Chứng khoán Tuần 16 - 20/04: Thất bại tại ngưỡng kháng cự
Khối lượng giao dịch vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao và có đến 19/24 nhóm ngành tăng điểm. Tâm điểm của tuần là nhóm cổ phiếu Khai khoáng.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 16 – 20/04/2012
Giao dịch: VN-Index tính tổng cộng cả tuần tăng nhẹ 0.62% và đang ở mức 465.72 điểm, HNX-Index giảm 0.81% đứng tại 77.66 điểm. VS 100 tăng 0.89% đang ở 75.68 điểm và VN 30 tăng 0.27% đứng tại 533.74 điểm.
VS-Mid Cap tăng điểm mạnh nhất với mức tăng 4.24%, tiếp theo là VS-Small Cap tăng 3.68%, VS-Micro Cap tăng 2.19% và VS-Micro Cap tăng nhẹ nhất 1.81%.
Thanh khoản thị trường tiếp tục gia tăng trong tuần qua khi khối lượng giao dịch khớp lệnh trên HOSE tăng mạnh 11.6% so với tuần trước đó. Trong khi khối lượng trên HNX giảm nhẹ 1.4%. Đáng chú ý là phiên giao dịch cuối tuần thanh khoản đã sụt giảm mạnh đặc biệt là trên HNX.
Thị trường đã có tuần giao dịch nhiều cảm xúc khi tiếp tục duy trì đà tăng mạnh mẽ ngay trong các phiên giao dịch đầu tuần, giúp đưa các chỉ số tiến sát vùng đỉnh, thậm chí đã có lúc VN-Index vượt mốc 475 điểm và HNX-Index vượt qua 81 điểm.
Mặc dù vậy áp lực bán sau đó đã nhanh chóng lấn lướt trong những phiên giao dịch còn lại và kéo thị trường giảm điểm. Thống kê giao dịch cho thấy những nhóm nhà đầu tư lớn cũng đã gia tăng thoát hàng. Do đó, không quá khó hiểu khi tâm lý nhà đầu tư nhỏ lẻ bị dao động mạnh và tâm lý lo ngại gia tăng. Nguyên nhân khiên áp lực gia tăng mạnh có thể xuất phát từ:
(1) Thị trường đã trải qua chuỗi ngày tăng điểm khá dài và nay chỉ số đi vào vùng kháng cự mạnh khiến thị trường rung lắc liên tục. Điều này khiến bên bán tỏ ra thận trọng và mạnh dạn bán ra chốt lời.
(2) Kết quả kinh doanh quý 1 của các cổ phiếu dẫn dắt như Ngân hàng, CTCK hay các cổ phiếu bluechips dần lộ diện cũng khiến cho thị trường mất đi sức bật, đặc biệt là trên HNX. Chiến lược bán khi tin tốt xuất hiện lại được áp dụng.
(3) Những thảo luận xung quanh việc giá các mặt hàng thiết yếu (điện, xăng) nhiều khả năng sẽ được điều chỉnh tăng đã khiến tâm lý giới đầu tư trở nên e ngại và dè dặt.
Những phiên giao dịch giằng co, thị trường vẫn diễn ra khá sôi động. Bên bán vẫn có thể chốt lời khi thanh khoản thị trường vẫn cao và bên mua vẫn sẵn sàng gom hàng ở mức giá thấp. Điều này được thể hiện rõ khi khối lượng giao dịch và dòng tiền vẫn duy trì ở mức cao so vơi với các phiên gần đây đặc biệt là trong các phiên giao dịch giữa tuần.
Các phiên giao dịch cuối tuần, lực bán tập trung mạnh nhất ở nhóm cổ phiếu cổ phiếu đã tăng mạnh trước đó như Bất động sản và các anh em là Xây dựng, SX Tôn thép, cổ phiếu chứng khoán cũng không nằm ngoài xu thế.
Chúng tôi cũng nhận thấy xu hướng dòng tiền đầu cơ trở lại ”chiếu cố” vào nhóm cổ phiếu khoáng sản như KSS, KTB, KSH ...
Phiên giao dịch cuối tuần, thị trường đã hồi phục trở lại khi VN-Index thu hẹp đà giảm điểm trong khi HNX-Index đã đảo chiều thành công sau 3 phiên giảm điểm liên tiếp. Tuy nhiên thanh khoản trên cả hai sàn đã sụt giảm mạnh so với các phiên gần đầy đặc biệt trên HNX.
Nhà đầu tư nước ngoài: Khối ngoại vẫn tiếp tục mua ròng, nhưng giao dịch mua ròng vẫn khá dè dặt. Tuy nhiên việc khối ngoại vẫn duy trì quan điểm lạc quan của mình tiếp tục là yếu tố quan trọng giúp giới đầu tư yên tâm hơn trong các phiên giao dịch.
