Nhiều doanh nghiệp chưa biết cách tự vệ
Theo Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), kết quả các vụ tranh chấp thương mại do trung tâm này xử lý liên quan đến đối tác quốc tế và Việt Nam cho thấy nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong nước chưa biết cách tự bảo vệ mình.
Phát biểu tại hội thảo "Triển vọng một số ngành hàng xuất khẩu Việt Nam", tổ chức ngày 18-4 tại TPHCM, Trọng tài viên của VIAC Phạm Văn Chắt cho biết, trong năm qua trung tâm đã xử lý nhiều trường hợp tranh chấp thương mại với đối tác quốc tế và phần thua thường nghiêng về phía các doanh nghiệp trong nước.
Ông Chắt kể lại việc trung tâm giải quyết trường hợp doanh nghiệp ở Sóc Trăng ký hợp đồng xuất khẩu 5 container tôm hùm đông lạnh cho một đối tác người Canada, đối tác trả trước một phần và hứa sẽ thanh toán phần còn lại sau khi nhận lô hàng. Thế nhưng, quá hạn thanh toán đã lâu mà không thấy đối tác thanh toán số tiền còn lại, doanh nghiệp tìm hiểu thì mới hay đối tác đã giải thể từ lâu.
Các trường hợp tranh chấp thương mại liên quan đến đối tác giải thể, theo ông Chắt, đã diễn ra từ lâu, nhưng thỉnh thoảng vẫn còn doanh nghiệp Việt Nam bị vướng phải và chịu thiệt hại.
"Rủi ro thường là vì doanh nghiệp trong nước không am hiểu về luật thương mại quốc tế để có thể tự bảo vệ mình", ông Chắt nói. Do vậy, ông khuyến nghị nếu cảm thấy thiếu cơ sở trong kinh doanh với đối tác nước ngoài, doanh nghiệp cần đến các tổ chức như hiệp hội ngành hàng, trung tâm trọng tài, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hoặc luật sư để nhận hỗ trợ về pháp lý cũng như thông tin để tránh bị thiệt hại.
Trong khi đó, ông Lê Quốc Bảo, Giám đốc Văn phòng TBT Việt Nam (điểm hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại) cho biết, doanh nghiệp cũng cần phải tìm hiểu thông tin về các biện pháp hàng rào kỹ thuật được các nước nhập khẩu dựng lên. Theo ông, hàng rào kỹ thuật trong thương mại quốc tế đã tăng với tốc độ khá nhanh từ năm 1995 đến 2011.
Ông Bảo lưu ý rằng, đa phần hàng rào kỹ thuật được các nước nhập khẩu dựng lên để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp tại nước đó đối với hàng hóa nhập khẩu; trong đó có các nước là thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Trung Quốc.
Phạm Thái
TBKTSG
|