Ông Cao Sỹ Kiêm: Mỗi quý, trần lãi suất có thể giảm 1%
PGS - TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cho rằng, giải pháp tốt nhất hiện nay là nhanh chóng hạ lãi suất để cứu doanh nghiệp, từ đó “hạ nhiệt” lạm phát.
Theo ông, tại sao các DNNVV khó tiếp cận vốn, ngay cả khi ngân hàng đã mở cửa cho vay và mặt bằng lãi suất đã được giảm dần?
Sở dĩ DNNVV khó tiếp cận vốn vay là do tăng trưởng tín dụng bị hạn chế. Hiện tín dụng đã giảm mạnh và trong năm nay, dư nợ tín dụng chỉ được tăng trưởng ở mức tối đa 17%. Bên cạnh đó, thanh khoản của các ngân hàng trong hệ thống cũng không đồng đều. Ngân hàng thừa vốn không dám hạ lãi suất để đẩy mạnh cho vay, vì sợ ngân hàng nhỏ hút khách hàng gửi tiết kiệm. Trong khi đó, nhà băng nhỏ khó giảm lãi suất và phải kiểm soát tín dụng. Hậu quả là, áp lực lãi suất còn cao vẫn là rào cản đối với DNNVV.
Mặt bằng lãi vay cao đang khiến nhiều doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ phá sản. Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, chỉ trong quý I/2012, tại địa phương này đã có 931 doanh nghiệp khóa mã số thuế để giải thể. Số doanh nghiệp gửi thông báo ngừng hoạt động đến Cục Thuế TP.HCM lên đến con số 5.012, bao gồm cả các đơn vị chờ làm thủ tục giải thể, phá sản, tạm dừng hoạt động có thời hạn… Còn trên cả nước, tính đến nay, đã có khoảng 2.200 doanh nghiệp làm thủ tục giải thể. Vì thế, giải pháp tốt nhất hiện nay là phải nhanh chóng hạ lãi suất để cứu doanh nghiệp, từ đó cũng có thể “hạ nhiệt” lạm phát.
Để giảm được lãi vay thỏa thuận trong bối cảnh hiện nay, cần những giải pháp gì, thưa ông?
Theo tôi, muốn giảm được lãi suất cho vay, trước hết, phải cắt giảm trần lãi suất huy động, đồng thời, chính sách thuế cũng cần tính toán lại… để có thêm các giải pháp kích cầu và tăng sức mua. Phải triển khai đồng bộ các giải pháp đó, chứ không thể chỉ kỳ vọng vào chính sách tiền tệ. Ngược lại, nếu chưa làm được các vấn đề trên mà giảm lãi suất, thì sẽ kích thích lạm phát trở lại khi lượng tiền đưa ra thị trường nhiều hơn.
Thực tế, lãi suất cho vay không giảm như kỳ vọng khi đã hạ trần lãi suất huy động?
Trần lãi suất huy động đã được cắt giảm và theo lộ trình sẽ hạ dần trong thời gian tới, nhưng tình trạng vượt trần vẫn có. Thực tế, với quy định trần 13%/năm hiện nay, không phải nhà băng nào cũng chấp hành. Do đó, muốn giảm được lãi vay, đòi hỏi phải xử lý nghiêm những ngân hàng “lách” trần lãi suất tiết kiệm.
Theo tôi, cũng cần chọn thời điểm thích hợp để bỏ trần lãi suất, bởi khi mặt bằng lãi suất ổn định, thì việc duy trì trần cũng không còn ý nghĩa. Còn nếu tiếp tục duy trì trần lãi suất huy động tiền gửi, thì cũng nên có luôn trần lãi suất cho vay.
Nhưng trần lãi suất huy động giảm tiếp sẽ khó thu hút tiền tiết kiệm, thưa ông?
Chủ trương lạm phát trong năm nay sẽ được kiểm soát ở mức một con số và theo tôi, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm nay sẽ xuống mức 9%. Lạm phát giảm sẽ là điều kiện tốt để cắt giảm lãi suất. Tôi cho rằng, từ nay đến cuối năm, trần lãi suất có thể giảm mỗi quý 1% và đến cuối năm chỉ còn 11%. Như vậy, khách hàng gửi tiền tiết kiệm vẫn đảm bảo lãi suất thực dương 2%. Trần lãi suất huy động giảm dần sẽ kéo theo lãi suất cho vay thỏa thuận giảm.
Theo ông, liệu xu hướng lạm phát từ nay đến cuối năm có giảm như kỳ vọng?
Nhập siêu trong quý I đã giảm. Nhập siêu 3 tháng đầu năm chỉ ở mức 250 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước là 3 tỷ USD. Thị trường ngoại tệ đang trong chiều hướng ổn định, tỷ giá khó biến động mạnh. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục siết cho vay ngoại tệ… Chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt, tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ chỉ tối đa 15 – 17%, thấp hơn so với năm trước. Tăng trưởng tín dụng đã giảm liên tục trong 3 tháng đầu năm. Đó là những yếu tố tác động tích cực đến CPI. Khi CPI giảm sẽ tác động tích cực đến lãi suất, góp phần giải quyết các vấn đề khó khăn của nền kinh tế.
Thùy Vinh
đầu tư
|