Tính tổng cộng, giá trị bán ròng tuần qua trên HOSE của khối ngoại hơn 695.2 tỷ đồng, chủ yếu do giao dịch bán ròng của STB. Nếu loại trừ giao dịch tại mã cổ phiếu này thì tuần qua khối ngoại vẫn mua ròng 115.5 tỷ đồng.
Họ bán ròng mạnh STB với 810.7tỷ đồng tương ứng với 32.4 triệu đơn vị, chủ yếu thông qua giao dịch thỏa thuận với hơn 33.2 triệu đơn vị. Ngoài ra họ cũng bán ròng khá mạnh DPM với 30.4 tỷ đồng và BVH với 13.8 tỷ đồng
Ở chiều ngược lại, khối ngoại mua ròng mạnh nhất các cổ phiếu ngân hàng gồm VCB với 71 tỷ đồng, tiếp theo là MBB với 66.2 tỷ đồng.
Giá trị mua ròng của khối ngoại trên HNX đạt gần 27.5 tỷ đồng. Họ gom ròng mạnh nhất VCG với 11.3 tỷ đồng và KLS với 5.1 tỷ đồng; trong khi bán ròng mạnh nhất PGS với 3.6 tỷ đồng và BVS với 2.0 tỷ đồng.
Cổ phiếu đáng chú ý: Số ngành tăng điểm vẫn chiếm ưu thế với 19/24 ngành. Nhóm ngành nóng vẫn có mức tăng điểm khá tốt khi Khai khoáng tăng 7.42%, Chứng khoán tăng 6.32% và Xây dựng tăng 5.77%, Bất động sản tăng 3.3% và Ngân hàng tăng 3.01%.
CNTT- Truyền thông là ngành giảm điểm mạnh nhất trong tuần với mức giảm 2.53%, tiếp theo là Dược phẩm giảm 1.03%.
Nhóm cổ phiếu giao dịch tích cực trong tuần qua gồm có: nhóm cổ phiếu khai khoáng KSH tăng 19.59% , KSS tăng 18.6, KTB tăng 18.28 và KSD (HNX) tăng 12.33%. Ngoài ra trên HOSE còn có SRC 19.65% và MCG 17.33%;
Nhóm cổ phiếu khai khoáng đã có một tuần tăng trưởng mạnh dòng tiền đổ vào nhóm cổ phiếu này khá lớn. Không có thêm bất cư thông tin chính thức xung quanh những cổ phiếu này trong tuần qua. Tuy nhiên chúng tôi nghe thấy những thảo luận về kết quả hoạt động năm 2012 sẽ tích cực xung quanh một vài cổ phiếu trong nhóm do đó rất có thê dòng tiền đầu cơ đã được kích hoạt mạnh trong tuần qua nhờ những thông tin này
SRC đã tăng mạnh 19.65% trong tuần qua. SRC được chú ý nhiều trong thời gian gần đây. Nhiều khả năng sự chú ý của giới đầu tư đến từ kỳ vọng hoạt động khởi sác hơn khi kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2012 là 27 tỷ đồng tăng mạnh 9 lần so với năm 2011. Bên cạnh đó là là kỳ vọng về kế hoạch khai thác lợi thế 6.3 ha đất tại số 231 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân Hà Nỗi có thể mang đến lợi nhuận bất thường lớn.
MCG tiếp tục tăng mạnh trong tuần qua có thể đến từ kỳ vọng lợi nhuận năm 2012 tăng mạnh so với năm 2011 khi MCG sẽ hạch toán các dự án công trình thủy lợi, thủy điện không được hạch toán năm 2011. Theo đó, lợi nhuận sau thuế năm 2012 đạt 66.4 tỷ đồng.
Ở phía cổ phiếu giảm điểm nổi bật; trên HOSE có GMD giảm 10%, trên HNX gồm có SHS giảm 11.39%, STL giảm 12.7%, PVV giảm 12.49%
Không có thông tin mới xung quanh các cổ phiếu này trong tuần qua do đó việc sụt giảm của các cổ phiếu trên cả hai sàn trong tuần qua chủ yếu xuất phát từ xu hướng chốt lời tăng mạnh khi nhóm cổ phiếu này đã có mức tăng khá mạnh những tuần trước đó.
Cuối tuần, PVV đón nhận thông tin tốt khi ĐHCĐ của PVV đã nhất trí thông qua kế hoạch với lợi nhuận trước thuế năm 2012 là 40 tỷ đồng, tăng 13 lần so với năm 2011
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK
FINFONET
|