Nhịp đập thị trường 23/04:
Tâm lý lo ngại, thanh khoản tụt xuống mức thấp
Phiên giao dịch mở đầu tuần cuối tháng 4 thể hiện rõ tâm lý lo ngại của nhà đầu tư về xu hướng ngắn hạn của thị trường. Diễn biến chính của phiên là giao dịch lình xình, thanh khoản đứng ở mức thấp. Tuy nhiên, áp lực xả hàng không xuất hiện như một số người lo sợ.
Với một số mã lực cầu áp đảo, cổ phiếu tăng trần và dư bán được vét sạch. Đặc biệt nhóm cổ phiếu khoáng sản tại hai sàn đều tăng mạnh như KSB, KSH, KSS, KSA, KTB, BMC, BKC… Tổng cộng tại HOSE có 51 mã tăng trần và tại HNX là 32 mã.
Do tác động từ việc đa số cổ phiếu chủ chốt và vốn hóa lớn giảm giá như BVH, MSN, STB, CTG, PVD, VCB, EIB, HPG… nhiều mã vốn hóa vừa và nhỏ khác cũng giảm nên VN-Index khép phiên trong sắc đỏ, mất 0.55 điểm, tương ứng 0.12% xuống 465.17 điểm.
Giao dịch ở mức khá thấp, với 66.38 triệu đơn vị, trị giá 1,017.67 tỷ đồng. Mã MBB giao dịch sôi động vào phiên buổi chiều, giúp mã này giữ được giá tham chiếu và thanh khoản đứng đầu thị trường với 3.37 triệu đơn vị. Các mã khác như SAM, SSI, VNE, HQC đều đạt trên 1 triệu đơn vị mỗi mã, đồng thời tăng giá khá mạnh.
Thống kê toàn sàn có 122 mã tăng giá, 119 mã giảm và 59 mã giao dịch ở mức tham chiếu.
Ở sàn Hà Nội, giao dịch ảm đạm từ đầu đến cuối phiên, nhưng cuối phiên, HNX-Index tăng nhẹ 0.06 điểm, tức 0.08% đóng cửa ở 77.81 điểm nhờ sự hỗ trợ của ACB, SCR, TAS, THV… Đặc biệt SCR phiên này nổi sóng khi tăng trần và giao dịch đạt gần 3.65 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, thanh khoản toàn phiên chỉ đạt 56 triệu đơn vị, tương đương 611.15 tỷ đồng. Mã HBB tiếp tục có giao dịch yếu ớt với 4.5 triệu đơn vị chuyển nhượng, đồng thời giá đứng ở mức tham chiếu.
Cuối phiên, số lượng mã giảm tại sàn này vẫn chiếm ưu thế so với các mã tăng, với 127/122 mã.
Lình xình buổi sáng, liệu có xả hàng buổi chiều?
Cho đến hết phiên giao dịch buổi sáng, thị trường chưa xuất hiện làn sóng bán ra mạnh. Thay vào đó, sắc xanh vẫn duy trì và giao dịch ảm đạm, thanh khoản thì xuống mức thấp so với các phiên trước.
Nhiều nhà đầu tư vẫn lo ngại thị trường có thể xuất hiện áp lực bán bất ngờ, khi mà tin tốt không còn mà giá điện, cũng như tác động từ việc tăng giá xăng dầu vẫn còn ở phía trước.
Với tâm lý tin tưởng thị trường sẽ hồi phục trong trung và dài hạn nên lực cầu vẫn được duy trì dù khá yếu. Trong khi bên bán lại lo ngại một xu hướng giảm ở ngắn hạn. Do vậy, giao dịch và thanh khoản nhìn chung đều thấp.
HOSE chỉ có 46.55 triệu đơn vị chuyển nhượng, trị giá 700 tỷ đồng và HNX có 32.56 triệu đơn vị, tương đương 365 tỷ đồng.
Chỉ số VN-Index tăng 0.66 điểm, tức 0.14% đạt 465.38 điểm còn HNX-Index nhích 0.11 điểm, tương ứng 0.14% đạt 77.86 điểm.
Lượng cổ phiếu tăng giảm ở hai sàn vẫn tiếp tục bám sát nhau cho thấy xu hướng giằng co và lình xình.
10h00: Chưa có dấu hiệu tháo chạy
Thị trường vẫn giữ sắc xanh cho đến 11h00 nhưng giao dịch thì lình xình, và thanh khoản xuống thấp một cách bất ngờ. Tâm lý bên bán lẫn mua đều hết sức thận trọng.
Thông tin CPI tháng 4 tăng thấp, chỉ có 0.05% dường như không tác động gì đến tâm lý nhà đầu tư, bởi đây là điều ai cũng có thể đoán được.
Trên thị trường, một số nhóm cổ phiếu tăng giá mạnh rơi vào các ngành như thương mại, điện tử viễn thông, nhựa – hóa chất, sản xuất thủy sản. Cổ phiếu ngành tôn thép, bất động sản, khoáng sản cũng có nhiều cổ phiếu tăng trần.
Trái lại, những nhóm cổ phiếu thuộc ngân hàng, dược phẩm, chứng chỉ quỹ, vật liệu xanh dựng lại quay đầu giảm.
Số lượng cổ phiếu tăng và giảm giá trên cả hai sàn đều bám khá sát nhau, với 129/98 mã tại HOSE và 103/104 mã tại HNX.
Mức tăng của các chỉ số nhìn chung vẫn rất yếu ớt. Theo đó, VN-Index tăng 1.08 điểm, tức 0.23% đạt 466.8 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 0.04% đạt 77.78 điểm.
Một số mã đầu cơ như SAM, HSG, KSS, CSM, KTB, VNE, ANV tăng kịch trần, và dư mua trần áp đảo…
Ở sàn Hà Nội, số lượng cổ phiếu tăng trần chỉ đạt hơn 20 mã, tiêu biểu như CAP, VBC, BKC, VIX…
Giao dịch chỉ đạt khoảng 39 triệu đơn vị tại HOSE, tương đương 560 tỷ đồng và HNX có 27 triệu đơn vị, ứng với 307 tỷ đồng.
10h00: Thanh khoản yếu, dấu hiệu của đợt kéo xả?
Thị trường vẫn duy trì đà tăng cho đến 10h00, tuy nhiên nhiều người lại cho rằng đây là chiêu kéo xả do lo ngại về việc tăng giá xăng và giá điện, cũng như thị trường sắp bước vào kỳ nghỉ cuối tháng 4.
Thanh khoản thấp là dấu hiệu mà một số nhà đầu tư và chuyên gia đã đưa ra nhận định như vậy.
Theo đó, đến 10h00, giao dịch tại HOSE mới đạt khoảng 24 triệu đơn vị, tương đương 366 tỷ đồng. VNE và SSI là hai mã có giao dịch nhiều nhất, nhưng cũng chỉ đạt hơn 1 triệu đơn vị mỗi mã.
Bên cạnh đó, số lượng mã giảm cũng đang thu hẹp khoản cách với các mã tăng giá (118/79 mã), còn lại có 61 mã giao dịch ở tham chiếu.
Cổ phiếu vốn hóa lớn nhìn chung vẫn duy trì đà tăng, hoặc đứng giá ở nhóm cổ phiếu ngân hàng. Điều này giúp cho VN-Index lẫn VN30 đều giữ được sắc xanh.
Cụ thể, lúc 10h00, VN-Index ghi nhận mức tăng 1.55 điểm, tương ứng 0.33% đạt 467.27 điểm.
Mã VNE tăng trần, với dư mua áp đảo, sau 3 vài phiên giảm liên tục. Mã NVT tiếp tục bị bán sàn. Những cổ phiếu khoáng sản tiếp tục tăng trần với dư mua khá cao. SAM và CSG đồng loạt tăng trần sau sự việc xin giải thể công ty CSG vẫn chưa có quyết định cuối cùng.
Phiên này, NNC và CNG giảm 14.12% và 13% do chốt quyền nhận cổ tức.
Sàn HNX, giao dịch yếu hẳn so với các phiên trước, chỉ số có lúc giảm đỏ, nhưng nhanh chóng được kéo lên lại. Cụ thể, HNX-Index tăng 0.04% đạt 77.79 điểm.
Đến 10h00, giao dịch tại sàn này mới đạt 15.73 triệu đơn vị, tương đương 180 tỷ đồng.
Toàn sàn có 87 mã tăng và 72 mã giảm, còn lại đến 239 mã đứng yên. ACB, SCR, PVX, VND vẫn duy trì đà tăng, nhưng HBB, KLS, GBS, VCG và một vài mã vốn hóa lớn khác đã quay về mốc tham chiếu.
Mở cửa: Mặc kệ giá xăng, thị trường vẫn tăng điểm
Mặc dù việc giá xăng dầu tăng giá cuối tuần qua đang gây đau đầu cho các doanh nghiệp, thị trường chứng khoán vẫn tăng điểm trong phiên mở cửa sáng nay (23/04). Nhưng nhìn chung lực cầu vẫn còn khá thận trọng, số lượng cổ phiếu tăng trần không nhiều.
Lực cầu không quá mạnh, nhưng do lực bán ra khá yếu nên thị trường ghi nhận mức tăng nhẹ. Ngay cả những cổ phiếu “hot” cũng không có lực cầu dồn dập như trước.
VN-Index được sự hỗ trợ của khoảng 80 mã tăng giá, trong đó có khá nhiều mã bluechips HVG, GMD, BVH, FPT, KDC, DPM, SSI, PVF, HAG, REE, HPG… đã bật tăng 1.08 điểm trong đợt khớp lệnh thứ nhất, tương đương 0.23% đạt 466.8 điểm. Giao dịch đạt trên 5 triệu đơn vị, tương đương 96 tỷ đồng. VNE, KTB, SSI là những mã giao dịch nhiều nhất.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng chủ yếu giảm giá, ngoại trừ CTG tăng nhẹ 100 đồng lên 22,700 đồng/cp.
Tại sàn Hà Nội, các mã cổ phiếu ngân hàng như ACB, HBB, SHB đều tăng nhẹ. Thêm vào đó là các bluechips như PVX, SCR, VND, THV, IVS, KLS… tổng cộng hơn 60 mã tính đến 9h15, giúp HNX-Index đạt mức tăng 0.42 điểm, tức 0.54% đạt 78.17 điểm. Giao dịch khá thấp, với 3.6 triệu đơn vị, tương đương 38 tỷ đồng.
Viết Vinh (Vietstock)
FINFONET
|