Độc quyền vốn và lãi suất
Đó là vị thế của hệ thống ngân hàng (NH) trên thị trường vốn lâu nay. Chiếm tới 70 - 80% nguồn cung vốn cho nền kinh tế và luôn ở thế thượng phong so với thị trường chứng khoán (CK), trái phiếu, đó cũng là lý do khiến lãi suất luôn cao ngất ngưởng.
Cả nền kinh tế sống dựa ngân hàng
Trong suốt hơn 10 năm vừa qua, trừ giai đoạn cực thịnh của thị trường CK vào các năm 2006 - 2007, còn lại “chợ” CK vốn được ví như một sàn bạc - nơi các nhà đầu cơ lướt sóng chứ không làm đúng vai trò là một kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp (DN) thông qua phát hành CK. Kênh trái phiếu (TP), đặc biệt TP DN cũng không thể phát huy tác dụng khi những đợt phát hành thất bại, ế chỏng chơ... Các kênh vốn trên bị tắc, DN lại phải quay trở lại cầu cạnh NH, kể cả việc vay vốn lưu động hay vốn đầu tư dự án, sản xuất - kinh doanh. Hiện nay, theo thống kê, có tới 80% nguồn vốn của nền kinh tế được dẫn qua hệ thống NH - các nhà băng đã trở thành bà đỡ vốn cho nền kinh tế và là mạch máu để tăng trưởng. Sự phụ thuộc quá lớn này khiến NH vô tình nhận được sự ưu ái đặc biệt, nếu chưa muốn nói là được độc quyền nguồn vốn để huy động với giá rẻ và cho vay với giá đắt.
“Nguồn vốn NH chỉ là vốn lưu động. Thị trường NH là thị trường tiền tệ, mà thị trường tiền tệ là thị trường vốn ngắn hạn. Các NH chỉ cho vay vốn lưu động, còn vốn đầu tư phải là vốn tự có hoặc các DN phải huy động trên thị trường vốn”, Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Văn Bình nói và khẳng định thời gian tới sẽ tái cấu trúc lại hệ thống theo hướng các NH chỉ tập trung hỗ trợ vốn ngắn hạn, còn lại vốn trung và dài hạn sẽ đẩy ra nền kinh tế thông qua thị trường vốn.
Tháo “gông” cho NH Nhà nước
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đang nỗ lực để cải tổ thị trường CK, thông qua một loạt công việc: xử lý công ty CK yếu kém, nâng chất lượng sản phẩm, phát triển thêm các công cụ để tăng tính thanh khoản... Nhưng với sự non trẻ và quá nhiều hạn chế không thể một sớm một chiều có thể giải quyết, CK khó trở thành điểm tựa để giải quyết khó khăn vốn cho DN. Vì vậy, con số hơn 1% DN đang niêm yết trên tổng số 600.000 DN của cả nước khó có thể trông cậy được gì, chứ chưa nói đến hàng trăm nghìn DN vừa và nhỏ khác chưa lên sàn.
Riêng thị trường TP, người đứng đầu ngành tài chính còn trăn trở hơn khi đang cố gắng nhanh chóng xây dựng xong đề án hạn mức xếp hạng tín nhiệm mà theo ông đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Trước đó, hàng loạt các tập đoàn, tổng công ty của nhà nước không thể phát hành được TP để huy động vốn trên thị trường quốc tế do các nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà. “Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc (VEC) phát hành 3 lần TP thì ba lần đều thất bại, không kiếm đâu ra được vốn. Nếu không có xếp hạng tín nhiệm thì sẽ không nhà đầu tư nước ngoài nào tin tưởng để mua TP cả”, ông Huệ nói. Với vai trò của một cơ quan trung gian, ông Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, muốn “tháo gông” cho NH Nhà nước, để giảm tải gánh nặng dẫn vốn, không còn ai khác là Bộ Tài chính phải xắn tay vào. Bộ này phải đứng ra chủ trì để phát triển thị trường TP. Thị trường này có nhiều phân khúc như TP Chính phủ, TP DN... nhưng rõ ràng, những năm qua và hiện tại DN phát hành nhưng dân không ai mua. Muốn phát triển được phải làm thế nào để các định chế tài chính, các tổ chức ngoài NH, công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí... tham gia vào.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Giám đốc Ban Vốn và kinh doanh vốn của NH Đầu tư và phát triển (BIDV) so sánh, giá trị huy động từ TP ở ta chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong GDP, chỉ khoảng 15 - 16%, thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực và thế giới. Cụ thể, tại Nhật Bản - giá trị thị trường TP bằng gần 200% GDP, trong khi tại Trung Quốc và Malaysia tỷ lệ này lần lượt là 48% và 100%. TS Nguyễn Thị Kim Thanh - Viện trưởng Viện Chiến lược NH không chỉ băn khoăn về việc Bộ Tài chính vì sao cho tới giờ vẫn chưa xây dựng được hệ thống chính sách bài bản về xếp hạng tín nhiệm, cũng như các chỉ số để tham chiếu. Bởi về thứ tự ưu tiên vốn, nếu bắt buộc huy động bên ngoài thì việc vay nợ hoặc phát hành TP được ưu tiên hơn cổ phiếu. Trong đó, việc phát hành TP là tích cực hơn cả bởi chi phí thấp, tránh được giới hạn sử dụng vốn vay, giới hạn đảm bảo tài sản và nguồn vốn ổn định trong dài hạn thường từ 5 năm trở lên. Vì vậy, các cơ quan quản lý phải sớm có những giải pháp tổng thể để cấu trúc lại và phát triển thị trường này, tránh tình trạng vốn của nền kinh tế quá phụ thuộc vào “bà đỡ” NH.
Anh Vũ
thanh niên
|