Ngành than: Nan giải cân đối cung - cầu
Theo Tập đoàn CN Than - Khoáng sản VN (Vinacomin), sản xuất than cung ứng cho các nhà máy điện trong tổng sơ đồ điện 7 (giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến 2025) sẽ ngày càng tăng.
Đến năm 2015, cân đối cung - cầu than trong nước sẽ thiếu khoảng 15 triệu tấn và phải NK. Từ sau 2020 trở đi, Vinacomin sẽ đưa vào khai thác bể than sông Hồng.
Vỡ quy hoạch
Theo ông Phạm Mạnh Thắng - Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) - nhu cầu than cho các nhà máy nhiệt điện chạy than trong giai đoạn 20 năm tới là vô cùng lớn. Để đáp ứng tiến độ của quy hoạch điện 7 (QHĐ7) đã được Thủ tướng phê duyệt thì giai đoạn 2011 - 2020, sẽ có 46 nhà máy điện than đi vào vận hành, với tổng lượng than tiêu thụ khoảng 77 triệu tấn. Trong đó, sản xuất than trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 21 nhà máy, với khối lượng 29 triệu tấn; 25 nhà máy còn lại phải sử dụng nguồn NK với lượng NK lên tới 48 triệu tấn. Đến 2030, than nội địa chỉ còn đáp ứng được khoảng 31 triệu tấn, trong tổng nhu cầu lên tới 160 triệu tấn than cho 70 nhà máy nhiệt điện trong quy hoạch. Lượng than NK giai đoạn này lên tới 130 triệu tấn.
Quy hoạch ngành than được phê duyệt cách đây mấy năm do Bộ Công Thương trình đã nhanh chóng bị phá vỡ do hiện nhu cầu than cho điện quá lớn. Bộ Công Thương tính toán, trong quy hoạch lần này, chủ trương là sẽ khai thác tối đa tiềm năng than của bể than Đông Bắc, bể than sông Hồng tùy thuộc quá trình khai thác thử nghiệm và chỉ đưa vào cân đối nguồn than bể sông Hồng từ năm 2020, với sản lượng khoảng 0,5 - 1 triệu tấn than thương phẩm, đầu tư xây dựng mới các mỏ với công suất 3 triệu tấn/mỏ/năm tại các khu vực đang thăm dò thử nghiệm. Giai đoạn đến 2015, ngành than sẽ đầu tư, cải tạo nâng công suất 61 mỏ hiện có; đầu tư mới 25 mỏ, đạt sản lượng 55 - 58 triệu tấn. Quy hoạch ngành than cũng dự kiến một lượng vốn đầu tư khổng lồ đến năm 2020 khoảng 317.736 tỉ đồng (bình quân mỗi năm vốn đầu tư cần khoảng 35.304 tỉ đồng).
Vẫn nhập khẩu than
Mặc dù không cân đối được nhu cầu trong nước, phải NK, nhưng quy hoạch ngành than vẫn khẳng định: “Vẫn XK những loại than trong nước chưa có nhu cầu sử dụng”. Theo ông Vũ Thành Lâm - Phó TGĐ Viancomin - đây là những chủng loại than chất lượng tốt, giá thành cao và còn có tác dụng giữ mối quan hệ bạn hàng của Vinacomin. Năm 2012 này, Vinacomin dự kiến vẫn XK 13,5 - 14,5 triệu tấn, trong tổng lượng than thương phẩm sản xuất được 45,5 triệu tấn, tiêu thụ trong nước 31 - 32 triệu tấn. Đến năm 2015, ông Lâm cho biết, Vinacomin vẫn còn XK khoảng 3 triệu tấn than/năm.
Vấn đề có tính quyết định đối với quy hoạch than, theo ông Nguyễn Khắc Thọ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng là chính sách giá than. Hiện chỉ còn giá than bán cho điện là chưa đạt bằng giá thành. Theo tính toán, mức giá này mới bằng 57 - 63% giá thành sản xuất than năm 2010 đã được kiểm toán và bằng 51 - 55% giá thành năm 2011. Do chưa được thực hiện lộ trình giá theo cơ chế thị trường, nên tình hình tài chính của ngành than rất khó khăn, trong khi nhu cầu vốn đầu tư để sản xuất than ngày càng lớn. Nếu không giải được bài toán giá, việc thực hiện quy hoạch ngành than có khả năng sẽ “chậm dần đều” như đã xảy ra với một số quy hoạch điện, than đã có tiền lệ.
Tăng giá than làm giá điện tăng thêm 200đ/kWh
Tăng giá than và bài toán giảm áp lực lạm phát đang phải được các bộ, ngành cân nhắc thận trọng. Theo ông Nguyễn Khắc Thọ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng - nếu điều chỉnh giá than theo giá thị trường như đang áp dụng với các hộ tiêu thụ ngoài điện (giấy, ximăng, phân bón...), thì bình quân giá than cho điện sẽ tăng khoảng 26%/kWh, bình quân mỗi kWh điện tăng 18đ/kWh. Nếu áp dụng giá than bằng 70 - 80% giá than XK cùng chủng loại, kể từ 2012, giá điện sẽ tăng khoảng 200đ/kWh. Vì vậy, theo Bộ Công Thương, tăng giá than cần phải có lộ trình và có bước đi phù hợp, vừa đảm bảo cân bằng tài chính DN, vừa ổn định kinh tế, kiềm chế lạm phát. |
Hồng Quân
lao động
|