Sáp nhập ngân hàng và góc nhìn truyền thông
Thông tin về sáp nhập các ngân hàng không thể coi là "bí mật nhà nước" mà chỉ là giao dịch kinh tế đơn thuần. Việc "kiểm soát chặt chẽ các thông tin" nếu không hợp lý, sẽ trở thành phản tác dụng khi thông tin được công bố chính thức.
Tháng 10/2003, tin đồn tổng giám đốc Ngân hàng ACB, ông Phạm Văn Thiệt, bỏ trốn và sau đó bị bắt, nhanh chóng lan rộng. Sự việc chỉ được giải quyết trọn vẹn khi đích thân ông Lê Đức Thúy, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam lúc đó, đăng đàn ngay tại trụ sở của ngân hàng này để thanh minh, thậm chí xuất hiện cả trên một số báo điện tử để "giao lưu trực tuyến".
Câu chuyện này về sau được giới truyền thông xem như một "case study" điển hình về giải quyết khủng hoảng truyền thông. Thông điệp ở đây là rất rõ ràng: chỉ có sự minh bạch thì mới có thể xóa đi tin đồn và đem lại niềm tin cho công chúng.
Công khai, minh bạch là đòi hỏi, yêu cầu, điều kiện thiết yếu đối với hoạt động của bộ máy hành chính công chuyên nghiệp, hiện đại. Vì nhiều lý do khác nhau, đặc thù của nền kinh tế Việt Nam là luôn luôn bị chi phối bởi các tin đồn, thì yêu cầu về công khai minh bạch lại còn cao hơn nhiều.
Xét riêng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, những ám ảnh từ cuộc đổi tiền năm 1986 đã và dường như vẫn đang đè nặng lên tâm trí của mỗi người dân Việt, đến nỗi ngay cả khi công nghệ thông tin và truyền thông đã phát triển đáng kể như hiện nay, thì những tin đồn từ vàng, tỷ giá, lãi suất... vẫn còn đủ sức tạo ra hiệu ứng.
Dễ hiểu là tại sao đầu tháng 3/2012, khi thông tin về việc NHTMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) đang tiến hành mua lại NHTMCP nhà Hà Nội (HBB) lại khiến người dân quan tâm đặc biệt. Khi thông tin này chưa được kiểm chứng, mọi mong đợi của người dân dồn hết cả vào Ngân hàng nhà nước, cơ quan "quản lý nhà nước" trong lĩnh vực này.
Đáng tiếc, Ngân hàng Nhà nước đã không khôn ngoan về phương diện truyền thông. Văn bản của cơ quan này phát đi vào thời điểm đó nói chung chung là "chưa nhận được báo cáo và đề nghị của SHB và HBB về việc mua lại, hợp nhất hay sáp nhập". Tuy nhiên, ngay sau đó, cơ quan này khẳng định rằng "thông tin trên một số phương tiện thông tin truyền thông cho rằng NHNN đã chấp thuận cho SHB mua lại HBB là không chính xác".
Không cần phải quá tinh ý, người dân cũng hiểu rằng Ngân hàng nhà nước không hoàn toàn khẳng định hay phủ nhận tin đồn. Nhiều tờ báo đã coi đây là trò "chơi chữ" của cơ quan này, vì từ văn bản này, có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau, thậm chí ngược nhau.
Chính vì vậy, cũng trong văn bản này, việc Ngân hàng nhà nước cam kết rằng "thông tin chính chức liên quan đến quá trình mua bán, sáp nhập, hợp nhất ngân hàng sẽ được NHNN đăng tải trên Website NHNN và các phương tiện thông tin chính thức của NHNN" không có nhiều ý nghĩa đối với công chúng.
Vào lúc nước sôi lửa bỏng, người dân và các cổ đông của các ngân hàng cần một tiếng nói rõ ràng là "có" hoặc "không". Ngồi mà đợi "thông tin chính thức" chắc chắn không thể là lựa chọn khôn ngoan, nhất là với các cổ đông.
Dưới nhan đề "Bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng trước yêu cầu mới", một bài viết được đăng tải trang trọng trên website của Ngân hàng nhà nước vào ngày 23/3/2012 đã nhấn mạnh rất nhiều đến vấn đề thông tin, truyền thông trong lĩnh vực ngân hàng.
