ giảm 2,93%). Tháng 2/2012 tín dụng giảm 0,53% so với tháng trước (tín dụng bằng VND giảm 0,371%, bằng ngoại tệ giảm 1,11%). Tính cả ba tháng đầu năm, tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế giảm khoảng 2,13% so với cuối năm 2011. Những số liệu thống kê cho thấy, có vẻ như việc khống chế tốc độ tăng trưởng tín dụng cho năm nay là việc làm không cần thiết.

Nguội lạnh tín dụng

Ngay sau khi NHNN công bố quyết định áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên ở mức 13%/năm vào ngày 12/3, giảm 1 điểm phần trăm so với trước đó, nhiều NHTM đã đồng loạt giảm lãi suất huy động. Thế nhưng chỉ vài ngày sau, thị trường lại dấy lên cơn sóng ngầm về lãi suất thỏa thuận. Ngân hàng nhỏ phá rào đã đành, ngân hàng lớn cũng phá theo vì lo sợ không giữ chân được khách hàng. Thanh khoản của các NHTM chưa thực sự được giải quyết. Chỉ có một số ít "nhà giàu" là các NHTM Nhà nước là dư dả về tín dụng. "Nhà" dư dả một chút là các ngân hàng thương mại cổ phần lớn. Số này vẫn đang cố giữ khách hàng bằng lách trần lãi suất. Còn lại là nhóm giật gấu vá vai, huy động với lãi suất rất cao nhằm thoát khỏi nguy cơ bị xóa sổ. Một lãnh đạo NHTM tiết lộ, ngân hàng này nhận được yêu cầu về mức lãi suất huy động cho món gửi tiền tỷ là 20%/năm! Không cần "khủng" đến mức đó, nhưng chỉ nhìn vào các chương trình khuyến mại để thu hút tiền gửi cũng thấy cuộc tranh giành tiền gửi giữa các NHTM, bất kể lớn hay nhỏ, chưa khi nào nguội.

Trong khi đó, theo thống kê của NHNN, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu ở mức 14,5-16%/năm, thấp nhất là 13,5%/năm; cho vay sản xuất - kinh doanh khác 16,5-20%/năm; cho vay lĩnh vực phi sản xuất 20-25%/năm. Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 6-7,5%/năm đối với ngắn hạn, trung và dài hạn là 7,5-9%/năm. Tiếp tục có thêm nhiều NHTM công bố có những gói tín dụng lãi suất ưu đãi, nhưng thực tế nguồn vốn với giá rẻ được giải ngân như thế nào thì... chỉ họ mới biết. Nhưng rõ ràng về tổng thể, tín dụng vẫn tăng trưởng âm.

"Trạng chết, Chúa cũng băng hà"

Ngân hàng dù lớn hay nhỏ thì vai trò chính của họ vẫn là trung gian tài chính, huy động của người dư thừa vốn, đưa đến người cần vốn. Quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp là "nước nổi thì thuyền nổi", nhưng giờ doanh nghiệp đang "teo" dần, vậy ngân hàng huy động để cho ai vay? Hay nói cách khác, mối quan hệ này giờ có nguy cơ: "Trạng chết, Chúa cũng băng hà". NHTM có muốn tăng tín dụng không? Tất nhiên là có. Vậy gỡ cách nào?

Thứ nhất, phải thừa nhận nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp, ngân hàng đang trong bối cảnh rất khó khăn, tăng trưởng kinh tế đang chậm lại. Thị trường chứng khoán cứ xanh được một chút lại tràn ngập sắc đỏ; thị trường bất động sản vẫn bất động. Chính phủ, NHNN chủ trương kiềm chế lạm phát, yếu tố tăng trưởng được đẩy xuống thứ yếu, mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao, doanh nghiệp không thể kham nổi... Mà tín dụng vốn là yếu tố hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, nên mối quan hệ tương tác rất lớn.

Thứ hai, ngành ngân hàng đang bước vào cuộc "cách mạng" lớn. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, đến thời điểm này số lượng các ngân hàng khó khăn chỉ có 6%, tập trung vào 9 ngân hàng mà NHNN đã khoanh vùng quản lý. Nhưng có vẻ như việc xử lý các ngân hàng yếu kém này của NHNN quá chậm. Đặc biệt thông tin về việc các ngân hàng bị mua bán, sáp nhập không được công bố rõ ràng, hầu hết chỉ là... tin đồn, càng làm cho thị trường bất an. Những ngân hàng khác, dù không bị rơi vào nhóm này, nhưng cũng lấy an toàn là trên hết, không dám đẩy mạnh tín dụng vì sợ rủi ro tăng sẽ bị đánh tụt hạng. Như vậy để sớm ổn định thị trường, NHNN phải xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém. Đối với những NHTM nào có vấn đề về thanh khoản mà còn "cứu vớt" được thì cần sớm có biện pháp hỗ trợ để tránh thị trường cứ phải "nhảy" theo điệu thiếu thanh khoản của một bộ phận nhỏ ngân hàng yếu. Nên dù muốn, ngân hàng không hạ được lãi suất cho vay. Nhưng quan trọng nhất, để giải quyết dứt điểm vấn đề thanh khoản thì các NHTM phải cơ cấu lại kỳ hạn huy động và cho vay. Nếu hơn 90% vốn huy động là ngắn hạn mà cho vay trung dài hạn vẫn chiếm đến 40% thì các NHTM không thể thoát khỏi nguy cơ thiếu hụt thanh khoản.

Thứ ba, rất nhiều NHTM đang mắc "kẹt" với bất động sản. Tiền cho vay, tiền trực tiếp đầu tư vào các dự án liên quan đến bất động sản bị "giam" đã quá lâu, nguy cơ nợ xấu sẽ tăng mạnh nếu thị trường này tiếp tục đóng băng. Vì thế, "cứu" bất động sản cũng sẽ là cứu một bộ phận không nhỏ của ngân hàng! Và sẽ không chỉ là tín dụng bất động sản, các hình thức tín dụng tiêu dùng khác nếu không được khuyến khích thì nhu cầu chi tiêu sẽ tiếp tục giảm, hàng tồn kho của doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng, tình trạng lạm phát đình đốn sẽ không còn là mối lo mà trở thành hiện thực. Và cuối cùng, mối lo lớn nhất của các NHTM vẫn là rủi ro tín dụng, nợ xấu tăng. Vì thế họ sẽ chọn lọc khách hàng kỹ lưỡng hơn, nên bản thân doanh nghiệp cũng cần có biện pháp để mình "có giá" trong mắt ngân hàng. Vì dù gì, doanh nghiệp - ngân hàng đang cần lẫn nhau.

Thái Thanh

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Fitch nghi ngại nợ xấu thực ngân hàng Việt Nam cao gấp 4 lần (05/04/2012)

>   Canh tân thương hiệu: Yêu cầu khách quan và tính hiệu quả (05/04/2012)

>   Tăng trưởng tín dụng đáng báo động? (05/04/2012)

>   Ngân hàng Việt sau 5 năm xuất ngoại: Bám rễ ở thị trường gần (05/04/2012)

>   Tín dụng méo mó (05/04/2012)

>   Chọn 5 ngân hàng “mở hàng” nghị định vàng? (05/04/2012)

>   Xếp hạng doanh nghiệp cho một số chi nhánh thuộc BIDV (04/04/2012)

>   Từ 19-23/03: Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 3 tuần giảm 2.11% (04/04/2012)

>   Tại sao không cần thêm một ngân hàng? (04/04/2012)

>   HSBC: Lãi suất sẽ tiếp tục giảm (04/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật