Nhịp đập thị trường 26/04:
Phiên chiều: Cầu không xuất hiện cuối phiên, thị trường lùi bước
Cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, xây dựng bị bán khá mạnh; trong khi khai khoáng tiếp tục nóng. Thanh khoản trên HOSE tích cực hơn so với HNX.
VN-Index đóng cửa ở mức 470.21, giảm 2.66 điểm tức 0.56% so với hôm qua. Khối lượng khớp lệnh duy trì ở mức cao đạt 89,707,640 đơn vị, giá trị đạt 1,370.13 tỷ đồng.
Trên HOSE, nhóm cổ phiếu nóng khai khoáng tiếp tục tăng trần mạnh trong phiên hôm nay; như BGM, KSA, KSS, KTB…
Trong khi đó, hàng loạt cổ phiếu bất động sản hạng nhỏ và vừa đã quay đầu giảm mạnh. Có thể kể đến ITC, QCG, VPH, VRC, ITA… thậm chí cả HAG cũng chịu chung hoàn cảnh.
PVF đã chịu áp lực xả hàng sau hàng loạt phiên tăng mạnh; tương tự là SAM, SBS…
Trong một phiên giảm điểm, cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán cũng đã phải quay đầu. Tích cực nhất có lẽ là DPM khi tăng điểm với thanh khoản cao hơn 2.2 triệu đơn vị.
Chỉ số VN-Index không giảm quá sâu phần nào nhờ VIC và VNM tăng điểm nhẹ.
HNX-Index đóng cửa tại 78.74, giảm 0.81 điểm tức 1.02%. Khối lượng khớp lệnh đạt 69,274,900 đơn vị, giá trị đạt 696.39 tỷ đồng.
Cầu trên HNX suy yếu thấy rõ khi mở cửa phiên chiều. Hầu hết cổ phiếu đều đóng cửa thấp hơn tham chiếu và cuối giờ sáng, đặc biệt là nhóm chứng khoán, họ P…
Dư bán giá cao tại HBB là khá lớn dù khối lượng khớp lệnh tại mã này như thường lệ dẫn đầu HNX (hôm nay hơn 13 triệu). Trong khi đó, xu hướng bán SHB diễn ra từ đầu phiên.
PXA, SHN, VIX và VIG lại tiếp tục có một phiên ngược dòng bất thường.
Khối ngoại tiếp tục một phiên giao dịch cầm chừng trên HOSE, với lực mua chủ yếu tập trung vào BCI, DPM, GMD, HPG, HSG, ITA, KBC, KDC, LCG, MBB, STB, VCB… Trên HNX, họ tập trung mua vào ở các mã KLS (590 ngàn đơn vị), PGS, PVS, SHB, VCG…
Có gần 1.8 triệu đơn vị VIC được giao dịch thỏa thuận với mức giá 101,000 đồng và hơn 1 triệu đơn vị GMD với giá trần.
13h30: Không có cầu giá cao, chỉ số “tụt áp”
Lượng bán giá cao tại HBB khá lớn, trong khi SHB không ngoi lên được tham chiếu. Khối lượng duy trì mức cao cho thấy giới đầu tư đang tích lũy cổ phiếu, dù chỉ chấp nhận giá thấp.
Chỉ số VN-Index tiếp tục xu hướng đi ngang khi khởi đầu phiên chiều. Giao dịch trên HOSE chủ yếu vẫn tập trung ở nhóm khai khoáng có tính đầu cơ cao trong vài tuần gần đây như BGM, KSA, KSS, KTB…
ITC quay đầu giảm sàn khi đối diện với nguy cơ phải gánh chịu 244.5 tỷ đồng thuế từ năm 2005.
Bất ngờ nhất trên HOSE trong phiên hôm nay có lẽ là DPM khi khối lượng khớp lệnh của cổ phiếu này đến 13h30 đã hơn 2 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu lớn phân hóa với sự tăng điểm của VIC, VNM giúp chỉ số không giảm sâu.
Giao dịch trên HNX đang có vẻ xấu đi khi cầu giá cao không hề xuất hiện vào cuối ngày như thường thấy trong thời gian gần đây.
Lượng bán giá cao tại HBB khá lớn, trong khi SHB không ngoi lên được tham chiếu sau thông tin nhận sáp nhập HBB.
Điểm tích cực nhất là thanh khoản, đặc biệt trên HOSE, vẫn đang đứng ở mức cao. Điều này thể hiện quan điểm giới đầu tư đang tích lũy cổ phiếu, dù chỉ chấp nhận giá thấp.
Sáng đánh xuống, chiều đánh lên?
Khép lại phiên giao dịch buổi sáng, VN-Index bật tăng nhẹ sau thời gian giảm giữa phiên, HNX-Index cũng nhích lên nhưng vẫn chưa đạt đến mốc tham chiếu. Nhìn chung lực cầu bắt đáy có xu hướng trở lại, với kỳ vọng buổi chiều sẽ tăng mạnh.
Sự kỳ vọng này thể hiện qua thanh khoản tại HOSE đạt 67.37 triệu đơn vị, tương đương 1,188 tỷ đồng, chủ yếu là giao dịch giao dịch khớp lệnh.
Toàn sàn có 126 mã tăng giá, 105 mã giảm và 55 mã đứng, trong đó 55 mã tăng trần và 11 mã giảm sàn. Phần lớn các mã vốn hóa lớn tiếp tục giảm giá, với một số mã tiêu biểu như BVH, MSN, CTG, EIB, STB, … Ngược lại có một vài mã tăng nhẹ hỗ trợ cho thị trường như VNM, DPM, VIC, VCB…
Điều này làm cho chỉ số VN30 giảm 0.57 điểm xuống 542.2 điểm, trong khi VN-Index vẫn tăng nhẹ 0.26 điểm, tức 0.05% lên 473.13 điểm.
Giao dịch mạnh nhất vẫn tập trung vào các mã SAM, LCG, KTB, HSG, NVT với khoảng 2 triệu đơn vị đến 4 triệu đơn vị mỗi mã.
Trên sàn HNX, sự khởi sắc nhẹ cuối buổi sáng giúp thanh khoản vọt lên 49.58 triệu đơn vị, trị giá 510 tỷ đồng. Toàn sàn có 142 mã giảm và 93 mã tăng, tuy nhiên HNX-Index vẫn duy trì mức giảm, với 0.43 điểm, tương ứng 0.54% xuống 79.12 điểm.
HBB và SCR bật tăng, trong khi PVX, KLS, VND, ACB, SHB, VCG, PVS… vẫn chìm trong sắc đỏ, nhưng nhìn chung, mức giảm của các mã đều không lớn.
Do vậy, nhà đầu tư vẫn có thể kỳ vọng cho một sự khởi sắc buổi chiều.
10h45: Nhà đầu tư tích cực "gom hàng"
Cho đến thời điểm 10h45, các chỉ số trên sàn vẫn giảm, tuy nhiên lực mua bán nhìn chung đã được cải thiện, giúp thanh khoản thị trường tăng đáng kể.
Tại HOSE đã có hơn 56 triệu đơn vị chuyển nhượng, tương đương 862 tỷ đồng. Giao dịch mạnh nhất tập trung vào các mã SAM, LCG, KTB, HSG, NVT…
Lúc này, VN-Index mất 1.06 điểm, tức 0.22% xuống 471.81 điểm. Toàn sàn có 100 mã giảm giá, nhưng chỉ có khoảng 10 mã cổ phiếu giảm sàn. Hầu hết các mã vốn hóa lớn và cổ phiếu ngân hàng đều giảm.
Tìn hình tương tự cũng xảy ra ở HNX khi số lượng cổ phiếu giảm chiếm áp đảo 152/80 mã. Trong đó có nhiều mã vốn hóa lớn KLS, VND, PVX, ACB, SHB, VCG…
Đáng chú ý khi mã SHN sau chuỗi ngày giảm sàn đã có phiên tăng trần thứ hai liên tiếp nhờ lực cầu bắt đáy khá mạnh.
Tuy nhiên, giao dịch tại sàn này vẫn tập trung vào mã HBB với hơn 9.7 triệu đơn vị. Toàn sàn có 40.7 triệu đơn vị, tương đương 417.54 tỷ đồng.
Một số nhà đầu tư cho rằng thanh khoản tăng mạnh trong khi thị trường chỉ giảm nhẹ là dấu hiệu tích cực cho phiên giao dịch buổi chiều sẽ tăng điểm mạnh mẽ.