Theo bài viết này, hoạt động thông tin, truyền thông đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống kinh tế - xã hội với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hiện đại và đa chiều. Bên cạnh những tác động tích cực, hoạt động thông tin, truyền thông "cũng tạo ra những ảnh hưởng bất lợi nhất định đối với sự ổn định và phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước khi đưa tin thiếu tính chính xác, không trung thực hoặc vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước".
Chính vì vậy, vẫn theo bài viết này, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cần "thường xuyên công bố thông tin chính xác, kịp thời về tình hình tiền tệ của hệ thống và từng tổ chức tín dụng" và "kiểm soát chặt chẽ các thông tin về tiền tệ, ngân hàng trên các phương tiện thông tin truyền thông để hạn chế tối đa việc đăng tải thông tin thiếu chính xác hoặc thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước".
Lãnh đạo Ngân hàng nhà nước có lẽ hiểu rất rõ rằng thông tin về sáp nhập các ngân hàng không thể coi là "bí mật nhà nước" mà chỉ là giao dịch kinh tế đơn thuần. Việc "kiểm soát chặt chẽ các thông tin" nếu không hợp lý, sẽ trở thành phản tác dụng khi thông tin được công bố chính thức.
Cũng cần nhắc lại, vào ngày 13/3, 5 ngày sau khi SHB và HBB đạt được "biên bản ghi nhớ số 01/2012 ngày 8/3/2012 HBB - SHB" trong đó thống nhất về nguyên tắc việc sáp nhập, HBB vẫn phủ nhận chuyện này bằng thông báo trên website riêng. Thông báo này nói rằng các thông tin về việc sáp nhập là "không chính xác và không có cơ sở, làm ảnh hưởng tới uy tín và hoạt động bình thường của HBB, ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống các ngân hàng thương mại nói chung, đồng thời làm nhiễu thông tin trên thị trường chứng khoán, có thể gây phương hại tới quyền lợi của các nhà đầu tư".
HBB tạm thời phủ nhận sự việc là hợp lý vì suy cho cùng, họ là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp trong vụ sáp nhập, đặc biệt là lợi ích của các cổ đông. Nhưng sự phủ nhận có phần "lấp lửng" của Ngân hàng nhà nước lại không phù hợp. Chưa biết Ngân hàng nhà nước sẽ làm gì nếu một hoặc một nhóm cổ đông đến "bắt đền" cơ quan này vì thông tin không rõ ràng, dẫn tới việc họ thiệt hại do bán ra hoặc mua vào cổ phiếu. Tình huống giả định này hẳn cũng đáng để những người trong cuộc phải suy nghĩ.
Rất nhiều tờ báo và trang tin điện tử, chính thức và không chính thức, đã phải gỡ các tin bài viết về sự kiện sáp nhập. Văn bản của Ngân hàng nhà nước có phần "cứng rắn", trong khi thông tin về tài chính ngân hàng vẫn luôn được xem là nhạy cảm là lý do để các báo gỡ bài. Nhưng đến lúc này thì rõ ràng sự việc đã đi quá xa. Khi Ngân hàng nhà nước nói thông tin "không chính xác" và các báo phải gỡ tin bài, người dân và cổ đông "thật thà" sẽ tin.
Trên thực tế, cổ đông của cả SHB và HBB thì không coi những thông tin về sáp nhập giữa hai ngân hàng này là "tin đồn". Có quá nhiều kênh để kiểm tra thông tin này và trên thực tế, không có rắc rối nào xảy ra trong ba tuần qua vì họ chấp nhận điều đó một cách bình thường. Không để ý nhiều đến văn bản của Ngân hàng nhà nước, họ tin vào lời đồn và họ đã đúng.
Sáp nhập các ngân hàng đã là chủ trương chung của Việt Nam và cũng là phù hợp với xu thế và tình hình thực tế tại Việt Nam. Biến một nội dung bình thường và đã được thừa nhận rộng rãi thành một nội dung "nhạy cảm" là việc không nên làm. Nhất quán và minh bạch thông tin mới là cách thức ứng xử phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay.
Anh Minh
diễn đàn kinh tế việt nam
|