10h00: Lực cầu yếu, hai sàn đồng loạt giảm điểm
Không thể bứt phá để vượt qua ngưỡng 80 điểm, HNX-Index bị đè về sát mốc 79 điểm, trong khi VN-Index cũng không thể vượt 475 điểm và đang lình xình với mức tăng nhẹ.
Số lượng cổ phiếu giảm trong rổ VN30 chiếm ưu thế, trong đó có các mã chủ chốt như BVH, MSN, CTG, EIB, HAG, VCB, REE, HPG… nên VN30 hay VN-Index muốn bứt phá cũng không phải là điều dễ dàng, dù trên bảng điện tử có đến 130 mã tăng giá, trong đó gần 60 mã tăng kịch trần.
Những cổ phiếu tăng mạnh có thể kể đến như SAM, VNE, KTB, LCG, KSS, DPM, HSG, ASM… có cả NVT vốn lình xình suốt thời gian gần đây. Mặc dù lượng bán ra khá lớn, nhưng lực cầu rất dồi dào nên các mã này vẫn tăng giá rất mạnh.
Tổng khối lượng giao dịch đến 10h00 đạt 34 triệu đơn vị, tương đương 526 tỷ đồng.
Ở sàn Hà Nội, chỉ số tiếp tục giảm 0.36 điểm, tương ứng 0.45% xuống 79.19 điểm. Giao dịch đạt khoảng 22.39 triệu đơn vị, tương đương 221 tỷ đồng. Toàn sàn có 81 mã tăng, 109 mã giảm và 208 mã đứng yên.
Thị trường trở nên ảm đảm hơn sau 10h00, đến 10h10, VN-Index và HNX-Index lần lượt chìm vào sắc đỏ khi số lượng mã giảm lần lượt lấn át các mã tăng. Thậm chí, HNX-Index đã rớt xuống dưới mốc 79 điểm.
Lượng giao dịch cổ phiếu HBB tăng mạnh trở lại sau khi ngân hàng này công bố dự thảo phương án sáp nhập vào với SHB. Đến 10h00, HBB đã có hơn 7.4 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng. Giá cổ phiếu này tăng nhẹ 200 đồng, trong khi các mã vốn hóa lớn khác của HNX đều giảm hoặc đứng yên.
Mở cửa: Giằng co trước ngưỡng kháng cự
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay (26/04) HNX-Index chạm ngưỡng kháng cự 80 điểm nhưng không thể giữ được lâu. Tương tự, VN-Index cũng quay đầu giảm nhẹ khi tiến sát mốc 475 điểm, tuy nhiên đà tăng đã trở lại ngay sau đó.
Sau 15 phút mở cửa, VN-Index giảm 0.05 điểm, tương ứng 0.01% xuống 472.82 điểm. Giao dịch đạt khoảng 4.8 triệu đơn vị, tương đương 82 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ 2 phút sau đó, chỉ số lại đảo chiều tăng nhẹ 1.24 điểm, lên 474.11 điểm.
Mã DPM, KTB, VNE có giao dịch sôi động nhất, đồng thời giá bật tăng trần. Những cổ phiếu khác cũng tăng khá mạnh là STT, DVP, DAG, KSS, KSA… Nhìn chung nhóm cổ phiếu “K” vẫn là đỉnh của đỉnh trong thời gian gần đây khi liên tục tăng trần.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng ít phút trước đồng loạt tăng giá, đến thời điểm này có sự phân hóa với một số mã tăng (MBB, STB) và một số mã đứng giá (VCB, CTG, EIB).
Thống kê lúc 9h17, có 108 mã tăng giá tại HOSE, còn lại là 42 mã giảm và 52 mã đứng yên.
Đầu phiên này, nhiều công ty chứng khoán khuyên nhà đầu tư nên thận trọng trước kỳ nghỉ lễ kéo dài.
HNX-Index sau khi mở cửa tăng lên 80 điểm sau đó đảo chiều giảm trở lại, ACB, SHB, PVX, SCR, VND, KLS… lần lượt giảm giá. HBB có lúc tăng kịch trần cũng dần đi xuống, và chỉ còn tăng 300 đồng/cp.
Viết Vinh (Vietstock)
FINFONET
|